
Thủ tướng Phạm Minh Chính - Ảnh: T.HẢI
Chiều tối 7-4, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị với các bộ, ngành, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, hiệp hội, doanh nghiệp để chủ động thích ứng với tình hình mới về thương mại quốc tế.
Thời cơ tái cấu trúc nền kinh tế
Theo Thủ tướng, mặc dù tình hình diễn biến khó khăn nhưng chúng ta không hoang mang lo sợ, không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác.
Khi có khó khăn, thách thức cần bình tĩnh vượt qua để luôn chủ động chiến lược, nắm bắt tình hình, phản ứng chính sách chủ động, phù hợp, linh hoạt, hiệu quả.
Đặc biệt, các nội dung quan trọng là "bộ tứ chiến lược" vẫn được triển khai như thực hiện nghị quyết 57 về khoa học công nghệ, thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, sắp xếp các đơn vị hành chính địa phương hai cấp; phát triển kinh tế tư nhân và xem đây là động lực quan trọng nhất cho tăng trưởng; hội nhập quốc tế là động lực quan trọng phát triển đất nước.
Ông lưu ý trong quá trình phát triển thường phát sinh những mâu thuẫn mới thì phải tiếp tục xử lý; luôn đặt sự vật, con người trong sự phát triển; tích cực hóa tiêu cực. Vì đây cũng là thời cơ tái cấu trúc nền kinh tế, xuất nhập khẩu, thị trường, ngành nghề với tinh thần đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng.
Yêu cầu các đại sứ, trưởng đại diện phải "lăn xả"
Đối với các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, Thủ tướng yêu cầu các đại sứ, trưởng đại diện phải nắm chắc tình hình; đề xuất các giải pháp hiệu quả, đặc biệt là kết nối doanh nghiệp, kết nối hai nền kinh tế, kết nối nước ta với khu vực, doanh nghiệp với doanh nghiệp là một nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và trọng yếu với tinh thần "lăn xả".

Thủ tướng chủ trì phiên họp - Ảnh: T.HẢI
Đối với chính sách thuế đối ứng của Mỹ, Thủ tướng yêu cầu phải bình tĩnh. Tinh thần không đối đầu, không gây căng thẳng, không làm phức tạp vấn đề; lựa chọn thông minh, tỉnh táo, linh hoạt, sáng tạo, chọn phương án nào hiệu quả nhất để làm.
Chúng ta đang đi theo hướng đàm phán danh sách các mặt hàng áp dụng thuế bình đẳng, hài hòa, có lợi cho hai bên. Trong đó, cần lưu ý Mỹ là thị trường xuất khẩu quan trọng nhất của Việt Nam nhưng không phải là thị trường duy nhất mà còn nhiều thị trường quan trọng khác.
Vì vậy cần tận dụng các FTA đã ký kết với tinh thần đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng, nâng cao chất lượng hàng hóa, thúc đẩy các thị trường truyền thống, thâm nhập thị trường tiềm năng.
Gắn với đó là thúc đẩy tăng trưởng, các ngành kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, kinh tế xanh…
Thủ tướng đề nghị nghiên cứu thêm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, bao gồm việc nghiên cứu chính sách thuế, phí, lệ phí; giảm lãi suất, hy sinh một phần lợi nhuận, dành một gói ưu đãi ngành gỗ, thủy sản theo hướng nâng gói ưu đãi hiện có.
Nghiên cứu gói hỗ trợ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; nghiên cứu thuế liên quan giảm trừ gia cảnh…; xử lý các vấn đề liên quan xuất xứ hàng hóa ảnh hưởng các cam kết quốc tế; tăng cường bảo vệ bản quyền sở hữu trí tuệ.
Xử lý đồng bộ bằng các giải pháp tổng thể và cụ thể, trước mắt và lâu dài, giải pháp thuế quan và phi thuế quan, giải pháp bằng chính trị, ngoại giao, kinh tế, đầu tư, thương mại, cả giải pháp chính trị, an ninh quốc phòng…
Doanh nghiệp tăng cường xúc tiến thương mại, tránh cạnh tranh không lành mạnh
Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp tăng cường xúc tiến thương mại, đoàn kết và tránh cạnh tranh không lành mạnh, khai thác FTA đã ký kết, mở rộng thị trường sang Trung Đông, Trung Á, châu Phi, Đông Bắc Á…; các bộ ngành liên quan nghiên cứu triển khai mở rộng chính sách visa.
Với yêu cầu đất nước phải ổn định chính trị, ổn định lòng dân, an toàn, an dân, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, Thủ tướng nhấn mạnh cần thực hiện nhiệm vụ phát triển để có tiềm lực bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, phát triển nhanh và bền vững.
Do đó, Thủ tướng mong các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài phát huy tinh thần dân tộc, "không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm" với doanh nghiệp; đã làm, đã cam kết thì phải thực hiện, đã làm, đã thực hiện phải có kết quả, góp phần tạo khí thế cho tăng trưởng hai con số những năm tới.
Kiểm soát việc xuất xứ hàng hóa, vấn đề bản quyền, sở hữu trí tuệ
Ngay sau khi kết thúc cuộc họp trên, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành để tiếp tục đánh giá, cập nhật tình hình, diễn biến mới, thảo luận về các giải pháp trước mắt và lâu dài sau khi phía Mỹ.
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan liên quan hoàn thiện hồ sơ đầy đủ phục vụ đoàn đàm phán bên Mỹ; thực hiện các biện pháp ngoại giao để đề nghị phía Mỹ trước hết hoãn việc thực hiện áp thuế đối ứng với Việt Nam ít nhất 45 ngày để có cơ sở đàm phán, chuẩn bị và chuyển tiếp trạng thái.
Tiếp cận, đàm phán với Mỹ để cân bằng thương mại bền vững, có lợi cho cả hai bên với tinh thần lợi ích hài hoà, rủi ro chia sẻ, có lợi cho người tiêu dùng hai nước, không làm ảnh hưởng các cam kết quốc tế, những hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết; phấn đấu có thoả thuận song phương.
Về thuế, thực hiện đàm phán theo định hướng của cuộc điện đàm giữa Tổng Bí thư Tô Lâm với Tổng thống Donald Trump tối 4-4 vừa qua.
Về các giải pháp thương mại, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục tăng cường nhập khẩu thêm các mặt hàng mà Mỹ có thế mạnh, Việt Nam có nhu cầu, kể cả các mặt hàng liên quan an ninh quốc phòng; thúc đẩy việc giao hàng sớm máy bay cho Vietnam Airlines.
Tiếp tục giải quyết vấn đề liên quan yêu cầu của phía các doanh nghiệp Mỹ; rà soát lại và tiếp tục giải quyết dứt điểm, hiệu quả mà các nội dung phía bạn quan tâm. Xử lý tốt các vấn đề liên quan chính sách tiền tệ theo luật pháp Việt Nam và thông lệ quốc tế để ổn định lãi suất, tỷ giá cân bằng, phù hợp nền kinh tế Việt Nam.
Đối với những vấn đề có tính chất phi thuế quan, yêu cầu Văn phòng Chính phủ rà soát lại các vấn đề mà phía Mỹ quan tâm, giao các bộ, ngành nghiên cứu, có trả lời thoả đáng và sát tình hình thực tế. Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương rà soát, kiểm soát việc xuất xứ hàng hóa theo quy định pháp luật của Việt Nam, không để sự việc đáng tiếc có thể xảy ra.
Liên quan vấn đề bản quyền, sở hữu trí tuệ, Thủ tướng yêu cầu Bộ Khoa học và Công nghệ rà soát lại, thực hiện nghiêm các quy định của Việt Nam, tổ chức thực hiện hiệu quả để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng liên quan những tổ chức, cá nhân có sáng kiến, sáng chế, sở hữu trí tuệ; chống hàng giả, hàng nhái, hàng đội lốt xâm nhập Việt Nam.
Về nhóm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, Thủ tướng đề nghị xây dựng gói tín dụng hỗ trợ các doanh nghiệp liên quan thuỷ sản, dệt may, da giày, điện tử, đồ gỗ…; tiếp tục mở rộng các gói tín dụng về thủy sản và nghiên cứu gói tín dụng cho các mặt hàng khác.
Tiếp tục giảm lãi suất cho các mặt hàng có thể chịu tác động bởi chính sách thuế của Mỹ; hoãn, giãn thuế và tiền thuê đất cho các doanh nghiệp trong lúc khó khăn; rà soát, tiếp tục nghiên cứu đề xuất các cấp thẩm quyền để hoàn thuế giá trị gia tăng, giảm thủ tục hành chính, giảm phiền hà cho người dân, doanh nghiệp; đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng.
Tiếp tục các biện pháp ngoại giao bằng các kênh khác nhau để tác động các cơ quan liên quan của Hoa Kỳ có các giải pháp phù hợp điều kiện, hoàn cảnh của Việt Nam, phù hợp quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện hai nước.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận