Theo quy hoạch điện 8 được Thủ tướng phê duyệt, quy mô phát triển của điện mặt trời đến năm 2030 là 12.836 MW (không bao gồm điện mặt trời mái nhà hiện hữu). Trong đó, các nguồn điện mặt trời tập trung 10.236 MW, nguồn điện mặt trời tự sản, tự tiêu khoảng 2.600 MW.
Theo đó, đối tượng áp dụng cho nghị định này sẽ là điện mặt trời mái nhà lắp đặt trên mái nhà công trình nhà dân, cơ quan công sở, khu công nghiệp.
Hai chính sách được đề xuất
Đó sẽ là các tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến phát triển điện mặt trời mái nhà, loại trừ các trường hợp lắp đặt hệ thống này khi đã áp dụng chính sách thí điểm cơ chế đặc thù tại TP.HCM; nguồn điện mặt trời mái nhà thực hiện theo cơ chế mua bán điện trực tiếp.
Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương đề xuất hai chính sách trong phát triển điện mặt trời mái nhà. Cụ thể, với nguồn điện mặt trời mái nhà có liên kết với hệ thống điện quốc gia, Nhà nước sẽ quy định cụ thể cách thức thực hiện trên toàn quốc để người dân, doanh nghiệp lắp đặt nhằm mục đích tự sản tự tiêu.
Mô hình này sẽ phù hợp với việc lắp đặt điện mặt trời mái nhà tại các nhà ở, cơ quan công sở, khu công nghiệp. Quy mô lắp đặt sẽ không lớn và chủ yếu sử dụng điện vào ban ngày. Nguồn điện này sẽ chỉ được sử dụng tại chỗ, không bán điện, đầu tư kinh doanh điện, kể vả với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Trong trường hợp có lượng điện dư, dự thảo nghị định sẽ cho phép các tổ chức, cá nhân được lựa chọn phát, hoặc không phát sản lượng điện dư này vào hệ thống điện.
Nếu phát điện dư vào hệ thống, Nhà nước ghi nhận sản lượng điện với giá không đồng, tức không được thanh toán nhưng đổi lại Chính phủ cho phép tổ chức, cá nhân được liên kết với lưới điện quốc gia. Nếu không phát điện dư lên lưới, chủ đầu tư cần phải lắp đặt thiết bị hạn chế tối đa phát điện dư.
Nguồn điện này sẽ được kiểm soát với tổng quy mô công suất trên cả nước theo đúng quy hoạch điện 8 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đến năm 2030 là khoảng 2.600 MW.
Đối với nguồn điện mặt trời áp mái không liên kết với lưới điện quốc gia, Nhà nước sẽ khuyến khích lắp đặt để tự sử dụng mà không giới hạn công suất. Chủ đầu tư phát triển nguồn này vẫn phải đáp ứng quy định về đầu tư xây dựng, môi trường, phòng cháy chữa cháy, song được miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực nếu không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác.
Kiến nghị tháo gỡ loạt vướng mắc
Mặc dù đề xuất hai chính sách trên nhưng Bộ Công Thương cho hay vẫn có những vướng mắc trong phát triển loại hình này. Cụ thể, Luật Điện lực chưa có quy định về điện tự sử dụng, tự sản tự tiêu.
Vì vậy, các vấn đề đặt ra như loại hình này có được liên kết với hệ thống điện quốc gia hay không; tự sản tự tiêu không bán điện vào hệ thống điện quốc gia nhưng có được bán điện cho tổ chức, cá nhân khác hay không?
Ngoài ra, cần phải giảm bớt thủ tục, tạo sự thông thoáng cho người dân, doanh nghiệp phát triển điện mặt trời mái nhà; sửa đổi các quy định như phải phù hợp với quy hoạch, xin cấp phép, phê duyệt, vấn đề đất đai, công năng công trình điện; vấn đề lưu trữ điện…
Những nội dung này thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội, nên Bộ Công Thương kiến nghị Chính phủ xem xét, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Ngoài ra, đối với sản lượng điện dư được phát lên lưới điện quốc gia, EVN sẽ được hưởng phần điện dư này nhưng không mất tiền mua. Điều này đặt ra vấn đề là việc hạch toán sản lượng điện dư cũng chưa có trong quy định, nên bộ kiến nghị Chính phủ xem xét, quyết định theo thẩm quyền.
Bộ cũng nêu ra trường hợp các hệ thống điện mặt trời mái nhà lắp đặt, vận hành kể từ sau ngày 1-1-2021 đến nay, nếu không thuộc quy mô công suất trong kế hoạch triển khai quy hoạch điện 8 thì có được chấp thuận để tồn tại hay không?
Trường hợp nếu vượt quy mô công suất trong kế hoạch triển khai quy hoạch điện 8 mà có liên kết với hệ thống điện thì có phải chuyển sang chính sách điện mặt trời mái nhà không liên kết với hệ thống điện quốc gia hay không?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận