Đồ họa: NGỌC THÀNH
Indonesia tập trung bệnh nhân COVID-19, không cho cách ly tại nhà
Thống đốc Jakarta, ông Anies Baswedan tuyên bố việc tự cách ly sẽ không còn là lựa chọn cho các bệnh nhân COVID-19, bất kể họ có triệu chứng nhiễm bệnh hay không. Theo một quy định mới sắp sửa được ban hành, tất cả những người được xác nhận dương tính với SARS-CoV-2 ở Jakarta sẽ phải tập trung tại các trung tâm y tế được chính quyền chỉ định.
Theo ông Anies, các bệnh nhân có triệu chứng nặng và trung bình sẽ được yêu cầu đến bệnh viện kiểm tra, trong khi các bệnh nhân có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng sẽ được cách ly tại Làng vận động viên Kemayoran.
Theo Jakarta Post, quy định mới xuất phát từ tình trạng người bệnh cách ly tại nhà thường xuyên thiếu kỷ luật, không tuân theo các hướng dẫn y tế. Một số người lo ngại tình trạng cách ly tập trung người bệnh có thể khiến số ca bệnh nặng tăng lên.
Một nhóm nhân viên Chính phủ Indonesia mang quan tài giả diễu phố để tăng nhận thức của người dân Jakarta về mức độ nguy hiểm của COVID-19 - Ảnh: REUTERS
Mỹ bác bỏ cho nhiễm tràn lan để tạo miễn dịch cộng đồng
Tiến sĩ Deborah Birx, chuyên gia thuộc nhóm chuyên trách chống dịch của Nhà Trắng, ngày 2-9 phủ nhận chuyện chính quyền Donald Trump đang theo đuổi miễn dịch cộng đồng bằng cách để dịch bệnh lây lan diện rộng.
"Tôi sẽ không ở đây nếu Nhà Trắng tin rằng miễn dịch cộng đồng là một lựa chọn cho Mỹ", bà Birx nhấn mạnh. Mỹ hiện là vùng dịch lớn nhất thế giới với hơn 6,2 triệu ca nhiễm SARS-CoV-2, trong đó có hơn 180 ngàn ca tử vong tính tới sáng 3-9, theo trang worldometers.info.
Bác sĩ Anthony Fauci, một chuyên gia hàng đầu khác của Mỹ về bệnh truyền nhiễm, trước đó cũng khẳng định Nhà Trắng không áp dụng chiến lược miễn dịch cộng đồng như Thụy Điển. Ông Fauci, người có vài mâu thuẫn với chính quyền Trump, khẳng định chính phủ vẫn đang nỗ lực truy vết và cách ly người bệnh, nguồn bệnh.
Theo Reuters, Thụy Điển đã cố gắng để dịch bệnh lây lan nhằm tạo miễn dịch cộng đồng nhưng thất bại.
Hơn 70 nước tham gia sáng kiến vắc xin của WHO
Ông Seth Berkley, giám đốc điều hành của Liên minh vắc xin GAVI, ngày 2-9 thông báo Sáng kiến phân phối vắc xin công bằng (COVAX) hiện đã có Nhật Bản, Đức, Na Uy và hơn 70 quốc gia khác tham gia.
Các nước này đã đồng ý về nguyên tắc rằng sẽ mua vắc xin do COVAX phân phối. "76 nước giàu và thu nhập trung bình đã gởi đơn cho chúng tôi xác nhận sẽ tham gia. Chúng tôi đang hi vọng sẽ có thêm nhiều nước khác", ông Berkley hồ hởi cho biết thêm.
COVAX là sáng kiến do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đề xuất. Mỹ, quốc gia có số người nhiễm nhiều nhất thế giới, vẫn quyết định đứng ngoài sáng kiến này và tự tìm lối đi riêng.
Theo đài CNN, Nhà Trắng tiếp tục bảo vệ quyết định không tham gia, nhấn mạnh lý do COVAX là ý tưởng của WHO và có liên quan tới Trung Quốc.
Đồ họa: NGỌC THÀNH
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận