Số liệu thế giới theo báo South China Morning Post - Đồ họa: NGỌC THÀNH
Tỉnh Hồ Bắc, trung tâm dịch bệnh, có thêm 69 người chết trong ngày 6-2. Số ca nhiễm mới trong ngày tại tỉnh Hồ Bắc là 2.447, giảm so với 2.987 ca của ngày 5-2.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 6-2 cho biết vẫn còn quá sớm để nhận định dịch bệnh tại Trung Quốc đã đạt đến đỉnh điểm sau khi số ca nhiễm mới tiếp tục giảm trong ngày 5-2.
Người nhiễm virus corona lớn tuổi nhất ở Trung Quốc khỏi bệnh
Ngày 7-2, một cụ bà 95 tuổi, bệnh nhân lớn tuổi nhất nhiễm virus corona chủng mới ở Trung Quốc, đã hoàn toàn bình phục sau nhiều ngày chữa trị tại Trung tâm y tế công cộng Nam Kinh ở thành phố Nam Kinh, tỉnh Giang Tô.
Cụ bà nhiễm bệnh khi ăn tối cùng 9 người thân tại nhà hôm 23-1. Dù đã bình phục, bà vẫn ở lại trung tâm trên do không có người chăm sóc. Các thành viên trong gia đình bà đều đang trong quá trình điều trị.
Hong Kong sẽ bỏ tù người không chịu hợp tác cách ly
Ngày 7-2, chính quyền đặc khu hành chính Hong Kong cho hay sẽ triển khai một đội quân tình nguyện để thực hiện kế hoạch mạnh tay cách ly tất cả những ai đến từ Trung Quốc đại lục. Chính quyền cảnh báo bất kỳ ai vi phạm quy định mới có thể bị phạt tù lên tới 6 tháng và bị phạt 25.000 đô la Hong Kong (3.200 USD).
Theo kế hoạch trên, bất kỳ ai đến từ Trung Quốc đại lục kể từ ngày 8-2 sẽ phải trải qua quá trình cách ly bắt buộc kéo dài 14 ngày. Những người nào có mặt tại Trung Quốc đại lục trong 14 ngày qua, sau đó bay đến một địa điểm khác và tiếp tục bay tới Hong Kong cũng sẽ bị cách ly. Trong khi đó, người Hong Kong đi từ Trung Quốc đại lục về lại Hong Kong sẽ được phép tự cách ly tại nhà.
Các quan chức Hong Kong hi vọng biện pháp mới sẽ dừng gần như mọi hoạt động đi lại giữa Hong Kong và Trung Quốc đại lục giúp giảm lây lan dịch bệnh, trong khi vẫn đảm bảo thành phố nhận được nguồn cung cấp thực phẩm và hàng hóa từ Trung Quốc đại lục.
Triều Tiên có người nhiễm virus corona đầu tiên?
Theo báo JoongAng Ilbo và Korea Times của Hàn Quốc ngày 7-2, một phụ nữ Triều Tiên có thể đã trở thành người đầu tiên ở nước này dương tính với corona virus, tuy bài báo không cho biết các triệu chứng cũng như tình trạng sức khoẻ của bà.
Người này được thông tin là sống ở Bình Nhưỡng, có các triệu chứng sau khi trở về từ Trung Quốc. Theo một nguồn tin ẩn danh từ phía Triều Tiên, tất cả những người có tiếp xúc với bà đều đã bị cách ly.
Truyền thông nhà nước của Triều Tiên chưa xác nhận thông tin này.
Trước đó, ngày 2-2, hãng tin Reuters đưa tin Triều Tiên cho biết không phát hiện trường hợp nhiễm virus nào. Nước này đã đình chỉ các chuyến bay từ Trung Quốc và Nga, đóng các tuyến đường sắt xuyên biên giới với hai quốc gia này, cấm công dân du lịch nước ngoài, đình chỉ hoạt động một văn phòng liên lạc với Hàn Quốc, tăng cường kiểm tra biên giới và kiểm tra sức khỏe của người Triều Tiên trở về từ nước ngoài.
Các nhà khoa học Trung Quốc nghi con tê tê có thể là vật chủ của virus corona chủng mới - Ảnh: REUTERS
Tê tê có thể là vật chủ?
Theo hãng tin Reuters, các nhà nghiên cứu Trung Quốc xác định con tê tê, một loài động vật có vú bị buôn bán trái phép để lấy vảy và thịt, là vật chủ trung gian tiềm tàng của virus corona chủng mới.
Đại học Nông nghiệp Nam Trung Quốc, đơn vị chủ nhiệm nghiên cứu này cho biết: "Phát hiện mới nhất này có ý nghĩa lớn đối với việc ngăn ngừa và kiểm soát nguồn gốc (của virus)".
* Kênh Channel News Asia cho biết Bộ Y tế Singapore ngày 6-2 xác nhận có thêm 2 ca nhiễm virus corona, trong đó có một người tham dự hội nghị tại khách sạn Grand Hyatt. Một trong hai bệnh nhân mới không có liên hệ nào với các trường hợp đã nhiễm bệnh trước đây. Tổng số ca nhiễm nCoV của Singapore hiện là 30 người.
Trung Quốc huy động cả bác sĩ tâm lý tới Vũ Hán
“Chúng tôi đã huy động thêm các bác sĩ tâm lý đến các bệnh viện, vì người bệnh có thể gặp hoảng loạn về tinh thần và cần được trợ giúp, trấn an”, một đại diện Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc tiết lộ trong họp báo chiều 7-2.
Vị này cũng cho biết số lượng người bệnh ở Vũ Hán quá lớn nên phải xây dựng các bệnh viện dã chiến, một mặt chữa trị cho họ, mặt khác ngăn dịch bệnh lây lan. Các bệnh nhân nhiễm bệnh sẽ thường xuyên được kiểm tra xem còn virus không bằng phương pháp PCR. Nếu kết quả âm tính sau nhiều lần thử nghiệm, họ sẽ được theo dõi thêm 1 thời gian trước khi cho xuất viện.
Văn bản chống dịch 4.0 được công bố trưa 7-2 giúp cơ quan chức năng phát hiện được nguồn dịch sớm hơn, dễ dàng hơn từ đó hạn chế lây lan. Các y bác sĩ cũng được trao nhiều quyền hơn trong việc khám chữa bệnh.
Doanh nghiệp nước ngoài bị ảnh hưởng vì dịch ở Trung Quốc
Tập đoàn Toyota của Nhật ngày 7-2 thông báo sẽ tiếp tục ngừng hoạt động sản xuất tại các nhà máy ở Trung Quốc cho đến hết ngày 16-2 và sẽ tùy vào tình hình dịch bệnh để quyết định có ngừng sản xuất tiếp hay không.
Tập đoàn sản xuất ôtô châu Âu Fiat Chrysler cũng cho hay có thể sẽ phải tạm đóng cửa một nhà máy ở châu Âu vì gặp khó khăn trong việc nhập vật liệu từ Trung Quốc. Tại Hàn Quốc, tập đoàn Hyundai đã ngừng hoạt động khu phức hợp gồm 5 nhà máy sản xuất ôtô đặt tại Ulsan vì dịch bệnh.
Chuỗi cửa hàng thời trang Uniqlo của Nhật Bản thì cho biết đã đóng cửa khoảng 370 trong tổng số 750 cửa hàng ở Trung Quốc, thị trường tăng trưởng quan trọng của công ty này.
* Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương ngày 7-2 thông báo Ý đã thể hiện ý định sẵn sàng mở lại đường bay thẳng giữa hai nước. Trước đó, lo ngại dịch nCoV, chính quyền Rome đã ngừng các đường bay tới Trung Quốc, khiến Trung Quốc không hài lòng. Tuy nhiên, ngay sau đó phía Ý đã bác bỏ thông tin "mở lại đường bay".
Các bệnh nhân bên trong một bệnh viện dã chiến ở Vũ Hán thuộc tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc ngày 6-2 - Ảnh: REUTERS
Với 3.694 ca nhiễm mới, ngày 5-2 được ghi nhận là ngày thứ ba liên tiếp số ca nhiễm nCoV giảm. Trước đó, ngày 4-2, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc ghi nhận 3.971 ca nghi nhiễm mới, giảm mạnh so với 5.072 ca trong ngày 3-2 và 5.173 ca ngày 2-2.
"Chúng ta vẫn đang ở giữa một đợt bùng phát mạnh mẽ. Các vòng lây truyền vẫn tiếp tục và chúng ta có thể chứng kiến sự gia tăng các ca nhiễm trong những ngày tới. Nhưng ít nhất ở hiện tại, mọi chuyện đang ổn định" - Hãng tin Reuters dẫn lời chuyên gia hàng đầu của WHO, ông Mike Ryan nói, cho rằng việc giảm các ca nhiễm mới không phải là điều để ăn mừng bởi vẫn còn nhiều thứ phải lo lắng.
WHO đang lên kế hoạch triệu tập một diễn đàn nghiên cứu và đổi mới toàn cầu nhằm huy động hành động quốc tế để ứng phó với chủng mới của virus corona (2019-nCoV). Diễn đàn sẽ được tổ chức từ ngày 11 đến 12-2 tại Geneva với sự cộng tác của Tổ chức nghiên cứu toàn cầu về phòng chống bệnh truyền nhiễm.
"Khai thác sức mạnh của khoa học là rất quan trọng để kiểm soát sự bùng phát dịch bệnh" - Tổng giám đốc WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, nói.
Diễn đàn sẽ tập hợp các nhà khoa học hàng đầu, các cơ quan y tế công cộng, các bộ chăm sóc sức khỏe và các nhà tài trợ nghiên cứu 2019-nCoV, phát triển vắcxin, trị liệu và chẩn đoán vì sức khỏe cộng đồng. Những người tham gia sẽ thảo luận một số lĩnh vực nghiên cứu, bao gồm xác định nguồn gốc của virus, cũng như chia sẻ các mẫu sinh học và trình tự di truyền.
Cuộc họp dự kiến sẽ tạo ra một chương trình nghiên cứu toàn cầu về virus corona mới, thiết lập các ưu tiên và khuôn khổ dự án nào được thực hiện trước tiên.
Thêm 41 người nhiễm bệnh trên du thuyền ở Nhật
Đài NHK của Nhật Bản ngày 7-2 đưa tin có thêm 41 người trên chiếc du thuyền Diamond Princess dương tính với virus corona mới (2019-nCoV), nâng tổng số ca nhiễm trên du thuyền này lên 61.
Nhà chức trách Nhật đã cách ly tàu du lịch chở 3.700 người từ ngày 3-2 và cho xét nghiệm tất cả các hành khách và nhân viên trên tàu sau khi một du khách nam 80 tuổi dương tính với nCoV.
Nhân viên y tế kiểm tra một tài xế tại chốt kiểm soát dịch ở tỉnh An Huy, Trung Quốc, ngày 6-2 - Ảnh: REUTERS
Trung Quốc tăng các chốt kiểm soát dịch
Trung Quốc đang tạm thời tăng cường các trạm kiểm soát nhằm hạn chế việc di chuyển của người dân trong nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của virus corona.
Các trạm thu phí trên nhiều tuyến đường cao tốc của tỉnh An Huy, Hồ Nam và Giang Tây đã trở thành những chốt kiểm tra tạm thời. Những người đi qua đây đều phải kiểm tra thân nhiệt, thẻ căn cước và trong một số trường hợp là lộ trình các nơi đã đi qua.
Thậm chí tại trạm kiểm tra ở huyện Túc Tùng của tỉnh An Huy, nơi giáp với tỉnh Hồ Bắc, những người không có giấy tờ chứng minh họ không đến Vũ Hán trong thời gian bắt đầu dịch có thể sẽ bị từ chối cho qua trạm.
Cùng với các biện pháp ngăn ngừa sự lây lan dịch do việc di chuyển của người dân, các cơ quan chức năng Trung Quốc cũng kêu gọi công khai hơn nữa tình trạng dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona nhằm nâng cao nhận thức người dân trong việc phòng tránh dịch bệnh.
Trung Quốc, Đài Loan cự cãi chuyện giải cứu người mắc kẹt
Trung Quốc và Đài Loan lại cãi vã về số phận những người Đài Loan bị mắc kẹt ở thành phố Vũ Hán. Ngày 7-2, Hội đồng các vấn đề đại lục của Đài Loan tuyên bố không hài lòng về sự hỗ trợ của Bắc Kinh trong việc sơ tán người Đài Loan khỏi Vũ Hán.
Cơ quan này cho biết Bắc Kinh đã phớt lờ yêu cầu ưu tiên hồi hương Đài Loan cho người già, trẻ nhỏ, những nhóm dễ bị tổn thương và những người chỉ mới đến Vũ Hán.
Hiện Đài Bắc chỉ mới tổ chức được 1 chuyên cơ sơ tán 247/500 người tại Vũ Hán về Đài Loan. Trong số này có 1 trường hợp dương tính với 2019-nCoV và 3 trường hợp có triệu chứng nhiễm. Tất cả các hành khách đang bị cách ly kiểm dịch ở Đài Loan.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận