Ngày 21-3, đại diện UBND tỉnh Bình Dương cho biết đã nhận được "đơn kêu cứu" của cộng đồng doanh nghiệp đầu tư điện mặt trời áp mái trên địa bàn tỉnh.
Đây là lần kêu cứu thứ hai của các doanh nghiệp đầu tư điện mặt trời mái nhà, sau lần kêu cứu đầu tiên vào giữa năm 2022 và khi đó ngành điện lực đã tạm thời tiếp tục thanh toán tiền mua điện cho các nhà đầu tư.
Tuy nhiên mới đây, Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) lại ra "tối hậu thư" cho các nhà đầu tư: nếu từ ngày 1-4 các dự án điện mặt trời không hoàn thiện được hồ sơ sẽ lại tạm ngưng thanh toán, còn sau 30-6 sẽ tạm ngưng hợp đồng, tách đấu nối khỏi lưới điện.
Trong đơn kêu cứu, các doanh nghiệp điện mặt trời cho biết họ đầu tư theo quyết định 13 năm 2020 của Thủ tướng về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam. Các nhà đầu tư đã hoàn tất đầu tư trước 31-12-2020 theo thời hạn quy định và đã ký hợp đồng mua bán điện với các đơn vị thành viên của Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Trục trặc phát sinh khi hợp đồng mua bán điện đang diễn ra thì ngành điện yêu cầu các nhà đầu tư phải bổ sung hồ sơ phòng cháy chữa cháy và giấy phép xây dựng của hệ thống điện mặt trời mái nhà.
"Khi các nhà đầu tư điện mặt trời nộp hồ sơ xây dựng tới UBND cấp huyện, thị xã và ban quản lý các khu công nghiệp để được xác nhận thì không được chấp thuận" - ông Lê Hồng Khanh, phó giám đốc Công ty Điện lực Bình Dương, cho biết.
Ông Bồ Kỹ Thuật - phó giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương - cho biết vướng mắc hiện nay do các công trình điện mặt trời mái nhà đã được triển khai, đưa vào sử dụng.
Quy định pháp luật không thể cấp phép cho công trình hiện hữu, mà muốn cấp phép thì phải xử phạt, tháo dỡ và làm thủ tục lại từ đầu. Những vướng mắc này vượt quá thẩm quyền quyết định của địa phương.
Đại diện các nhà đầu tư, ông Phan Thanh Lâm - giám đốc Công ty cổ phần đầu tư năng lượng tái tạo Bình Dương Xanh - cho biết các nhà đầu tư đã đầu tư theo quyết định 13 năm 2020 của Thủ tướng, nhưng các hướng dẫn, yêu cầu của bộ ngành về xây dựng, phòng cháy thì lại được đưa ra sau.
Các dự án điện mặt trời mái nhà tại Bình Dương có công suất khoảng 800MW, chi phí đầu tư lên tới khoảng 12.000 tỉ đồng và đã có đóng góp quan trọng vào việc cung cấp điện, ổn định sản xuất và góp phần bảo vệ môi trường.
Các doanh nghiệp điện mặt trời mái nhà cho biết họ đứng trước nguy cơ phá sản nếu Tập đoàn Điện lực Việt Nam ngưng thanh toán vì hầu hết các dự án phải vay ngân hàng.
"Việc kiện nhau ra tòa là việc chúng tôi cũng không mong muốn. Trong khi điện mặt trời mái nhà là lĩnh vực năng lượng tái tạo được khuyến khích đầu tư, vì vậy các doanh nghiệp rất mong muốn được ngành điện và cơ quan chức năng tháo gỡ những vướng mắc về quy định pháp luật cho các dự án điện mặt trời" - đại diện một doanh nghiệp có nhiều dự án điện mặt trời tại phía Nam nói.
Lập tổ tháo gỡ, sẽ đối thoại
Đại diện Sở Công Thương tỉnh Bình Dương cho biết trước sự "kêu cứu" của các doanh nghiệp điện mặt trời, UBND tỉnh đã thành lập tổ công tác tháo gỡ do giám đốc Sở Công Thương làm tổ trưởng, với sự tham gia của các sở ngành và công ty điện lực tỉnh.
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương cũng đã tiếp xúc, lắng nghe các kiến nghị của nhà đầu tư để kiến nghị cơ quan trung ương hoàn thiện pháp luật nhằm tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp.
Dự kiến Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương cũng sẽ tổ chức buổi đối thoại giữa cơ quan chức năng và các nhà đầu tư năng lượng mặt trời liên quan những vướng mắc về thủ tục xây dựng đối với lĩnh vực điện mặt trời.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận