Khó khăn về nguồn cát san lấp đang làm ảnh hưởng rất lớn đến nhiều dự án trọng điểm ở phía Nam.
Điển hình như dự án đường vành đai 3 TP.HCM dài 76km, dự kiến thông xe vào năm 2025.
Nhiều dự án cao tốc đang chờ... cát
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một nhà thầu đang thi công dự án vành đai 3 TP.HCM đoạn qua địa bàn TP (dài 47km gồm 10 gói thầu xây lắp chính) cho hay tiến độ thi công đang phụ thuộc rất lớn vào nguồn cát san lấp.
"Dù nhà thầu chấp nhận chịu lỗ 50.000 - 70.000 đồng/m³ nhưng vẫn không có nguồn cung cấp. Để giải quyết triệt để vấn đề này, các bộ ngành, địa phương cần đẩy nhanh các thủ tục gia hạn, cấp phép khai thác để kịp thời cung cấp cát cho dự án", lãnh đạo một nhà thầu nói.
Để đảm bảo nguồn vật liệu cho vành đai 3 TP.HCM, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM đã làm việc với Sở TN&MT các tỉnh Vĩnh Long, Bến Tre và Tiền Giang nhằm thống nhất danh sách, khảo sát, lấy mẫu thí nghiệm, đánh giá chất lượng các mỏ. Kết quả khảo sát 44 mỏ cho thấy có 28 mỏ đạt chất lượng với tổng trữ lượng khoảng 37 triệu m³.
Ngày 11-5, tại buổi làm việc ở tỉnh Vĩnh Long, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã đề nghị các tỉnh Vĩnh Long, Tiền Giang và Bến Tre đẩy nhanh tiến độ các thủ tục gia hạn, cấp phép khai thác khoáng sản và chủ trương cung cấp cho dự án (hoàn thành trước 15-6).
Theo Sở Giao thông vận tải TP.HCM, tuy các địa phương có chủ trương hỗ trợ cung cấp cát cho dự án nhưng vướng mắc lớn nhất là phải đẩy mạnh các thủ tục liên quan.
Theo kế hoạch của các tỉnh, sớm nhất đến tháng 6-2024 mới hoàn thành xong các thủ tục, khi đó các nhà thầu mới có thể tiếp cận mua thương mại để cung cấp cát về cho dự án. Việc khảo sát nguồn cát Campuchia vẫn cần thêm thời gian.
Tương tự, tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành cũng đang gặp khó khăn về nguồn cát đắp nền.
Khâu thủ tục cần nhanh hơn
Một số dự án cao tốc kết nối với TP.HCM cũng đang triển khai thủ tục đầu tư, nhưng khâu chuẩn bị kéo dài.
Chẳng hạn, TP.HCM và Tây Ninh đã ký kết kế hoạch phối hợp triển khai đầu tư tuyến cao tốc TP.HCM - Mộc Bài cách đây gần 5 năm, dự kiến trình Bộ KH&ĐT hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi vào tháng 9-2021. Tuy nhiên, dự án bị trễ tiến độ đề ra.
Phương án mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đoạn từ nút giao vành đai 2 TP.HCM đến nút giao cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu cũng được nghiên cứu triển khai.
Tại thông báo kết luận về phương án đầu tư mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây ngày 5-5, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá việc mở rộng đoạn TP.HCM - Long Thành là vấn đề cấp thiết để đồng bộ các công trình hạ tầng giao thông trong khu vực theo quy hoạch như hệ thống đường kết nối vùng, đường cao tốc Bắc - Nam, cảng hàng không quốc tế Long Thành, cảng biển...
Tuy nhiên, việc triển khai thời gian qua còn chậm, chưa có kết quả cụ thể. Vì vậy, Phó thủ tướng đề nghị Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và các cơ quan cần nghiêm túc triển khai các nhiệm vụ theo chỉ đạo của Thủ tướng, sớm lựa chọn phương án đầu tư phù hợp nhất để triển khai các bước tiếp theo...
Theo một chuyên gia giao thông, nếu không đẩy nhanh thủ tục đầu tư mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, đường về sân bay Long Thành (dự kiến được đưa vào khai thác năm 2026) có nguy cơ tắc nghẽn rất cao.
* Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đoạn qua tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu:
Sẽ thông xe kỹ thuật trước 5 tháng
Ngày 20-5, Ban quản lý dự án giao thông khu vực cảng Cái Mép - Thị Vải (thuộc UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, gọi tắt là Ban quản lý dự án) cho biết tiến độ thi công dự án thành phần 3 cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (đoạn qua tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với chiều dài 19,5km, 11 cầu và một hầm chui dân sinh) đang đúng tiến độ.
Ông Nguyễn Công Danh, phó giám đốc Ban quản lý dự án, cho biết đến nay dự án thành phần 3 cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đã giải ngân được hơn 460 tỉ đồng, đạt tỉ lệ gần 30% nhưng khối lượng công việc đã đạt hơn 40%.
Tại cuộc làm việc với UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu mới đây, Tập đoàn Sơn Hải (công ty đứng đầu trong liên danh, thi công 14,2km đường) cam kết sẽ thông xe kỹ thuật vào ngày 30-4-2025, về đích trước 5 tháng so với kế hoạch.
"Chúng tôi kiểm soát tiến độ một cách chi tiết, hằng tuần để kịp thời bù tiến độ nếu bị chậm. Đến hết tháng 6-2024, nếu nhà thầu nào trong liên doanh chậm tiến độ sẽ điều chuyển khối lượng sang nhà thầu khác trong liên danh", ông Danh cho biết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận