
Nhiều doanh nghiệp lựa chọn sản xuất, cung ứng cho các thị trường Mỹ, EU vì đơn hàng lớn và giá cạnh tranh - Ảnh: K.GIANG
Nhiều doanh nghiệp chuyển hướng tìm đơn hàng từ thị trường mới để ứng phó trước rủi ro từ thuế đối ứng của Mỹ, đồng thời đổi mới sản xuất sản phẩm, xúc tiến thương mại được đặt ra cho doanh nghiệp để gia tăng lợi thế cạnh tranh, tránh "bỏ trứng vào một giỏ".
Chuyên sản xuất sản phẩm may mặc xuất khẩu tới hơn 90% sản lượng sang thị trường Mỹ từ nhiều năm nay, ông Nguyễn Đức Thăng (chủ tịch công đoàn Công ty may Đáp Cầu) chia sẻ trong bối cảnh Mỹ dự kiến áp thuế đối ứng ở mức cao, có thể lên tới 48%, toàn bộ hàng dệt may của doanh nghiệp sẽ có nguy cơ không thể tiếp tục vào thị trường này.
Chuộng Mỹ và EU vì... bán được giá
Cũng theo ông Thăng, từ nhiều năm trước, doanh nghiệp này đã chuyển hướng tìm thêm các thị trường mới như mở rộng sang EU khi Việt Nam ký kết Hiệp định thương mại tự do EVFTA, nhưng chỉ được một tỉ trọng khá nhỏ.
Trong khi đó nhu cầu tiêu dùng tại Mỹ rất lớn. Mỗi năm người tiêu dùng nước này chi tới 270 tỉ USD cho sản phẩm may mặc, chiếm phần lớn trong tổng lượng may mặc toàn cầu với 360 tỉ USD.
"Trăm hay không bằng tay quen, mình đã quen thuộc với thị trường này khi xuất hàng rất nhanh, mang lại nhiều lợi nhuận hơn cho doanh nghiệp nên vẫn ưu tiên xuất vào. Vì vậy để mở rộng các thị trường mới, doanh nghiệp mong muốn Chính phủ có các đoàn tiếp xúc thương mại, cung cấp thông tin thị trường, kết nối đơn hàng" - ông Thăng nói và cho biết sẽ nỗ lực tìm kiếm thêm đơn hàng từ các thị trường như Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Trung Đông.
Ông Nguyễn Việt Thắng (tổng giám đốc Tập đoàn Hòa Phát, doanh nghiệp sản xuất thép xuất khẩu đi hơn 40 nước) cho rằng đây là cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm đơn hàng mới từ các thị trường Trung Đông, Singapore, Hong Kong (Trung Quốc)...
Tuy nhiên, các thị trường này đều không có thuế hoặc mức thuế thấp nên vấn đề là các doanh nghiệp có cạnh tranh được với các đối thủ khác trên thị trường hay không.
"Chúng tôi ưu tiên vào các thị trường mà sức cạnh tranh của mình tương đối tốt. Đặc biệt là những thị trường áp thuế cao với các đối thủ cạnh tranh, hàng Việt sẽ có lợi về giá hơn. Còn tại thị trường Trung Đông như Saudi Arabia hay UAE, hàng Việt Nam hoàn toàn vào được nhưng giá thấp" - ông Thắng nói và cho biết vẫn ưu tiên xuất khẩu sang châu Âu, Mỹ với giá cao hơn.
Cửa mở từ khai thác lợi thế của các FTA
Theo ông Vũ Tấn Công (chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI, đơn vị hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường), vẫn còn nhiều thị trường mở có tiềm năng và lợi thế về thuế quan mà Việt Nam chưa khai thác hiệu quả như Trung Đông, Mỹ Latin (điển hình là Brazil, Argentina, Chile, Colombia)...
Dù vậy, vấn đề là doanh nghiệp và Nhà nước phải đi khai mở thị trường, tìm kiếm các đối tác phù hợp và sản xuất những sản phẩm đáp ứng đúng phân khúc, nhu cầu thị trường và đặc biệt là những thị trường có mức độ văn hóa tương đồng và có thể tương tác trực tiếp với doanh nghiệp. Bản thân các doanh nghiệp cũng cần chủ động khai thác các lợi thế từ các FTA.
Trả lời Tuổi Trẻ, ông Vũ Bá Phú (cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công Thương) cho hay trong bối cảnh thị trường thế giới nhiều biến động khó lường, các hoạt động xúc tiến thương mại liên tục được đổi mới và đẩy mạnh triển khai với đa dạng, linh hoạt các hình thức để mở rộng thị trường xuất khẩu mới. Chia sẻ thông tin về các thị trường ngách, cập nhật cơ hội phát triển xuất khẩu mới cho các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp...
Tuy vậy, ông Phú nhìn nhận thị trường mới đều yêu cầu có thêm đầu tư mới, tham gia đa dạng các loại hình xúc tiến, điều chỉnh quy trình sản xuất cho ra sản phẩm phù hợp nhu cầu thị trường mới, trong khi khả năng hỗ trợ của cơ quan quản lý nhà nước lẫn khả năng đầu tư của doanh nghiệp đều hạn chế.
"Đặc biệt, việc ứng công nghệ xanh trong sản xuất nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn toàn cầu đòi hỏi doanh nghiệp có sự đầu tư, nâng cấp máy móc, công nghệ quy mô khá lớn", ông Phú nói.
Cần thời gian tìm kiếm, khai thác thị trường mới
Theo các chuyên gia, việc tìm kiếm thị trường mới cho hàng Việt không thể có kết quả trong một sớm một chiều bởi những quy định, chính sách, cách thức thâm nhập còn xa lạ không chỉ với các doanh nghiệp mà ngay cả đối với cơ quan hỗ trợ xúc tiến.
Chi phí nguyên vật liệu đầu vào, chi phí tuân thủ (đặc biệt với các quy định, tiêu chuẩn mới) hầu hết đều khá cao. Chưa kể thời gian dành cho việc tạo dựng mối quan hệ đối tác tin cậy, tìm kiếm kênh logistics, kênh tài chính uy tín, kênh phân phối hiệu quả... cũng là những bài toán phức tạp phải giải.
Thêm nữa, dù doanh nghiệp đã tìm được đối tác mới nhưng hầu hết khách hàng mới sẽ chưa đặt mua nhiều vì cần có giai đoạn thăm dò phản ứng tiêu dùng của thị trường, đánh giá về hiệu quả hợp tác kinh doanh. Điều này sẽ dẫn đến giá cung ứng sản phẩm có thể cao, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh trên thị trường mới của doanh nghiệp.
Do đó theo ông Vũ Bá Phú, Bộ Công Thương sẽ tham mưu cho các đơn vị điều chỉnh một số nội dung tại chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại 2025 nhằm kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, tìm hướng mở rộng và phát triển thị trường mới.
"Cùng với đó là các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh thương mại điện tử, kết nối giao thương trên môi trường mạng; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến trong nước, xúc tiến xuất khẩu tại chỗ thông qua các hoạt động kết hợp xúc tiến thương mại, du lịch và đầu tư...", ông Phú cho biết thêm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận