Trịnh Công Sơn (bìa phải) cùng với bạn bè văn nghệ ở Huế cuối năm 1975 - Ảnh: Tư liệu
"Có người trách tôi là sao ở Huế mà không viết gì về Huế cả. Tôi nói tất cả những bài hát của tôi đều viết về Huế... Thậm chí Một cõi đi về cũng là Huế chứ không thể ở chỗ khác mà viết được".
Trịnh Công Sơn
Bao giờ có nhà lưu niệm Trịnh Công Sơn ở Huế? Câu hỏi đó đã được đặt ra ngay từ sau khi nhạc sĩ rời "cõi tạm". Sáu năm sau, nhà văn, dịch giả Bửu Ý - người bạn thân và là người đã viết điếu văn tiễn đưa Trịnh Công Sơn về cõi vĩnh hằng - lại tiếp tục đặt ra câu hỏi đó trong nhiều bài viết nặng trĩu nỗi lòng.
Từ đó đến nay, dù đã có nhiều nỗ lực từ gia đình nhạc sĩ, từ lãnh đạo chính quyền địa phương, nhưng "Nhà nguyện Tình yêu" bên bờ Hương giang như mong ước của Trịnh vẫn chưa thể ra đời.
Huế là cõi đi về của Sơn
"Có lẽ mọi người, từ những người có quyền phê duyệt cho tới người ái mộ và công dân bình thường, ai nấy đều đồng ý rằng một ngôi nhà lưu niệm Trịnh Công Sơn trên đất Huế là điều hợp lẽ. Hợp lẽ về mọi phương diện mà không ai hoài công phủ nhận hay phản bác", nhà văn Bửu Ý đã nhắc lại cái điều hợp lẽ đó.
Ông cho biết lần cuối cùng Trịnh về thăm Huế vào tháng 4-2000, khi Festival Huế lần đầu tiên diễn ra, nhạc sĩ đã nói đến ước mơ của mình về việc thiết lập "Nhà nguyện tình yêu" tại Huế. Đó cũng là nhà lưu niệm - nơi lưu giữ dấu tích trần gian của Trịnh Công Sơn ở quê nhà.
Lãnh đạo thành phố Huế bấy giờ rất niềm nở hưởng ứng và hứa hẹn thực hiện. Có đến bảy địa điểm được đưa ra để lập nhà lưu niệm Trịnh Công Sơn: làng Kim Long, đồi Thiên An, đường Lê Lợi, bờ bắc sông Hương, thôn Vĩ Dạ, nhà số 4 Hoàng Hoa Thám, ngôi nhà tạp chí Sông Hương.
Người hâm mộ thì đề xuất thêm địa điểm: căn gác 11/3 Nguyễn Trường Tộ. "Không có một ngôi nhà cho Trịnh Công Sơn ở Huế thì ăn nói làm sao đây với thiên hạ?" - nhà văn Bửu Ý day dứt.
Đến năm 2012, sau nhiều lần tìm kiếm, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã đồng ý chọn khu vực đồi Bàu Hồ nằm ven bờ sông Hương, gần tiếp giáp với đồi Vọng Cảnh để giao cho gia đình nhạc sĩ xây dựng Không gian Trịnh Công Sơn.
Tuy nhiên, sau đó do phải mở rộng Nhà máy nước Vạn Niên cùng một số lý do khác nên phải thay đổi địa điểm phù hợp hơn.
Một trong những bài viết cuối cùng của Trịnh Công Sơn viết vào năm 2000 - Ảnh: Tư liệu
Nhà nguyện Tình yêu
Trong bộ kỷ vật của Trịnh Công Sơn do gia đình lưu giữ, có một tài liệu do nhạc sĩ viết tay, thuyết minh về Nhà nguyện Tình yêu. Ngôi nhà mang "hình cái trứng tượng trưng sự sinh nở, sự sống, biểu tượng trăm trứng, một thể thống nhất".
Trịnh thuyết minh về mục đích của Nhà nguyện Tình yêu vì tuổi trẻ cần một chốn tĩnh lặng để tự giải quyết những khúc mắc tinh thần, để suy tưởng về mình, về đời và tĩnh tâm, cầu nguyện cho bình an trong tâm hồn, cho tình yêu, cho hòa bình.
Đó là nơi gặp gỡ của những người cùng thế hệ, cùng nhau giải quyết những bất hạnh, nỗi buồn, nỗi tuyệt vọng và chia sẻ niềm vui. "Gầy dựng lại sức mạnh của đời sống tinh thần, làm giảm đi cái khuynh hướng sống quá thực dụng đang ngày càng phát triển trong suy nghĩ của giới trẻ" - Trịnh nhấn mạnh.
Trịnh Công Sơn cũng phác thảo phương pháp thực hiện Nhà nguyện Tình yêu bằng sự đóng góp của mọi giới (nhà tư tưởng, văn nghệ sĩ...). In những cuốn sách trích dẫn những tư tưởng hay về tình yêu, cách sống. Đó là nơi biểu diễn âm nhạc và những tình khúc chọn lọc, vào cuối tuần, cuối tháng sẽ có các buổi nói chuyện của các học giả về đời sống tinh thần, về tình yêu, nghệ thuật...
Trịnh Công Sơn bên sông Hương trong một lần về thăm Huế vào năm 1995 - Ảnh: NGUYỄN ĐẮC XUÂN
Không gian Trịnh bên dòng Hương giang
Nhà nguyện Tình yêu, ngôi nhà mơ ước của Trịnh Công Sơn, không phải cho ông mà là cho muôn người, sẽ được xây dựng bên bờ sông Hương. Tại đó sẽ có cả Bảo tàng Trịnh Công Sơn như mong mỏi của bao người. Tất cả sẽ tích hợp trong một dự án với tên gọi là Không gian Trịnh Công Sơn do gia đình nhạc sĩ thực hiện.
Địa điểm mà lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế và gia đình lựa chọn là một khu đất bên bờ sông Hương thuộc làng Lương Quán, phường Thủy Biều, TP Huế. Một không gian rất Huế và rất thiền, hai chất liệu chính làm nên âm nhạc Trịnh Công Sơn.
Không gian Trịnh Công Sơn với "trái tim" là Nhà nguyện Tình yêu, theo ý nguyện của nhạc sĩ lúc còn sống, là nơi để những người yêu nhau trên thế gian này đến đây nguyện cầu cho tình yêu và cùng hát "hãy yêu nhau đi khi rừng thay lá".
Đây cũng là nơi để mọi người thực hành thiền trong không gian Trịnh Công Sơn thấm đẫm âm nhạc, thi ca và triết học. Bảo tàng trưng bày hiện vật của nhạc sĩ, rạp hát nhỏ để biểu diễn và chiếu phim tài liệu, khu biểu diễn ngoài trời có sức chứa khoảng 5.000 người, khu vườn tượng Trịnh Công Sơn và bạn bè, khu cắm trại dành cho sinh viên, học sinh, một trường học dạy về phong cách sống của Huế, một khu lưu trú dành cho các nghệ sĩ đến sáng tác...
Khi rời cõi tạm, nhạc sĩ đã để lại một số bài hát đang viết dang dở. Các nhạc sĩ sẽ đến đây lưu trú và cùng hoàn thiện các tác phẩm này.
Gia đình nhạc sĩ cho biết Không gian Trịnh Công Sơn là ý nguyện của nhạc sĩ lúc còn sống mong muốn cuối đời được về an nghỉ bên bờ sông Hương. Đó cũng là mong muốn của bạn bè nhạc sĩ cần có một nơi để họ hiến tặng các hiện vật liên quan đến ông, người hâm mộ thì mong muốn có một nơi để tưởng niệm nhạc sĩ.
Ngày 29-3 vừa qua, nhiếp ảnh gia Dương Minh Long đã trao cho gia đình một bộ kỷ vật của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Bộ kỷ vật này sẽ trưng bày tại Bảo tàng Trịnh Công Sơn nằm trong không gian này. Sinh thời nhạc sĩ thường ngẫu hứng ký họa, vẽ tranh, làm thơ và tặng luôn cho người mình yêu mến. Không gian Trịnh Công Sơn sẽ là nơi để các hiện vật từ khắp nơi tìm về.
Ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh, em gái nhạc sĩ, cho hay: "Chúng tôi đã thống nhất với nhau rằng di sản Trịnh Công Sơn không còn là của gia đình nữa. Tất cả di sản đó thuộc về người Việt chúng ta. Trách nhiệm của gia đình chỉ là bảo quản và chuyển giao, mong một ngày nào đó sẽ được trưng bày trong Không gian Trịnh Công Sơn".
Có ba việc lớn về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn phải làm tại Huế. Thứ nhất là khu mộ nhạc sĩ đã lo xong đất đai, việc còn lại gia đình sẽ thực hiện để cải táng mộ phần nhạc sĩ từ Thủ Đức về Huế.
Việc thứ hai là dựng tượng nhạc sĩ ở đường Trịnh Công Sơn, tỉnh đã đồng ý và Hội Nghiên cứu và phát triển di sản văn hóa Huế đang phát động cuộc thi để chọn mẫu tượng, sẽ hoàn thành trong nay mai.
Việc thứ ba là Không gian Trịnh Công Sơn, đang chờ hoàn tất các thủ tục điều chỉnh quy hoạch, đấu giá thuê đất. Để có nguồn nuôi sống hoạt động văn hóa này phải có dịch vụ, mà có hoạt động dịch vụ thì phải đấu giá thuê đất theo quy định pháp luật.
Chúng tôi biết gia đình nhạc sĩ và người hâm mộ rất sốt ruột, nhưng phải làm đúng quy định luật pháp cũng như đảm bảo được sự tồn tại lâu dài cho công trình văn hóa lớn này.
Ông Phan Ngọc Thọ
(chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế)
***********
Trong nhiều người bạn vong niên của Văn Cao, Trịnh Công Sơn luôn có một vị trí rất đặc biệt. Văn Cao từng viết: "Tôi gọi Sơn là người hát thơ".
>> Kỳ tới: Văn Cao và Trịnh - Tình vong niên bình dị
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận