Đổ xăng 30.000 đồng, xin WiFi chuyển khoản nhưng tiền... không tới
Câu chuyện chuyển khoản mua xăng được chị Ngọc Anh (ngụ Hà Nội) chứng kiến. Chị quá bức xúc nên đã "đăng đàn" với tựa "Vẫn là câu chuyện chuyển khoản, liệu có lạm dụng quá không?".
Chị cho hay chuyện xảy ra tại một cây xăng ở quận Cầu Giấy (Hà Nội), vào giờ cao điểm buổi sáng. Cả đoàn xe đang xếp hàng đổ xăng êm trôi "vì mọi người dùng tiền mặt".
Chuyện xảy ra khi có hai bạn nữ vào đổ xăng, người 50.000 đồng, người 30.000 đồng và đều muốn thanh toán bằng ví điện tử. Ngặt nỗi một người trong đó mãi loay hoay xin mật khẩu WiFi vì điện thoại không có 3G.
Có WiFi, mỗi bạn chuyển bằng một ví điện tử khác nhau cho tài khoản cây xăng nhưng đều không nhận được tiền. Nhân viên cây xăng đã mời cả hai ra ngoài xử lý, để mọi người được đổ xăng (vì cả hai vẫn đang dừng xe tại trụ bơm xăng, gây cản trở - PV), nhưng được nhận lại là đang vội không chờ được.
"Một bạn nói có bill (hóa đơn giao dịch) thành công, nói tài khoản cây xăng lỗi, trong khi đó người sau chuyển từ ngân hàng khác sang thì rất nhanh. Sự việc rất nhỏ thành to khiến một hàng dài xếp hàng gây ức chế", chị Ngọc Anh viết.
Dẫn giải thêm, chị Ngọc Anh cho biết trong lúc lời qua tiếng lại, một bạn trong đó đã phóng xe bỏ đi không giải thích gì thêm.
Công nghệ hay ý thức?
Từ bài đăng, tài khoản Đới Xuân Tùng cho rằng thời đại này ra đường, đã cầm điện thoại thông minh và muốn thanh toán online thì tự mình phải có data 4G.
"Giờ nhiều bạn đi mua cái bánh mì, chai nước lọc 5.000, 10.000 đồng cũng hỏi WiFi là gì để chuyển khoản", tài khoản Sơn Trần chia sẻ.
Anh Minh Vũ cho rằng đây không phải là câu chuyện công nghệ, mà là ý thức. Muốn chuyển thanh, quét thẻ hay cà ví điện tử, điện thoại phải còn pin và có data.
Tài khoản Hoàn Max cho rằng thanh toán online nếu thao tác nhanh có khi còn hơn rút tiền mặt, đợi trả tiền thối.
Cùng ý kiến, nhiều người cho rằng sự tiện lợi của thanh toán online là thật. Tuy nhiên, cũng đừng lạm dụng, nhất là với các giao dịch giá trị thấp. Chí ít, nếu muốn không dùng tiền mặt thì cũng phải chuẩn bị sẵn một điện thoại có pin và data, đừng phiền hà hay ảnh hưởng tới ai.
Theo bạn đọc, câu chuyện này nên được giải quyết như thế nào mới không gây phiền? Khách hàng có lỗi không? Cây xăng và ngân hàng có trách nhiệm gì không? Làm sao để không trở thành điểm tắc nghẽn gây phiền cho các khách hàng khác? Mời bạn chia sẻ quan điểm về hòm thư hongtuoi@tuoitre.com.vn. Tuổi Trẻ Online cảm ơn bạn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận