Việc không đề bạt Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mã Triều Húc thay thế vị trí ông Tần Cương mà đưa ông Vương kiêm nhiệm cho thấy Chủ tịch Tập Cận Bình đang muốn chấm dứt tính không thể đoán định trước cũng như sự "mờ ảo" của hệ thống chính trị Trung Quốc trong suốt một tháng qua.
Tính cách khác nhau
Việc bổ nhiệm trên cũng sẽ giúp Bộ Ngoại giao Trung Quốc nối lại các hoạt động bình thường sau khoảng bốn tuần ông Tần Cương vắng mặt trên chính trường mà không rõ lý do.
Giữa ông Vương Nghị và ông Tần Cương có thể thấy một số khác nhau về mặt tính cách cá nhân ngoài điểm chung là tuân thủ chương trình nghị sự rất chặt chẽ về chính sách đối ngoại của Trung Quốc.
Ông Tần Cương được coi là người thường xuyên lên tiếng ủng hộ nhiệt thành cho chính sách đối ngoại mạnh mẽ của Trung Quốc trên Twitter - mạng xã hội của phương Tây.
Trong thời gian làm người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Tần nổi bật vì là một trong những nhà ngoại giao Trung Quốc tiên phong đưa ra những bình luận mạnh mẽ, sắc bén để bảo vệ chính sách đối ngoại ngày càng quyết đoán của Trung Quốc - chính sách mà sau này báo chí phương Tây gọi là chính sách ngoại giao "chiến lang".
Còn người tiền nhiệm của ông Tần cũng như cấp trên trực tiếp của ông Tần là ông Vương Nghị nổi tiếng là một nhà ngoại giao kinh nghiệm, mưu mẹo, cứng rắn và lão luyện.
Việc ông Vương Nghị được thăng chức chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (CFAC) vào cuối năm ngoái có lẽ là đỉnh cao của sự nghiệp ngoại giao ở Trung Quốc.
CFAC được thành lập vào năm 2018 bởi Chủ tịch Tập Cận Bình, để thay thế Tiểu tổ lãnh đạo trung ương về ngoại giao trước đó. Do đó về mặt tổ chức, CFAC là một tổ chức của Đảng Cộng sản Trung Quốc, và bộ trưởng ngoại giao phải chịu trách nhiệm trước chủ nhiệm CFAC - người chịu sự chỉ đạo từ Tổng bí thư Tập Cận Bình.
Việc thay ông Tần Cương cũng giúp ông Vương Nghị trở thành một trong những bộ trưởng ngoại giao quyền lực nhất của Trung Quốc và là thành viên Bộ Chính trị đầu tiên giữ chức bộ trưởng ngoại giao kể từ thời ông Tiền Kỳ Tham.
Duy trì ổn định
Dù cho lý do thật sự đằng sau việc ông Tần Cương bị "miễn nhiệm" có là gì đi nữa thì có một điều có thể chắc chắn rằng khó có thể có sự thay đổi trong chính sách đối ngoại Trung Quốc thời gian tới.
Những nhà ngoại giao Trung Quốc thường được coi là sử dụng cùng một ngôn ngữ ngoại giao trong tương tác với các quốc gia khác, cũng như thống nhất trong việc đưa ra thông điệp ngoại giao đến với cộng đồng quốc tế. Các nhà ngoại giao Trung Quốc chủ yếu tuân thủ đường lối đối ngoại theo tư tưởng Tập Cận Bình. Nói một cách khác, họ sẽ là người thực hiện hơn là người đề ra chính sách đối ngoại của Trung Quốc.
Việc ông Vương Nghị cùng lúc giữ hai vị trí cao nhất trong đội ngũ lãnh đạo ngoại giao của Trung Quốc không cho thấy sự thay đổi trong chính sách đối ngoại lập tức nào, bao gồm cả mối quan hệ đối với Nga cũng như lập trường về cuộc xung đột ở Ukraine.
Nó cũng khó mang lại bất kỳ sự cải thiện lớn nào trong mối quan hệ căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ, vốn đã chạm mức thấp nhất trong nhiều thập niên qua ở nhiều vấn đề khác nhau từ Đài Loan, xung đột Ukraine, cấm vận Nga, cuộc chiến công nghệ, cho đến thương mại.
Tuy nhiên, cơ hội cho Mỹ và Trung Quốc cải thiện quan hệ vẫn còn rộng mở nếu ông Tập thực hiện chuyến thăm cấp nhà nước tới Mỹ vào tháng 11 năm nay khi ông dự kiến tham dự hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại San Francisco.
Việc chấm dứt đồn đoán về "số phận" ông Tần Cương bằng việc đưa ông Vương Nghị, người có nhiều kinh nghiệm trong quan hệ với Mỹ, quay trở lại giúp Bộ Ngoại giao Trung Quốc có người đứng đầu trong khi cuộc gặp thượng đỉnh chỉ còn vài tháng nữa.
Điều này cũng thể hiện chính quyền Bắc Kinh đặt nhiều hy vọng vào cuộc gặp thượng đỉnh song phương sắp tới và muốn có những chuẩn bị tốt nhất trước khả năng "phá băng". Do đó, ông Vương Nghị được coi là người tốt nhất cho vị trí chủ nhiệm CFAC cũng như ngoại trưởng trong thời gian trước mắt.
Những ứng viên tương lai
Trong tương lai, các nhà ngoại giao tiềm năng khác hiện nay đang là ủy viên Trung ương Đảng như Trưởng Ban Liên lạc đối ngoại Trung ương ĐCS Trung Quốc Lưu Kiến Siêu, hay Phó chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban An ninh quốc gia Trung ương Lưu Hải Tinh cũng được coi là những nhân vật có thể đảm nhiệm chức vụ bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận