08/02/2023 09:09 GMT+7

Động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ, Syria: Thảm họa rơi xuống 'những nơi vốn đã cần viện trợ'

Tính đến 23h ngày 7-2, số người chết do động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đã vượt qua 5.000 người, cùng với hàng chục ngàn người bị thương.

Thảm họa rơi xuống "những nơi vốn đã cần viện trợ" - Ảnh 1.

Những người còn sống sót ôm nhau bên cạnh những đống đổ nát sau động đất ở vùng Hatay, Thổ Nhĩ Kỳ ngày 7-2 - Ảnh: Reuters

Hàng chục dư chấn mạnh tiếp tục làm rung chuyển miền nam Thổ Nhĩ Kỳ và miền bắc Syria trong ngày 7-2, một ngày sau khi hai trận động đất mạnh 7,8 độ và 7,5 độ tàn phá các khu vực này trên diện rộng. Hàng ngàn tòa nhà bị phá hủy, người dân màn trời chiếu đất giữa tiết trời lạnh lẽo, đường sá hư hỏng cản trở các nỗ lực cứu hộ...

Cảnh báo dư chấn trong nhiều năm

Trả lời phỏng vấn Hãng tin Tass ngày 7-2, ông Dmitry Gladkochub, giám đốc Viện vỏ Trái đất tại chi nhánh Siberia của Viện Hàn lâm khoa học Nga, cho rằng các dư chấn có thể diễn ra trong nhiều năm sau trận động đất mạnh làm rung chuyển Thổ Nhĩ Kỳ và Syria vào đầu tuần này.

"Có thể cảm nhận được những dư chấn đó trong vài năm nữa. Đây là một quá trình lâu dài", ông nói và nhắc lại những trận động đất mạnh từng làm rung chuyển hồ Baikal của Nga và hồ Khovsgol của Mông Cổ, các dư chấn sau đó cũng đã kéo dài từ 12 - 24 tháng.

Nằm ở nơi giao nhau của các mảng kiến tạo có nhiều đứt gãy, Thổ Nhĩ Kỳ là điểm nóng của hoạt động địa chấn. Theo ông Gladkochub, gần 400 dư chấn đã được ghi nhận sau trận động đất đầu tiên ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Thảm họa đã san phẳng nhiều khu dân cư trên toàn khu vực đông nam Thổ Nhĩ Kỳ và phía bắc Syria. Trận động đất mạnh 7,8 độ hôm 6-2 đã phá hủy hàng ngàn tòa nhà khi xảy ra chỉ sau 4h sáng khiến mọi người phải chạy ra đường khi nhiệt độ gần như đóng băng. 

Tuy nhiên trận thứ hai mạnh 7,5 độ xảy ra vào đầu giờ chiều 6-2 cách đó khoảng 95km còn tàn phá nặng nề hơn. Theo đánh giá sơ bộ củaThổ Nhĩ Kỳ, ít nhất 6.217 tòa nhà đã bị phá hủy trong thiên tai.

Thảm họa rơi xuống "những nơi vốn đã cần viện trợ" - Ảnh 6.

Những trận động đất mạnh ở Thổ Nhĩ Kỳ từ năm 1900 Nguồn: The Guardian, USGS - Dữ liệu: BẢO ANH - Đồ họa: T.ĐẠT

Tổng thống Recep Tayyip Erdogan mô tả đây là "thảm họa lớn nhất" của Thổ Nhĩ Kỳ kể từ trận động đất năm 1939 đã khiến khoảng 33.000 người thiệt mạng. Ông cũng tuyên bố tổ chức quốc tang trong bảy ngày. Ngày 7-2, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan ban bố tình trạng khẩn cấp kéo dài ba tháng tại 10 tỉnh bị ảnh hưởng động đất và dư chấn.

Nhiều khu vực của Syria vốn đã kiệt quệ sau nhiều năm chiến tranh giờ lại bị tổn thất nặng nề vì động đất. Người dân ở các nước xa hơn như Lebanon, Ai Cập và Israel cũng cảm nhận được sự rung lắc.

Tại tỉnh Idlib ở tây bắc Syria, hàng trăm gia đình vẫn mắc kẹt dưới đống đổ nát. Khu vực này là nơi sinh sống của khoảng 4,6 triệu người và đa số cần viện trợ nhân đạo. Phần lớn cơ sở hạ tầng y tế ở đây đã bị tàn phá trong chiến tranh. 

"Các bệnh viện của chúng tôi đã quá tải. Bệnh nhân đổ về chật kín hành lang", Hiệp hội Y tế Mỹ gốc Syria hỗ trợ 36 cơ sở y tế ở phía tây bắc Syria cho biết.

Do công tác dọn dẹp các đống đổ nát vẫn đang tiếp tục tại nhiều tòa nhà trong khu vực có động đất, chúng tôi không thể biết số người chết và bị thương sẽ tăng cao đến mức nào.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip ErdoGan cho biết.

Hỗ trợ từ chăn, lều tới nhà bếp

Các cơ quan trực thuộc Liên Hiệp Quốc đã khởi động phản ứng khẩn cấp sau khi thảm họa xảy ra. Tại phiên họp của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ngày 6-2, Tổng thư ký Antonio cho biết người dân ở các nước hứng chịu động đất "vốn đã rất cần viện trợ nhân đạo", ông kêu gọi quốc tế hỗ trợ hai nước này.

Theo thông tin từ Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã trao đổi với ông Erdogan vào ngày 6-2 và hứa sẽ cung cấp "mọi sự hỗ trợ cần thiết". Mỹ cũng đang gửi các đội tìm kiếm cứu nạn, cũng như các nhân viên có thể hỗ trợ các dịch vụ y tế tới Thổ Nhĩ Kỳ.

Cơ quan Quản lý thảm họa và tình trạng khẩn cấp Thổ Nhĩ Kỳ (AFAD) kêu gọi quốc tế hỗ trợ. Khi Bộ trưởng Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ Süleyman Soylu thông báo đất nước ông sẵn sàng chấp nhận viện trợ quốc tế, các nước Mỹ, Anh, Hà Lan, Nga và Azerbaijan đã đề nghị hỗ trợ. 

Tổ chức Trăng lưỡi liềm đỏ Thổ Nhĩ Kỳ cho biết đã triển khai hơn 240 nhân viên và hàng trăm tình nguyện viên trong khu vực thảm họa. Họ đưa nhà bếp di động và các xe cung cấp thực phẩm tới khu vực, đồng thời gửi lều, chăn, giường, và bắt đầu cung cấp máu cho các trường hợp khẩn cấp. 

Tổ chức Cứu trợ Hồi giáo Thổ Nhĩ Kỳ đã khởi động chiến dịch gây quỹ 20 triệu USD khi cảnh báo nguồn cung cấp nệm, chăn... có nguy cơ cạn kiệt trong vài giờ nữa.

Còn nhiều người đang chờ được cứu

Công tác cứu hộ sau động đất vẫn dốc lực chạy đua với thời gian, hàng chục ngàn đội ứng phó thảm họa và y tế đã được điều động đến các tỉnh đông nam Thổ Nhĩ Kỳ.

Đã có những người được cứu sống sau cả ngày trời bị mắc kẹt như trường hợp chị Rümeysa Yalçınkaya (24 tuổi) được giải cứu từ đống đổ nát của tòa nhà chung cư bảy tầng ở tỉnh Kahramanmaras sau 27 giờ xảy ra động đất, hay em bé Miran Tekes (3 tuổi) được cứu sau 22 giờ bị kẹt dưới đống đổ nát ở TP Malatya, theo báo Daily Sabah.

Tất cả chúng tôi đang hướng về các nạn nhân

Các đồng nghiệp của chồng chị Kiều Anh trong ảnh sẽ chở hàng cứu trợ trên chiếc xe phía sau đến vùng bị động đất - Ảnh: Kiều Anh cung cấp

Chia sẻ với Tuổi Trẻ chiều 7-2, chị Kiều Anh (27 tuổi), một người Việt sống ở TP Eskisehir (tây bắc Thổ Nhĩ Kỳ), cho biết vì ở cách xa khu vực xảy ra động đất (phía đông nam) nên chị may mắn không bị ảnh hưởng trong thảm họa, nhưng nhiều người quen của chị đã phải đối mặt trực tiếp với thiên tai.

Chồng chị Kiều Anh làm việc online trong một nhóm có nhiều người sống ở các khu vực khác nhau trên toàn Thổ Nhĩ Kỳ. Sáng 6-2, anh và các đồng nghiệp trong nhóm bất ngờ vì đến giờ làm việc nhưng một số người không xuất hiện. Họ cố gắng liên lạc nhưng không được. Sau đó, khi biết tin có động đất xảy ra ở vùng đông nam, gần biên giới Syria, nơi các bạn đồng nghiệp đó sinh sống, tất cả đều bàng hoàng.

Theo chị Kiều Anh, suốt hai ngày nay chồng chị cố gắng liên lạc với các đồng nghiệp trong nhóm sau khi thông tin về số người tử vong tăng nhanh khiến họ rất lo lắng. May mắn là tới giờ họ đã kết nối lại được với các bạn của mình.

Những người bạn ấy đều đã thoát chết dù nhà cửa bị hư hại. Nhà sụp, WiFi, gas, điện, nước đều mất nên ai thoát chết cũng đã đi sơ tán. Mẹ của một người bạn đã thiệt mạng vì động đất.

"Hiện giờ, cả nước Thổ Nhĩ Kỳ đang hướng về các nạn nhân. Chồng tôi cũng như các bạn bè anh đang gom chăn mền, áo ấm, thiết bị sưởi... để gửi cho các tổ chức cứu trợ. Ngay lúc này, theo anh ấy nói, thứ bà con cần nhất không phải là tiền mà là thực phẩm, sữa cho trẻ em, quần áo, chăn để giữ ấm vì trời rất lạnh", chị Kiều Anh nói.

"Ngoài ra, người Thổ Nhĩ Kỳ ở nước ngoài, cộng đồng quốc tế cũng đang chung tay giúp đỡ các nạn nhân. Ngay lúc này, mọi tấm lòng, mọi sự hỗ trợ đều quý giá".

Theo chị Kiều Anh, động đất xảy ra ở Thổ Nhĩ Kỳ khá thường xuyên. Dù mới ở Thổ Nhĩ Kỳ hai năm nhưng chị đã cảm nhận động đất rõ ràng ít nhất một lần. Trận đó tuy không lớn lắm nhưng cũng đủ khiến chị hãi hùng. Chồng chị nói anh rất buồn vì thiệt hại ở lần này là quá lớn, cả nước bàng hoàng.

"Chúng tôi không dám nhìn những video trên mạng xã hội khi người ta đào bới đống đổ nát để tìm kiếm người lớn, trẻ em bị đè bên dưới", chị chia sẻ.

Cộng đồng người Việt ở Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang hỏi thăm nhau về tình hình, nhưng theo những gì chị Kiều Anh được biết, có rất ít người Việt sinh sống tại các khu vực xảy ra động đất.

HỒNG VÂN ghi

Người dân Thổ Nhĩ Kỳ đang "hiến máu và gửi đi thật nhiều quần áo"

Tôi mong Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ triển khai tất cả những việc cần thiết nhất để giải cứu các khu vực bị ảnh hưởng. Trên mạng xã hội, chúng tôi nghe tin các đội tìm kiếm cứu hộ vẫn chưa thể tiếp cận một vài khu vực.

Người dân đang cố gắng giúp đỡ nhau ở thời điểm hiện tại. Chúng tôi đang gom áo khoác, quần áo mùa đông cho những người cần. Mọi người đang hiến máu và gửi đi thật nhiều quần áo.

Chúng tôi cũng đã kêu gọi sự giúp đỡ từ quốc tế cho nên có rất nhiều chính phủ đang cử các đội hỗ trợ tới Thổ Nhĩ Kỳ. Tôi mong điều đó sẽ hỗ trợ đủ cho các vùng bị ảnh hưởng. Tôi nghĩ chúng tôi đang thực sự rất cần giúp đỡ, nếu cứ cư xử như thể chúng tôi không cần thì nó sẽ chỉ mang lại thêm đau khổ chứ không phải sự hãnh diện.

Nhiều người chia sẻ nhà của họ đã đổ sập và đang kêu gọi sự giúp đỡ trên các trang mạng xã hội. Một số nhà chức trách cho biết "những con đường đã nứt toác, cảng tàu đã bị phá hủy, sân bay không thể hoạt động nên chúng tôi không thể nào giúp được khu vực Hatay".

Anh Sinan Cem Göde - 21 tuổi, sinh viên luật, tỉnh Ankara, miền trung Thổ Nhĩ Kỳ)

THANH HIỀN ghi

Động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ: Tháo chạy khỏi vùng thảm họaĐộng đất ở Thổ Nhĩ Kỳ: Tháo chạy khỏi vùng thảm họa

Trận động đất thứ nhất kéo dài khoảng một phút rưỡi, trận thứ hai khoảng 15 giây, nhưng tôi cảm thấy cả hai trận động đất như thể kéo dài tới 5 phút.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên