Thực tế, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu sang các thị trường lớn vẫn đang hụt hơi do thiếu đơn hàng, đứt gãy chuỗi cung ứng và chịu sức ép cạnh tranh về giá.
Từ làm ba ca đến đứt dần đơn hàng
Nhiều doanh nghiệp sản xuất Việt Nam đang đối mặt thách thức lớn khi đơn hàng xuất khẩu sụt giảm mạnh sau đại dịch COVID-19, đặc biệt từ các thị trường chính như Hàn Quốc.
Công ty TNHH thiết bị công nghiệp Hiệp Phát là một ví dụ điển hình, từ chỗ phải chạy ba ca liên tục để đáp ứng nhu cầu, nay lâm vào tình trạng đứt nguồn khách hàng.
Ông Bùi Thanh Luân, giám đốc Công ty TNHH thiết bị công nghiệp Hiệp Phát, cho biết doanh nghiệp đang phải nỗ lực tìm kiếm đơn hàng mới. Họ đã chuyển hướng sang thị trường Mỹ, tận dụng làn sóng chuyển dịch chuỗi cung ứng từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Tuy nhiên, quy mô đơn hàng đã giảm đáng kể, từ hàng trăm triệu USD xuống còn 10.000 - 20.000 USD. Công ty cũng đã điều chỉnh cơ cấu sản xuất, với 60 - 70% phục vụ nhu cầu trong nước.
"Để duy trì hoạt động và bảo đảm việc làm cho người lao động, chúng tôi buộc phải nhận các đơn hàng trong nước với lợi nhuận thấp hơn nhiều", ông Luân chia sẻ và bày tỏ kỳ vọng về sự phục hồi vào quý 3 năm sau, dựa trên thông tin từ các đối tác.
Trong khi đó, ngành dệt may cũng đang gặp khó khăn tương tự. Bà Nguyễn Thị Tố Trang, tổng giám đốc Công ty CP Vinatex Phú Hưng, cho biết mặc dù ngành sợi đã có dấu hiệu phục hồi trong tám tháng đầu năm nhưng vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức.
Cầu tiêu dùng thế giới suy giảm, bất ổn chính trị ở một số quốc gia và sự gia tăng năng lực sản xuất sợi toàn cầu đã tạo ra áp lực cạnh tranh lớn.
Đặc biệt, thị trường Trung Quốc, một trong những thị trường xuất khẩu chính của Vinatex Phú Hưng, đang có những thay đổi đáng kể. Trung Quốc đã tăng cường năng lực sản xuất sợi trong nước, dẫn đến sự sụt giảm nhập khẩu từ các nước như Việt Nam, Ấn Độ, Pakistan.
Tuy vậy, bà Trang vẫn lạc quan về triển vọng trong tương lai gần. "Chúng tôi kỳ vọng sự phục hồi tương đối về cầu và giá trong những tháng cuối năm 2024, đặc biệt vào mùa cao điểm, để đáp ứng nhu cầu lễ hội cuối năm.
Nhiều nhãn hàng lớn như Target, Walmart, Under Armour đã có dấu hiệu tích cực với hàng tồn kho giảm và lợi nhuận cải thiện, mở ra triển vọng cho một năm 2025 khởi sắc hơn", bà Trang nhận định.
Cần hỗ trợ kịp thời để đón đầu cơ hội
Ông Nguyễn Đăng Lợi, tổng giám đốc Công ty TNHH MTV dệt kim Đông Xuân, cho biết thị trường dệt may đã có dấu hiệu ấm lên từ cuối quý 4-2023 nhưng vẫn chưa hoàn toàn phục hồi so với thời điểm trước dịch COVID-19.
Với 90% kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, ông Lợi kỳ vọng sự giảm giá của đồng Việt Nam và yen Nhật so với USD có thể giúp tăng hiệu quả cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, thị trường Nhật Bản được biết đến là một thị trường tiêu dùng khó tính, đòi hỏi doanh nghiệp phải liên tục cải tiến và đổi mới.
Các doanh nghiệp dệt may đang phải đối mặt với nhiều yếu tố bất lợi như chi phí sản xuất đầu vào tăng cao, khó khăn trong tuyển dụng lao động, đơn hàng ngắn và nhỏ, yêu cầu chất lượng cao nhưng cạnh tranh gay gắt về giá.
Trong một số trường hợp, doanh nghiệp buộc phải chấp nhận ký kết hợp đồng với đơn giá thấp để duy trì sản xuất và việc làm cho người lao động.
Mặc dù vậy, ông Lợi vẫn lạc quan về triển vọng trong tương lai. Ông kỳ vọng rằng với tình hình bất ổn tại Bangladesh, nhiều đơn hàng xuất khẩu dệt may sẽ quay trở lại với các doanh nghiệp Việt Nam.
Hiện tại, Công ty Đông Xuân đã có đơn hàng đến hết quý 2-2025 và đang đàm phán các hợp đồng mới.
Bà Nguyễn Thị Tố Trang cho biết chi phí điện chiếm gần 1/3 chi phí chế biến trên 1kg sợi. Do đó, Nhà nước cần có các chính sách giảm áp lực tăng giá đầu vào nhằm tạo lợi thế cạnh tranh tốt hơn cho các doanh nghiệp.
Trong khi đó, ông Bùi Thanh Luân cho rằng khó khăn hiện nay là cơ hội để thanh lọc doanh nghiệp nhỏ và manh mún. Chính phủ cần có chính sách giúp doanh nghiệp có khả năng phục hồi nâng cao năng lực cạnh tranh, thông qua việc cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn dài hạn với lãi suất phù hợp để đầu tư và có thời gian phục hồi.
"Chúng tôi vay vốn mà chỉ được sáu tháng thì không thể đáo hạn, không thể đầu tư hiệu quả vì chưa kịp làm gì thì đã phải lo đi vay nóng để đáo hạn, lãi suất rất cao. Trong khi ngành sản xuất tạo ra việc làm, của cải vật chất, sản phẩm cho xã hội nhưng tỉ suất lợi nhuận thấp nên nếu không có hỗ trợ sẽ rất khó", ông Luân chia sẻ.
Nhiều thị trường quan trọng nhập khẩu chậm lại
Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ Công Thương gửi Thủ tướng, hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn. Kim ngạch xuất khẩu Việt Nam trong sáu tháng đầu năm đạt 190,7 tỉ USD, tăng gần 15%, nhưng một số thị trường lớn như Trung Quốc và Nhật Bản có tốc độ tăng trưởng giảm dần qua các tháng.
Bộ Công Thương nhận định rằng mặc dù kinh tế thế giới đã có tín hiệu phục hồi nhưng tốc độ còn chậm và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Giá xăng dầu, nguyên vật liệu và giá cước vận tải biến động mạnh tạo sức ép lạm phát và ảnh hưởng đến tăng trưởng toàn cầu.
Đặc biệt, căng thẳng địa chính trị kéo dài tiềm ẩn nguy cơ leo thang gây tác động tiêu cực đến chuỗi cung ứng và làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận