
Xuất khẩu gỗ được dự báo sẽ chịu tác động lớn nhất từ thuế đối ứng của Mỹ - Ảnh: Đ.TH.
Khuyến nghị được nhiều chuyên gia đưa ra tại hội thảo Thuế đối ứng của Mỹ và ứng phó của doanh nghiệp Việt Nam, do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức tại Hà Nội ngày 18-4.
Tìm cơ hội trong rủi ro
Chia sẻ tại hội thảo, bà Phạm Chi Lan - chuyên gia kinh tế - nhận định thuế đối ứng của Mỹ không chỉ có rủi ro mà còn có cơ hội. "Việt Nam có FTA với 17 nước nhưng không có với Mỹ, chỉ có BTA, BTA+ với Mỹ.
Hợp tác hai bên vẫn dừng ở mức song phương thông thường. Vì vậy, cần đẩy nhanh đàm phán để ứng xử với hàng hóa Mỹ như một nước có FTA với Việt Nam từ hàng rào thuế đến phi thuế quan.
Trong quá trình đàm phán cần kết hợp được giá trị nhập khẩu dịch vụ với nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ.
Ngoài ra cần tăng mạnh tỉ lệ nội địa hóa trong chuỗi cung ứng hàng hóa xuất khẩu đi Mỹ. Tích cực phát triển công nghiệp phụ trợ để đưa Việt Nam khỏi phận gia công, trước khi vươn lên ngưỡng phát triển cao hơn", bà Lan khuyến nghị.
Vị chuyên gia này cũng lưu ý việc chuyển thị trường mới bao giờ cũng khó hơn giữ thị trường cũ, chi phí mở thị trường mới gấp 3 lần giữ thị trường Mỹ.
Vì thế, cần có giải pháp để giữ thị trường Mỹ, kết hợp với đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Thị trường nhập khẩu hàng hóa cũng cần đa dạng hơn hiện nay.
Và để đáp ứng yêu cầu khắt khe về xuất xứ hàng hóa, bà Lan khuyến nghị doanh nghiệp nên đa dạng thị trường nhập khẩu nguyên liệu đầu vào, tránh lệ thuộc vào Trung Quốc. Tuy nhiên, cần khéo léo vì cả Mỹ và Trung Quốc đều là những đối tác quan trọng của Việt Nam.
Bàn giải pháp ứng phó với thuế đối ứng từ Mỹ, TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, cũng cho rằng cần sớm đáp ứng các băn khoăn, vướng mắc mà phía Mỹ nêu ra với hàng hóa Việt Nam.
Báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ đã nêu ra 24 rào cản, vướng mắc, trong đó có 14 lĩnh vực. Chính phủ đang chỉ đạo quyết liệt gỡ vướng, điều này tốt cho các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước.
Hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm thị trường mới
Ông Phạm Tấn Công, chủ tịch VCCI, cho biết VCCI đã có văn bản kiến nghị giải pháp ứng phó với thuế đối ứng từ Mỹ gửi Chính phủ. Đồng thời, VCCI đã gửi thư cho bộ trưởng thương mại Mỹ, Phòng Thương mại Mỹ, lãnh đạo các bang có tiếng nói từ Mỹ để nêu quan điểm của Việt Nam về thuế đối ứng.
Hiện Việt Nam có 17 FTA nhưng các doanh nghiệp chưa chủ động khai thác hết thị trường, vì thế VCCI kiến nghị Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến các thị trường mới mà Việt Nam đã ký kết FTA để tận dụng tối đa các lợi thế xuất khẩu.
Các thị trường ngoài Mỹ sẽ là lối thoát cho doanh nghiệp xuất khẩu trong trường hợp Mỹ áp mức thuế đối ứng cao.
Trong bối cảnh hiện nay, việc hỗ trợ doanh nghiệp ngành hàng bị ảnh hưởng là rất quan trọng.
Theo TS Lực, cần tập trung kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ doanh nghiệp chiếm lĩnh thị trường nội địa.
Bên cạnh đó, vị chuyên gia này cũng lưu ý doanh nghiệp xuất khẩu cần minh bạch nguồn gốc xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, cần rõ ràng tỉ lệ nội địa hóa.
Đồng thời cần tận dụng tốt các FTA đang có, hiện chúng ta mới tận dụng được 31% ưu đãi trong các FTA, 69% chưa khai thác được, dư địa còn rất nhiều.
Ký hiệp định thương mại song phương với Mỹ sẽ biến nguy thành cơ
Ông Đậu Anh Tuấn, phó tổng thư ký VCCI, cho biết trong bối cảnh Mỹ áp thuế đối ứng với hàng xuất khẩu Việt Nam, nếu Việt Nam ký được hiệp định thương mại song phương với Mỹ thì sẽ biến nguy thành cơ.
Trong 15 nhóm hàng xuất khẩu tỉ đô vào Mỹ hiện nay thì nhóm gỗ, sản phẩm từ gỗ, nhóm hàng dệt may, nhóm hàng da giày có thể chịu tác động lớn.
VCCI cũng đánh giá nhóm hàng gỗ, sản phẩm từ gỗ sẽ chịu tác động lớn nhất từ thuế đối ứng của Mỹ.
Dự báo nếu Mỹ áp thuế 10% với các sản phẩm gỗ Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ thì kim ngạch xuất khẩu sẽ giảm khoảng 30% trong năm nay.
TS Cấn Văn Lực đánh giá nếu thuế đối ứng mà Mỹ áp cho các mặt hàng Việt Nam từ 20-25% thì xuất khẩu của Việt Nam chỉ giảm nhẹ từ 6-7,5 tỉ USD, tương ứng giảm 1,5% tăng trưởng xuất khẩu. Vốn FDI thực hiện sẽ giảm từ 3-5%.
Ngoài ra, thuế đối ứng sẽ tác động chuyển hướng thương mại toàn cầu, cạnh tranh tại thị trường nội địa sẽ gay gắt hơn khi hàng hóa không vào được Mỹ chuyển hướng qua Việt Nam.
Doanh nghiệp Việt bàn cách tái cơ cấu chuỗi cung ứng

Công nhân một nhà máy điện tử tại Khu công nghệ cao TP.HCM - Ảnh: N.HIỂN
Tại hội nghị "Khu công nghệ cao trước tác động chính sách thuế quan của Mỹ" do Khu công nghệ cao TP.HCM tổ chức ngày 18-4, ông Nguyễn Đình Thiện - phó giám đốc Công ty TNHH DLG Ansen - cho biết chính sách thuế mới của Mỹ đã khiến doanh nghiệp này gặp khó khăn.
Một số khách hàng ở thị trường Mỹ giảm các đơn đặt hàng, thậm chí đơn hàng bị hủy cũng đang tăng lên.
Theo ông Thiện, doanh nghiệp đang chờ đợi các chính sách của Chính phủ cũng như kỳ vọng đàm phán giảm mức áp thuế quan của Mỹ.
Trong giai đoạn này, doanh nghiệp phải chủ động tối ưu hóa quy trình sản xuất, tái cơ cấu chuỗi cung ứng để không phụ thuộc vào các chuỗi cung ứng cũ ở các thị trường bị đánh thuế cao, cũng như tìm kiếm các đơn hàng ở các thị trường mới.
"Công ty cũng tập trung vào việc đầu tư về nghiên cứu và phát triển để đưa ra các sản phẩm mới nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường trong giai đoạn mới này", ông Thiện nói.
Đại diện Công ty điện tử D.G.S. cho biết do có tới 80% sản phẩm của công ty đang xuất khẩu sang Mỹ, vì vậy hiện chuỗi cung ứng của công ty bị ảnh hưởng khi việc khách hàng hoãn và hủy đơn hàng.
Đại diện doanh nghiệp này cho rằng bên cạnh mở rộng chuỗi cung ứng, cũng cần ưu tiên sử dụng các sản phẩm công nghệ cao sản xuất trong nước hoặc ngay trong Khu công nghệ cao để tạm thời giải quyết các thách thức ngắn hạn.
Ông Đặng Văn Chung - đại diện chi hội Doanh nghiệp Khu công nghệ cao TP.HCM (SBA) - cho hay các doanh nghiệp trong Khu công nghệ cao đang tham gia ngày càng sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt là với thị trường Mỹ khi đây là một trong những đối tác thương mại lớn của Việt Nam.
"Các doanh nghiệp quan tâm đến các rủi ro về gián đoạn chuỗi cung ứng và phương án ứng phó kịp thời.
Đồng thời, mong muốn có các cơ chế, chính sách hỗ trợ từ chính quyền địa phương và trung ương giúp doanh nghiệp điều chỉnh chiến lược thị trường, đa dạng hóa đối tác và tăng cường nội lực", ông Chung nói.
Ông Nguyễn Công Hân - đại diện Công ty Fab9 EMS - cho rằng Nhà nước cần có các chính sách đối ứng hợp lý đối với hàng nhập khẩu, các chính sách về xuất nhập hàng cần linh hoạt hơn nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tối ưu hóa chi phí trước những biến động như hiện nay.
Ông Hân cho biết doanh nghiệp này sẽ đa dạng hóa hệ thống phân phối, tìm kiếm và phát triển thêm các trung tâm phân phối hoặc đối tác vận chuyển tại những khu vực chiến lược, nhằm duy trì khả năng cạnh tranh trong bối cảnh mới.
Ông Lê Quốc Cường - phó trưởng ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM - cho hay chính sách thuế quan mới của Mỹ không chỉ là rào cản thương mại, mà còn là chất xúc tác cho sự tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu và dịch chuyển địa chiến lược trong các ngành công nghiệp cốt lõi.
Tình huống này đặt ra yêu cầu cấp thiết thành phố phải tái cấu trúc mô hình tăng trưởng xuất khẩu, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu ngành nghề, bảo vệ việc làm và nâng cao khả năng thích ứng của nền kinh tế thành phố trước các cú sốc bên ngoài.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận