Đồ họa: NGỌC THÀNH
Theo số liệu thống kê của hãng tin AFP tổng hợp các nguồn chính thức, tính đến ngày 8-5 tổng số ca tử vong do dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại châu Á đã vượt 10.000 người, trong đó Trung Quốc - nước khởi phát dịch - chiếm gần một nửa với 4.633 ca, Ấn Độ 1.783 ca, Indonesia 930 ca.
Theo đó, với 10.001 ca tử vong trong tổng số 269.025 ca mắc COVID-19, châu Á có số ca mắc và tử vong thấp hơn nhiều so với châu Âu, khu vực đã ghi nhận tổng cộng hơn 151.000 ca tử vong, cũng như Mỹ cùng Canada ghi nhận khoảng 80.000 ca.
Ông Trump: Nhân viên Nhà Trắng bắt đầu đeo khẩu trang
Ngày 8-5, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết một số nhân viên Nhà Trắng đã bắt đầu đeo khẩu trang. Thông tin được đưa ra một ngày sau khi trợ lý thân cận của ông Trump dương tính với virus corona chủng mới.
"Họ đã bắt đầu đeo rồi", ông Trump cho biết khi được hỏi liệu những người phục vụ thức ăn cho ông giờ đây phải đeo khẩu trang hay không. Tuần này, ông Trump đã gây nhiều tranh cãi sau khi xuất hiện trước ống kính truyền thông tại một nhà máy mà không đeo khẩu trang.
Việt Nam 0 ca mới, thêm 8 ca ra viện
Theo Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19, trong 12 giờ qua Việt Nam không có ca nhiễm mới. Tổng số ca nhiễm cả nước vẫn là 288. Tính đến 18h ngày 8-5, tròn 22 ngày Việt Nam không có ca lây nhiễm trong cộng đồng.
Trong ngày, có thêm 8 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh và ra viện, trong đó có 2 ca tái dương tính. Tổng số ca khỏi bệnh hiện là 241, chiếm 84% tổng số bệnh nhân.
Nga tiếp tục ghi nhận hơn 10.000 ca nhiễm trong 24 giờ
Ngày 8-5 là ngày thứ 6 liên tiếp Nga ghi nhận nhiều hơn 10.000 ca nhiễm virus corona trong một ngày.
Trong 24 giờ qua, số ca nhiễm ở Nga tăng 10.699 ca, tổng số tăng lên tới 187.859 ca. Nhưng mức tăng ngày 8-5 có giảm một chút so với mức tăng kỷ lục một ngày 11.231 ca.
Số ca tử vong cũng tăng thêm 98, nâng lên tổng số 1.723 ca.
Đồ họa: NGỌC THÀNH
Thái Lan vượt 3.000 ca nhiễm
Ngày 8-5, Thái Lan ghi nhận 8 ca nhiễm mới virus corona và không thêm ca tử vong nào. Tổng số ca nhiễm đã đạt ngưỡng 3.000 ca và số ca tử vong là 55.
Trong số 8 ca mới, có 3 ca đến từ tỉnh Yala ở phía nam. Các ca còn lại là người nhập cư, hiện đang được giữ tại trung tâm người nhập cư tại tỉnh Songkhla.
Số lượng ca nhiễm mới khá ít nên Thái Lan đang thận trọng cho phép một số doanh nghiệp mở cửa trở lại sau nhiều tuần phong tỏa.
Thêm 116 người Philippines khỏi bệnh
Philippines vừa ghi nhận 116 bệnh nhân hồi phục, nâng tổng số người đánh bại COVID-19 lên 1.734.
Ngoài ra, Bộ Y tế nước này cũng ghi nhận thêm 120 ca nhiễm mới và 11 ca tử vong. Cả nước hiện đó 10.463 ca nhiễm và 696 ca tử vong.
Malaysia không có ca tử vong mới
Hôm nay là ngày thứ hai liên tiếp Malaysia không ghi nhận ca tử vong mới. Tổng số ca tử vong vẫn dừng ở 107. Số ca nhiễm mới tăng thêm 68 ca, nâng tổng số ca lên 6.535, theo Bộ Y tế Malaysia.
Đồ họa: NGỌC THÀNH
Trung Quốc thông báo dần mở lại rạp chiếu phim, địa điểm giải trí
Ngày 8-5, chính phủ Trung Quốc cho biết nước này sẽ dần mở lại các rạp chiếu phim, viện bảo tàng và các địa điểm giải trí khác trong bối cảnh Trung Quốc đã qua đỉnh dịch COVID-19.
Tuy nhiên, việc mở cửa lại các địa điểm này sẽ chịu một số hạn chế, chẳng hạn giới hạn về số người có mặt.
Hãng bay Đức tăng thêm 80 máy bay đáp ứng nhu cầu du lịch
Ngày 8-5, Lufthansa, hãng hàng không lớn nhất nước Đức, cho biết họ sẽ bắt đầu cho thêm 80 máy bay vận hành trở lại vào tháng 6, gồm các máy bay phục vụ những điểm đến du lịch, sau khi hãng bay này cho "nằm đất" phần lớn các máy bay do COVID-19.
Lufthansa cho biết họ đang phản hồi với yêu cầu đang tăng lên của khách hàng theo sau việc nới lỏng hạn chế ở Đức và một số nước khác.
"Chúng tôi cảm nhận được ao ước và mong đợi to lớn của mọi người về việc đi du lịch trở lại. Các khách sạn và nhà hàng đang dần mở lại, còn các chuyến thăm gia đình và bạn bè đang được cho phép trở lại trong một số trường hợp", thành viên Ban lãnh đạo Lufthansa, ông Harry Hohmeister nói.
Liên Hiệp Quốc cảnh báo làn sóng thù hận và bài ngoại gia tăng
Ngày 8-5, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres đã kêu gọi nỗ lực toàn diện để chặn đứng "cơn sóng thần thù hận và bài ngoại" do đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 gây ra.
Trong một tuyên bố, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc cho rằng đại dịch COVID-19 vẫn đang tiếp tục đẩy cao làn sóng thù hận, bài ngoại, đổ lỗi lẫn vấn nạn tin giả. Các xu hướng bài ngoại thời gian qua gia tăng trên các mạng trực tuyến và ở nhiều nơi trên thế giới. Các thuyết âm mưu lan truyền rộng rãi và các cuộc tấn công bài Hồi giáo liên quan tới COVID-19 cũng đã xảy ra.
Theo ông Guterres, người nhập cư và người di cư bị kỳ thị như nguồn lây virus và vì thế không thể tiếp cận dịch vụ điều trị y tế. Người đứng đầu Liên Hiệp Quốc cũng lên án những hình minh họa "hạ đẳng" xuất hiện tràn lan, với những nội dung rằng những người lớn tuổi hơn, nhóm dễ chịu tác động của dịch bệnh, là nhóm "nên hi sinh" để nhường cơ hội cho nhóm khác.
Bên cạnh đó, các nhà báo, những người tố giác, các chuyên gia y tế, nhân viên cấp cứu và những nhà hoạt động nhân quyền cũng trở thành đối tượng tấn công chỉ vì thực hiện nhiệm vụ.
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc kêu gọi nỗ lực toàn diện để chặn đứng những phát ngôn thù địch trên toàn cầu và lựa chọn các viện giáo dục hỗ trợ tuyên truyền về kỹ năng trong thế giới kỹ thuật số cho giới trẻ. Ông cũng kêu gọi truyền thông, đặc biệt là các công ty truyền thông xã hội, nỗ lực hơn để nhận diện, đánh dấu và gỡ bỏ những nội dung mang tính phân biệt, thù địch và độc hại.
Đồ họa: NGỌC THÀNH
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận