Theo đó, EVN bày tỏ đồng tình với quan điểm phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu lắp đặt trên mái các công trình xây dựng gồm: nhà dân, cơ quan công sở, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh hiện hữu, được đầu tư, xây dựng do cơ bản đã đáp ứng nhu cầu thực tế.
Đề xuất lắp thêm thiết bị giám sát, điều khiển xa
Tuy nhiên, EVN cho rằng các cơ quan quản lý nhà nước cần xem xét bổ sung quy định, chế tài xử lý trường hợp chủ đầu tư đấu nối điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu vào các hệ thống điện mặt trời mái nhà đã được lắp đặt trước ngày 31-12-2020 đang được hưởng giá FIT nhằm mục đích trục lợi.
Thêm nữa, EVN cho rằng nguồn điện mặt trời mái nhà có tính bất định cao, phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết và công suất biến động lớn.
Vì vậy, đối với hệ thống điện mặt trời mái nhà có liên kết với hệ thống điện, đề nghị bổ sung yêu cầu đối với các chủ đầu tư, tùy theo công suất của hệ thống phải trang bị đầy đủ các thiết bị để có thể giám sát, điều khiển từ xa với nguồn điện mặt trời mái nhà có công suất lớn.
Việc này nhằm để đảm bảo các đơn vị điều độ thuộc EVN có thể chủ động trong việc đóng cắt từ xa đối với các hệ thống điện mặt trời mái nhà, nhằm đảm bảo linh hoạt, an toàn trong việc vận hành hệ thống điện quốc gia.
EVN cũng kiến nghị Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Xây dựng xây dựng, ban hành quy chuẩn quốc gia đối với tấm quang điện, bộ Inverter, pin lưu trữ điện; có cơ chế kiểm soát hàng hóa trước khi lưu thông trên thị trường nhằm kiểm soát hiệu suất, chất lượng thiết bị đảm bảo an toàn môi trường.
Nghiên cứu chính sách hỗ trợ lắp thiết bị lưu trữ điện
Nghiên cứu các chính sách hỗ trợ đối với những đối tượng đầu tư điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu, trong đó có lắp đặt thiết bị lưu trữ điện năng thì cần có phương án hỗ trợ về giá, thuế, lãi suất… để khuyến khích phát triển, đảm bảo hiệu quả cho người đầu tư.
Trước đó, Bộ Công Thương đã đưa ra dự thảo nghị định của Chính phủ quy định cơ chế phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu, đưa ra hai loại hình phát triển gồm hệ thống điện mặt trời mái nhà không nối lưới và hệ thống điện có nối lưới vào hệ thống điện quốc gia.
Với hệ thống nguồn điện có nối lưới vào hệ thống điện quốc gia, quy hoạch điện 8 phê duyệt mỗi địa phương không được vượt quá tổng công suất đã phân bổ trong kế hoạch thực hiện quy hoạch phát triển điện lực quốc gia là 2.600MW.
Để khuyến khích nguồn điện mặt trời tự sản tự tiêu, Bộ Công Thương đề xuất cho phép các tổ chức, cá nhân khi lắp đặt được miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực.
Công trình xây dựng không phải thực hiện điều chỉnh, bổ sung đất năng lượng và công năng theo quy định. Hồ sơ thủ tục sẽ được thực hiện theo cơ chế một cửa liên thông.
Cơ quan chức năng khuyến khích việc lắp đặt, vận hành hệ thống lưu trữ điện để chủ động trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và sử dụng điện. Các đơn vị hành chính sự nghiệp công, trụ sở các cơ quan đơn vị được ưu tiên bố trí ngân sách để lắp đặt.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận