Nhân viên sân bay quốc tế Phố Đông (Trung Quốc) làm nhiệm vụ khử khuẩn tại khu vực dành cho người mới nhập cảnh ngày 13-8 - Ảnh: AFP
Sáng 14-8, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc cho biết có 66 ca nhiễm COVID-19 mới được ghi nhận tại Trung Quốc đại lục trong 24 giờ qua. Trong số này có 36 ca nhập cảnh cách ly ngay và 30 ca lây nhiễm trong cộng đồng.
Đây là số ca nhiễm cộng đồng thấp nhất tính từ ngày 30-7 và là ngày thứ tư liên tiếp số ca cộng đồng giảm. Theo Hãng tin Reuters, Trung Quốc cũng ghi nhận 19 ca dương tính SARS-CoV-2 nhưng không triệu chứng, giảm 15 ca so với ngày trước đó.
Các trường hợp dương tính không triệu chứng không được tính vào tổng số ca bệnh nhưng vẫn được chính quyền Trung Quốc thống kê, theo Reuters.
Tình hình dịch bệnh tại Úc vẫn phức tạp, với bang đông dân nhất nước này là New South Wales (NSW) ghi nhận kỷ lục 466 ca nhiễm mới tính từ tối 13 đến sáng 14-8.
Bà Gladys Berejiklian, thủ hiến bang NSW, đã quyết định siết chặt các biện pháp chống dịch và tăng mức phạt đối với các hành vi vi phạm. NSW cũng triển khai thêm cảnh sát chống bạo động để thiết lập các chốt và kiểm tra ngẫu nhiên.
Chỉ số lây nhiễm (R) tại xứ England của Vương quốc Anh đang thu hẹp, báo hiệu dịch bệnh tại khu vực này đang có dấu hiệu chậm lại, theo số liệu được báo The Guardian công bố ngày 13-8. Chỉ số R hiện ở mức từ 0,8 đến 1,0 so với mức từ 0,8 đến 1,1 của tuần trước đó.
Báo The Guardian giải thích nếu chỉ số R > 1, dịch sẽ bùng phát theo cấp số nhân, nhưng nếu R < 1, đó là dấu hiệu cho thấy mức độ lây nhiễm và dịch bệnh đang thu hẹp.
Chỉ số R được công bố ngày 13-8 nghĩa là cứ 10 người mắc COVID-19 thì có từ 8 đến 10 người khác bị lây nhiễm từ nhóm này. Cơ quan y tế xứ England đang kỳ vọng chỉ số R sẽ giảm xuống dưới 1,0 trong thời gian ngắn sắp tới.
Một người dân Israel được tiêm tăng cường mũi 3 vắc xin COVID-19 tại Jerusalem ngày 13-8 - Ảnh: REUTERS
Tại Đông Nam Á ngày 13-8, giới chức y tế Malaysia xác nhận nước này sẽ bắt đầu tiêm vắc xin COVID-19 cho thanh thiếu niên từ 12 đến 17 tuổi vào giữa tháng 9 tới, trong đó ưu tiên tiêm cho những em có vấn đề về sức khỏe.
Tốc độ tiêm chủng tại Malaysia đang tăng nhanh. Hôm 12-8, Chính phủ Malaysia đã ủy quyền tìm mua thêm 5 triệu liều vắc xin COVID-19 do Sinovac của Trung Quốc sản xuất để duy trì tốc độ tiêm chủng như hiện tại.
Hồi tháng 7, cũng chính giới chức y tế Malaysia tuyên bố sẽ không mua thêm vắc xin Sinovac từ Trung Quốc sau khi sử dụng hết số lượng đã tiếp nhận. Hợp đồng mới sẽ nâng số vắc xin Malaysia mua từ Trung Quốc lên hơn 20 triệu liều.
Cũng liên quan đến vắc xin, ngày 13-8 tại Canada, Chính phủ Canada thông báo sẽ yêu cầu các nhân viên liên bang, lao động trong các ngành do liên bang quản lý và một số nhóm đối tượng khác phải tiêm chủng bắt buộc vắc xin.
Động thái này ghi dấu sự thay đổi quan điểm của chính quyền Ottawa và dự kiến sẽ tác động đến khoảng 1,5 triệu người.
Theo Bộ trưởng Giao thông vận tải Omar Alghabra, Chính phủ Canada sẽ yêu cầu người lao động trong các ngành do liên bang quản lý phải tiêm phòng muộn nhất là vào cuối tháng 10-2021.
Hành khách các hãng hàng không thương mại, xe lửa liên tỉnh và du thuyền cũng sẽ phải tiêm phòng trước thời hạn này. Tuy nhiên, sẽ có ngoại lệ cho những người không thể tiêm vắc xin vì lý do y tế.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận