Đề xuất cấp thị thực ngay tại sân bay
Chiều 2-6, Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Nêu ý kiến thảo luận, đại biểu Nguyễn Thanh Phương (Cần Thơ) bày tỏ thống nhất với việc tăng thời gian thị thực cho người nước ngoài được cấp thị thực điện tử từ 30 ngày lên 3 tháng.
Nhưng ông cho rằng nên ghi "90 ngày" vì với các nước khi cấp thị thực ngắn hạn họ đều ghi ngày chứ không ghi tháng. Đồng thời, thị thực có giá trị một lần trở thành có giá trị một hay nhiều lần.
Cùng với đó, kiến nghị ban soạn thảo nghiên cứu quy định việc cấp thị thực tại một số sân bay cho những đối tượng nhất định ở một số nước.
Theo quy định hiện hành, các loại thị thực có mã hiệu LS, DT1, DT2 có thời gian không quá 5 năm, DT 3 không quá 3 năm và LD1, LD2 không quá 2 năm, còn các loại khác không quá 12 tháng.
Vì thế, ông kiến nghị nên xem xét cho loại thị thực đối với các chuyên gia không thuộc diện cấp giấy phép lao động như LD1. Bởi họ sang làm việc cho các dự án khoa học, công nghệ, giáo dục, đào tạo, nhất là ở các trường đại học và viện nghiên cứu được tối đa 5 năm và có giá trị xuất, nhập cảnh một hay nhiều lần.
"Điều này rất thuận tiện cho họ, chúng ta cũng sẽ thu hút được nhiều chuyên gia đến với Việt Nam", ông Phương nêu.
Cùng ý kiến, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (Bà Rịa - Vũng Tàu) đề nghị cần bổ sung quy định về công khai thông tin thị thực và quy định chi phí thị thực hợp lý, phù hợp với mức của các quốc gia trong khu vực.
Ông nêu rõ ban soạn thảo cần quan tâm đến thực trạng hiện nay các thông tin liên quan đến thị thực điện tử được cung cấp tại website evisa xuất, nhập cảnh do Bộ Công an quản lý.
Trong khi đó, các thông tin liên quan đến thông tin đi lại, xin thị thực các nước bao gồm thông tin các nước được miễn thị thực nhập cảnh, thẻ đi lại doanh nhân APEC, kê khai thị thực trực tuyến lại đăng tải trên website visa do Bộ Ngoại giao quản lý.
"Tuy nhiên, thông tin về các loại thị thực cấp cho khách du lịch và phí cấp thị thực chưa được công bố. Không thể tìm thấy ngay cả trên trang website của đại sứ quán Việt Nam tại các thị trường du lịch trọng điểm hoặc trong trường hợp có công bố thị thực thì có bất cập, chi phí thị thực khá cao so với các nước trong khu vực", ông Hùng nói.
Đề nghị nâng thời hạn lưu trú lên 60 ngày
Về việc nâng thời hạn cấp giấy chứng nhận tạm trú tại cửa khẩu cho người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực từ 15 đến 45 ngày, đại biểu Vũ Tiến Lộc (Hà Nội) đề nghị nâng lên tối thiểu 15 - 60 ngày, bởi thời hạn lưu trú lên 45 ngày là mức bình quân trong khu vực, nhưng mục tiêu bình quân trong khu vực không còn là tiêu chuẩn của chúng ta.
Theo đó, cần vươn tới mức hàng đầu, nhóm 3, nhóm 4 trong ASEAN, trong mọi lĩnh vực chứ không riêng gì trong lĩnh vực này.
"Lưu trú 45 ngày tương đương với mức trung bình trong khu vực nên tôi đề nghị nâng lên 60 ngày để đảm bảo mức tiên tiến trong ASEAN", ông Lộc nêu.
Về việc Việt Nam đơn phương miễn thị thực có thời hạn cho công dân 25 nước như hiện nay, theo ông là thấp hơn so với nhiều nước và vùng lãnh thổ trong khu vực. Vì thế ông đề nghị nên quyết định mở rộng diện đơn phương miễn thị thực và mở rộng danh sách cho áp dụng thị thực điện tử.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận