28/05/2025 19:00 GMT+7

Chưa chốt được phương án gỡ vướng cho loạt dự án năng lượng tái tạo

Liên quan đến loạt dự án điện tái tạo gặp vướng, EVN kiến nghị Bộ Công Thương phối hợp với các bộ liên quan đánh giá tổng thể tác động, rủi ro khiếu kiện trong nước và quốc tế đối với phương án giải quyết mà đơn vị này đề xuất.

năng lượng tái tạo - Ảnh 1.

Các nhà đầu tư đã có nhiều văn bản đề nghị không hồi tố đối với giá mua bán điện tái tạo ưu đãi - Ảnh: N.H.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa có báo cáo số 3208 gửi Bộ Công Thương cập nhật kết quả làm việc đối với các dự án điện năng lượng tái tạo (điện tái tạo) có khó khăn, vướng mắc theo nghị quyết 233.

Nhà đầu tư không muốn hồi tố giá điện

Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực năng lượng tái tạo trong nước và nhà đầu tư nước ngoài đã có các văn bản kiến nghị không đồng ý phương án tính lại giá điện ưu đãi (giá FIT) đã hưởng.

Liên quan đến các kiến nghị này, EVN cho hay các chủ đầu tư nhận định tại thời điểm các dự án được công nhận ngày vận hành thương mại (COD), các quy định hiện hành không yêu cầu văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là điều kiện để được COD.

Mặt khác, các chủ đầu tư đã khắc phục và chịu phạt vi phạm hành chính về lỗi trên. 

Các chủ đầu tư cho rằng hiện chưa có bất kỳ quy định hoặc kết luận của cơ quan quản lý nhà nước về việc không có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu tại thời điểm vận hành thương mại là không được hưởng giá ưu đãi theo quy định và phải điều chỉnh giá điện.

Về phương án tài chính, các chủ đầu tư cho rằng việc EVN tạm thanh toán khiến doanh nghiệp giảm doanh thu sẽ ảnh hưởng đến phương án tài chính, có nguy cơ bị ngân hàng xiết nợ, mất toàn bộ vốn chủ sở hữu và phá sản… 

Với giá điện trong hợp đồng mua bán, chủ đầu tư cần 10 năm để hoàn vốn, nhưng với đề xuất tạm thanh toán, thời gian hoàn vốn dự kiến là 20 năm.

Bên cạnh đó, các chủ đầu tư cho rằng trường hợp thanh toán giá tạm và hồi tố giá điện ảnh hưởng rất lớn đến niềm tin nhà đầu tư.

Do đó, các nhà đầu tư đều đề nghị thực hiện theo hợp đồng mua bán điện đã ký.

EVN đề nghị Bộ Công Thương đánh giá tác động khi tính lại giá điện

Thời gian qua, EVN đã đề xuất giải pháp thanh toán tiền điện cho các dự án gặp vướng theo hướng 25 nhà máy/phần nhà máy mặt trời (tổng công suất 1.278 MWp) đang thanh toán theo giá FIT 1 (9,35 cent/kWh) sẽ tạm thanh toán theo giá FIT 2 (7,09 US cent/kWh) do thời gian cấp có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu rơi vào thời điểm hưởng FIT 2.

Có 93 nhà máy/phần nhà máy mặt trời (tổng công suất 7.257 MWp) đang thanh toán theo giá FIT (bao gồm FIT 1 và FIT 2) sẽ tạm thanh toán theo giá trần chuyển tiếp, do có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu sau thời điểm FIT 2 hết hiệu lực.

Với 14 nhà máy/phần nhà máy gió (tổng công suất 649 MW) đang thanh toán theo giá FIT sẽ tạm thanh toán theo giá trần chuyển tiếp (quá 1.184,9 đồng/kWh). Đối với các nhà máy điện chưa có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu, EVN sẽ tạm thanh toán chi phí vận hành và bảo trì (O&M).

Theo EVN, phương án đề xuất này phù hợp với chỉ đạo của Bộ Công Thương (tại văn bản 321 ngày 12-12-2024), quy định: "Đối với các dự án đang được hưởng giá FIT có vi phạm theo kết luận của cơ quan có thẩm quyền do không đáp ứng đủ điều kiện được hưởng giá FIT thì không được hưởng giá FIT ưu đãi mà phải xác định lại giá mua bán điện theo quy định; thu hồi lại các khoản giá FIT ưu đãi đã được hưởng không đúng thông qua bù trừ thanh toán tiền mua điện".

Tuy nhiên, EVN cũng cho rằng không đủ thông tin để đánh giá tác động tổng thể đến kinh tế - xã hội, ảnh hưởng môi trường đầu tư trong nước và quốc tế, do đây là vấn đề vĩ mô, cần có sự hỗ trợ đánh giá từ các cấp quản lý nhà nước cao hơn.

Tại các biên bản làm việc và văn bản chính thức, các chủ đầu tư đều đề cập và bảo lưu quyền khiếu nại, khiếu kiện trong trường hợp EVN thực hiện tạm thanh toán. EVN cho rằng rủi ro về khiếu kiện, tranh chấp (bao gồm khiếu kiện quốc tế) là hoàn toàn có thể xảy ra ở quy mô lớn.

Do đó, EVN kiến nghị Bộ Công Thương xem xét, phối hợp với các bộ liên quan, đánh giá tổng thể về tác động kinh tế - xã hội, rủi ro khiếu kiện trong nước và quốc tế, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư đối với phương án do EVN đề xuất. Từ đó quyết định phương án tối ưu để chỉ đạo và hướng dẫn EVN thực hiện.

69 dự án điện có sự tham gia của doanh nghiệp nước ngoài

Theo EVN, hiện có 69 nhà máy điện có nhà đầu tư nước ngoài tham gia, trong đó 27 nhà máy điện có 100% vốn đầu tư nước ngoài. Tại thời điểm ký hợp đồng mua bán điện lần đầu, có 32 nhà máy điện có nhà đầu tư nước ngoài tham gia.

Riêng đối với chủ đầu tư Thái Lan, tổng số là 25 nhà máy, trong đó có 7 nhà máy có chủ đầu tư tham gia từ thời điểm ký hợp đồng mua bán điện chính thức đầu tiên.

Hiện nay, ngoài Thái Lan, nhiều nhà đầu tư năng lượng khác đang có nhà máy hoặc sở hữu cổ phần trong các nhà máy điện tái tạo là Singapore, Philippines, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Pháp, Tây Ban Nha, Hà Lan, Lào, Đức, Malaysia, Anh…

Chưa chốt phương án gỡ vướng cho loạt dự án năng lượng tái tạo - Ảnh 2.Các nhà đầu tư năng lượng tái tạo lại kiến nghị giữ nguyên giá mua bán điện với 173 dự án

Các nhà đầu tư và các định chế tài chính lại có đơn kiến nghị khẩn cấp, đề nghị giữ nguyên giá mua bán điện đối với 173 dự án đã hòa lưới.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên