
Mỹ đã áp thuế đối với hàng hóa từ nhiều quốc gia, trong đó ngành dệt may Việt Nam cũng chịu mức thuế đối ứng cao - Ảnh: Q.A.
Theo các chuyên gia, dệt may không phải là ngành chủ lực của Mỹ và cũng không phải là ngành Mỹ muốn "hồi hương", bảo hộ sản xuất trong nước. Đây được xem là những cơ sở giúp tăng khả năng đàm phán và điều chỉnh mức thuế vào ngày 9-4 tới.
Kỳ vọng kết quả đàm phán tích cực
Là một trong những doanh nghiệp (DN) có sản lượng xuất khẩu hàng hóa lớn sang Mỹ, ông Trần Như Tùng - chủ tịch HĐQT Dệt may Thành Công - cho hay cả phía Thành Công lẫn đối tác Mỹ đều đang hồi hộp dõi theo thông tin đàm phán giữa hai chính phủ.
Theo ông Tùng, nếu mức thuế 46% được giữ nguyên, nhiều DN dệt may sẽ rơi vào tình thế cực kỳ khó khăn bởi có những công ty Việt Nam xuất khẩu tới 80% sản lượng sang thị trường này. Do đó ông Tùng kỳ vọng chính quyền ông Trump có thể sẽ điều chỉnh mức thuế phù hợp hơn sau các vòng đàm phán.
Trong khi đó, ông Phạm Quang Anh - CEO Công ty TNHH may mặc Dony - cho rằng đây có thể là cơ hội để Việt Nam bứt phá, mở ra dư địa mới để tái cấu trúc nếu ứng phó linh hoạt và đàm phán hiệu quả.
"Tôi đã xem lại nhiều lần những phát biểu của ông Trump liên quan đến Việt Nam, trong đó Tổng thống Mỹ nhiều lần nhấn mạnh ý muốn đàm phán. Thậm chí ông Trump còn chia sẻ trên mạng xã hội về kỳ vọng trong lần tiếp theo với Tổng Bí thư Việt Nam. Điều này cho thấy dư địa thương lượng vẫn rất lớn", ông Quang Anh nói.
Cũng theo ông Quang Anh, dệt may không phải là ngành chủ lực của Mỹ và cũng không nằm trong danh mục lĩnh vực Mỹ muốn hồi hương sản xuất. Việc áp thuế có thể không nhằm bảo hộ ngành sản xuất trong nước mà chỉ là một phần trong chiến lược cân bằng cán cân thương mại, làm đòn bẩy chính trị trong đàm phán.
Hơn nữa, Việt Nam có lợi thế về địa chính trị, có mối quan hệ hợp tác song phương lâu dài, toàn diện với Mỹ. Điều này mở ra khả năng đàm phán thuận lợi hơn.
"Mỹ tăng thuế đối ứng với nhiều quốc gia cùng lúc cũng đã phá vỡ mặt bằng ưu đãi thương mại trước đó. Nếu Việt Nam có thể tận dụng lợi thế đàm phán để duy trì mức thuế thấp hơn so với các đối thủ cạnh tranh, đây có thể là cơ hội mang tính bước ngoặt", ông Quang Anh bày tỏ.
Ông Phạm Xuân Hồng - chủ tịch Hiệp hội Dệt may thêu đan TP.HCM - cho biết các DN trong ngành dệt may vẫn đang theo dõi sát sao tình hình và hy vọng cuộc đàm phán giữa hai chính phủ sẽ giúp đưa ra mức thuế phù hợp. Theo ông Hồng, may mặc là ngành tiêu dùng thiết yếu, vì vậy hy vọng có thể sẽ được linh hoạt trong chính sách điều chỉnh thuế.
Chủ động ứng phó linh hoạt, "vừa xếp hàng vừa chạy"
Dù cho biết thị trường Mỹ đang chiếm khoảng 20% tổng đơn hàng xuất khẩu của DN nhưng ông Quang Anh cho rằng ngay cả trong kịch bản xấu nhất, DN này vẫn có thể thích nghi nhờ nền tảng vận hành linh hoạt đã được chuẩn bị từ trước.
"Thực tế kể từ sau đại dịch COVID-19, ngành dệt may Việt Nam liên tiếp đối mặt với nhiều cú sốc. Việc vượt qua những thời điểm khó khăn đó đã giúp các DN hình thành năng lực ứng biến tốt hơn. Giờ đây chúng tôi vẫn đang "vừa xếp hàng, vừa chạy" vừa thích nghi với tình hình mới vừa chuyển đổi từng bước để bám trụ thị trường", ông Quang Anh chia sẻ.
Trong nỗ lực nâng cao năng lực nội tại, Dony đã tái cấu trúc bộ máy theo hướng tinh gọn, đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo vào quy trình quản trị và sản xuất. Nhờ đó DN đã tự động hóa nhiều khâu sản xuất, giảm phụ thuộc vào lao động thủ công, nâng cao năng suất mà không cần mở rộng quy mô nhân sự.
Ngoài ra DN này cũng tích cực mở rộng thị trường xuất khẩu sang nhiều khu vực như Trung Đông, Singapore, Nga, Thái Lan và gần đây là châu Phi. Theo ông Quang Anh, làn sóng dịch chuyển đơn hàng khỏi Trung Quốc, Bangladesh đang mở ra dư địa tăng trưởng cho Việt Nam, tạo nguồn đơn hàng dịch chuyển ngay từ đầu năm 2025.
Ông Phạm Văn Việt - phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may thêu đan TP.HCM - cho biết nhiều DN hội viên cũng đã chủ động đầu tư công nghệ, thiết bị hiện đại để tiết giảm chi phí, tăng tính linh hoạt và năng lực cạnh tranh trong sản xuất.
"Mức thuế 46% là hồi chuông cảnh báo. Nếu trước đây chiến lược mở rộng thị trường, đa dạng sản phẩm, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh là mục tiêu dài hạn thì nay đã trở thành yêu cầu cấp bách và sống còn. DN phải hành động nhanh hơn, quyết liệt hơn để thích ứng", ông Việt nhấn mạnh.
Trong khi đó, theo ông Tùng, các DN cần chủ động mở rộng thị trường và tận dụng tối đa các ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do (FTA). Cụ thể, Hiệp định EVFTA sẽ đưa thuế xuất khẩu sang Liên minh châu Âu về 0% từ năm 2025. CPTPP và nhiều thị trường mới chưa được khai thác hiệu quả sẽ là những điểm đến tiềm năng cần được chú trọng trong thời gian tới.
Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng khuyến cáo các DN tập trung nâng cao năng lực sản xuất, đầu tư công nghệ hiện đại, đa dạng hóa sản phẩm, tìm kiếm thị trường mới.
Chủ động nguồn nguyên liệu để nâng cao lợi thế cạnh tranh
Theo thống kê từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Mỹ là thị trường xuất khẩu trọng điểm của ngành dệt may trong nhiều năm qua. Riêng trong hai tháng đầu năm 2025, kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam đạt hơn 7 tỉ USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2024, trong đó thị trường Mỹ chiếm tới 40%.
Tuy nhiên nhiều DN cho rằng bản chất việc siết chặt thương mại từ Mỹ không trực diện nhắm vào Việt Nam. Do vậy nếu DN Việt tuân thủ nghiêm ngặt quy định về xuất xứ, nguồn gốc hàng hóa có thể vượt qua các hàng rào kỹ thuật và duy trì ổn định tại thị trường Mỹ.
"Tôi tin dệt may của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ sẽ không có vấn đề miễn là kiểm soát tốt nguyên vật liệu đầu vào, đặc biệt là tránh tình trạng "rửa" xuất xứ, luồn lách nguồn gốc sản phẩm", ông Tùng nhấn mạnh.
Một DN khác cũng cho rằng nếu phía Mỹ phân biệt rõ giữa hàng hóa "thật sự" sản xuất tại Việt Nam và hàng hóa nhập khẩu đội lốt, đây chính là cơ hội để các DN nâng cao uy tín.
"Việc minh bạch nguồn gốc sản phẩm không chỉ để đáp ứng yêu cầu của thị trường Mỹ mà còn là cơ hội để DN dệt may Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và khẳng định vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu", vị này nói.
Tuy nhiên nhiều DN thừa nhận rào cản lớn nhất hiện nay là ngành dệt may Việt Nam vẫn phụ thuộc quá lớn vào nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc. Do đó nếu không kiểm soát được xuất xứ của những nguyên liệu này, rủi ro bị áp thuế là rất lớn. Theo khuyến cáo của các chuyên gia, DN dệt may cần đầu tư công nghệ nhằm tăng cường khả năng truy xuất nguồn gốc và minh bạch chuỗi cung ứng.
Ngoài ra theo các DN, Chính phủ cần triển khai các chính sách ưu đãi phát triển công nghiệp phụ trợ, nhất là ngành sản xuất nguyên phụ liệu trong nước để DN chủ động hơn về đầu vào và tăng cường khả năng phòng vệ trước biến động thương mại quốc tế.
Doanh nghiệp gỗ lo vì chi phí tăng cao, đơn hàng bị hủy

Công nhân chế biến gỗ xuất khẩu tại Khu công nghiệp Nam Tân Uyên, Bình Dương - Ảnh: T.T.D.
Theo kết quả khảo sát nhanh khoảng 50 DN hội viên (bao gồm cả các DN FDI), trong đó có hơn 50% có doanh thu xuất khẩu chủ yếu từ Mỹ, vừa được Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM công bố, nhiều DN đang đối mặt với khó khăn nghiêm trọng, đặc biệt sau khi Mỹ công bố áp thuế đối ứng.
Ngay sau khi thuế đối ứng được công bố, nhiều DN đã ghi nhận đơn hàng bị hủy, hoãn hoặc trả lại gây gián đoạn giao hàng và tăng chi phí. DN chịu áp lực giảm giá trong khi chi phí nguyên liệu, nhân công không giảm khiến biên lợi nhuận bị thu hẹp. Xuất khẩu đình trệ còn kéo theo hàng tồn kho tăng, chi phí lưu kho và lãi vay đội lên, tạo áp lực lớn lên dòng tiền.
Đã có nhà máy trong ngành gỗ buộc phải cắt giảm lao động hoặc ngừng hoạt động. Về dài hạn, DN lo mất thị phần vào tay đối thủ tại Thái Lan, Malaysia hay Mexico do mức thuế Việt Nam cao hơn. Việc chuyển hướng sang thị trường mới cũng đòi hỏi nhiều thời gian và chi phí, trong khi nguy cơ phá sản tăng cao nếu không được hỗ trợ kịp thời.
Để ứng phó, một số DN đã chủ động tìm kiếm khách hàng mới, đẩy mạnh tiêu thụ trong nước và mở rộng xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng như châu Âu, Nhật Bản, Úc, Trung Đông, Canada.
Nhiều DN cũng tập trung cắt giảm chi phí, cải tiến thiết kế, nâng cao chất lượng sản phẩm và đa dạng hóa thị trường. Tuy nhiên vẫn còn nhiều DN chưa kịp phản ứng do phụ thuộc lớn vào thị trường Mỹ.
Trước tác động từ việc Mỹ áp thuế đối ứng, các DN gỗ bày tỏ mong muốn Chính phủ đẩy mạnh ngoại giao, sớm đàm phán với phía Mỹ để tìm kiếm giải pháp đôi bên cùng có lợi. Các DN kiến nghị thương lượng nhằm giảm thuế đối ứng, đảm bảo mức thuế áp cho Việt Nam đủ cạnh tranh với các đối thủ khác, đồng thời đề xuất kéo dài thời gian áp dụng thuế thêm 45 - 90 ngày...
DN cũng kỳ vọng được hỗ trợ tham gia hội chợ, tìm thị trường thay thế và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đồng thời đề xuất Chính phủ triển khai các gói hỗ trợ tài chính như vay ưu đãi, giảm thuế thu nhập DN và hoàn thuế giá trị gia tăng nhanh chóng với các đơn hàng bị ảnh hưởng; miễn hoặc giảm thuế thu nhập cho các DN xuất khẩu sang thị trường Mỹ...
Đặc biệt, ngành gỗ kiến nghị Chính phủ siết chặt kiểm soát gian lận xuất xứ, tránh việc "sản xuất trá hình" tại Việt Nam chỉ nhằm tận dụng xuất xứ để xuất khẩu sang Mỹ và cần có chính sách bảo vệ các DN tuân thủ đúng quy định, tránh bị liên lụy bởi DN gian lận xuất xứ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận