02/04/2021 10:16 GMT+7

Dấu ấn Trịnh qua miền đất này - Kỳ 6: Trịnh qua vùng nắng gió Quảng Trị

PHẠM XUÂN DŨNG
PHẠM XUÂN DŨNG

TTO - Ngoài xứ Huế quê hương, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn còn gắn bó với Quy Nhơn, B’Lao, Đà Lạt, Sài Gòn và để lại dấu ấn sâu đậm trong sáng tác của ông. Nhưng ít ai biết rằng nhạc sĩ họ Trịnh cũng từng lưu dấu ấn ở vùng nắng gió và khói lửa Quảng Trị.

Dấu ấn Trịnh qua miền đất này - Kỳ 6: Trịnh qua vùng nắng gió Quảng Trị - Ảnh 1.

Bức tranh Bà mẹ Ô Lý do Trịnh Công Sơn vẽ - Ảnh: Tư liệu

Bà mẹ Ô Lý

Năm 2021 này, bài hát Bà mẹ Ô Lý lại vang lên ở nhiều nơi để tưởng niệm ngày nhạc sĩ Trịnh Công Sơn rời cõi tạm. Nhưng ít ai biết xuất xứ của ca khúc có liên quan đến cuộc gặp gỡ giữa nhạc sĩ với một người mẹ Quảng Trị. 

Ca sĩ Thái Hòa, con trai kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái, một người bạn của Trịnh Công Sơn, kể rằng năm 1972 giữa lúc chiến tranh đang ác liệt, nhạc sĩ ngồi ở chợ Đông Ba (Huế) thì tình cờ gặp một người mẹ Quảng Trị chạy loạn, trên vai là đứa trẻ và trên tay ôm một trái bí mang từ quê vào.

Vượt qua hơn trăm cây số vào đây, gia tài của mẹ chỉ còn như thế trong cảnh bom rơi đạn lạc. Nghe mẹ kể chuyện, nhạc sĩ quá xúc động và sau đó viết ngay một ca khúc đặt tên là Bà mẹ Ô Lý (hai châu Ô, Lý xưa là vùng đất Quảng Trị, Thừa Thiên bấy giờ).

Trong bản gốc chép tay ca khúc này, nhạc sĩ đã ghi: "Tặng người mẹ già trong đoàn người từ Quảng Trị về Huế, mùa hè đỏ lửa năm 1972". Lời nhạc cũng như giai điệu nhẹ nhàng mà day dứt, nén chặt nỗi đau chiến tranh tàn khốc. "Một sớm lên đường/Mẹ ra sau vườn/Hỏi thăm trái bí/Trên giàn còn xanh". 

Bài hát không hề có tiếng bom rơi đạn nổ, không có cảnh chết chóc đau thương, mà vẫn khiến người nghe nhức nhối khi như thấy trước mắt mình một người mẹ với đứa trẻ không nhà, không nơi nương tựa và một trái bí cút côi tội nghiệp. Đoạn cuối của bài ca như lời thầm thì khấn nguyện, với cách diễn đạt như phong cách ca từ đầy suy tưởng triết lý của Trịnh Công Sơn.

Ca sĩ Thái Hòa rất thích hát bài này và từng ra Quảng Trị biểu diễn trong chương trình nhạc Trịnh Công Sơn, và tất nhiên là phải có Bà mẹ Ô Lý. Anh cho biết Bà mẹ Ô Lý đứng ngang hàng với những ca khúc lừng danh khác của Trịnh Công Sơn.

Tháng 3, Nam Thạch Hãn

Tháng 3 này, chúng tôi trở lại thị xã Quảng Trị và tìm đến công trình thủy lợi Nam Thạch Hãn nổi tiếng một thời, nơi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng đến vào tháng 3-1978. Người viết bài này từng có dịp trò chuyện với ông Nguyễn Đức Hoan, nguyên bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị, cựu chỉ huy trưởng công trình đại thủy nông Nam Thạch Hãn. 

Ông Hoan cho hay để xây dựng công trình thủy lợi lớn này, tỉnh Bình Trị Thiên cũ phải huy động một lực lượng lao động quy mô trên toàn tỉnh với 7,3 vạn người đủ mọi thành phần. Ngoài thanh niên xung phong và bộ đội, còn có thanh niên, học sinh và người dân địa phương cùng tham gia. Lực lượng văn nghệ sĩ góp sức bằng tác phẩm để động viên phong trào.

Văn nghệ sĩ Bình Trị Thiên hầu như đều có mặt trên đại công trường này. Chuyến đi đó, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn không sáng tác ca khúc mà ông viết bút ký. Bài bút ký "Nam Thạch Hãn những ngày đầu tháng 3" đăng trên tập san Văn Nghệ Bình Trị Thiên tháng 7-1978. Trong bài bút ký hiếm hoi này, nhạc sĩ ghi lại chuyến đi thực tế tháng 3-1978 của ông trong đoàn văn nghệ sĩ tỉnh Bình Trị Thiên đến với công trường lớn nhất địa phương này.

Bài bút ký viết theo kiểu nhật ký, ghi theo mốc thời gian và bằng cảm nhận của một nghệ sĩ, giữa gian khó nhưng vẫn đầy chất thơ. "3 tháng 3-1978. 6 giờ. Đường ra Thạch Hãn sương mù dày đặc. Đường sương, ruộng sương, cầu sương, sông nước cũng sương. Xe bật đèn. Những con mắt vàng mở to trong sương sớm. Hai bên đường loáng thoáng bóng người rải sắn lát, chờ sương tan để nắng lên hong khô. Chiếc xe jeep không thể chạy nhanh nhưng gió ngược cũng đủ làm tóc rối bù...

... Năm sau trở lại nơi này chắc chắn không thể tìm ra cái gương mặt cũ. Đào một con kênh, khơi một dòng nước là hoán đổi toàn bộ cục diện của thiên nhiên và đời sống của con người. Mai đây, con kênh sẽ góp mặt với đời làm giàu có thêm cái dòng họ kênh đào trên khắp đất nước. Các làng mạc mới cũng từ đó thành hình và sẽ lớn lên...".

Công trình thủy lợi Nam Thạch Hãn ngày nào giờ vẫn đang tưới cho hàng ngàn hecta ruộng vườn của vùng Triệu Phong, Hải Lăng, Quảng Trị. Ông Phạm Sãi, nguyên sư trưởng sư đoàn thủy lợi 202 huyện Bến Hải, cho biết công trình đại thủy nông Nam Thạch Hãn đã đổi đời cho hàng vạn gia đình nông dân Quảng Trị.

Dấu ấn Trịnh qua miền đất này - Kỳ 6: Trịnh qua vùng nắng gió Quảng Trị - Ảnh 2.

Trịnh Công Sơn (thứ ba từ trái) cùng đoàn văn nghệ sĩ Bình Trị Thiên trong một chuyến đi sản xuất tự túc tại Quảng Trị - Ảnh: Tư liệu Nguyễn Đắc Xuân

Trên công trường cầu Thạch Hãn

Trước đó, năm 1977, Trịnh Công Sơn cũng từng tham gia lao động tại Quảng Trị. Năm 1978, ông đi là để tìm hiểu thực tế để sáng tác, còn lần này là đi lao động. Năm ấy, ông đang công tác ở Hội Văn nghệ Bình Trị Thiên. Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, người bạn tâm giao của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, đã viết lại câu chuyện đó trong bút ký "Hai người trên công trường cầu Thạch Hãn". "Sau khi nhận được lời kêu gọi "góp phần tái thiết" đường tàu Thống Nhất, tôi báo cho Sơn biết ngay, và hai chúng tôi liền đăng ký tự nguyện đi lao động trên đoạn đường sắt qua cầu Thạch Hãn".

Thời chiến tranh, cầu Thạch Hãn là tọa độ sinh tử trên huyết mạch giao thông Bắc - Nam, hứng chịu không biết bao nhiêu là bom đạn. Sau ngày thống nhất, chiếc cầu này tả tơi như một phế tích. Ngành giao thông lại phải kêu gọi toàn dân tham gia tái thiết. Hai ông nghệ sĩ này được phân công vào tổ khuân vác đá. Nhiệm vụ của họ là khuân những tảng vôi gạch vữa từ chân Thành cổ lên lát trên đường sắt và rải đá trải đầy khoảng giữa những thanh tà vẹt. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn với sức vóc gầy yếu cũng xắn tay áo bưng đá. 

"Lom khom đi sau tôi, Sơn ì ạch mang một khối gạch lớn, chắc Sơn cũng đang ước mơ một con tàu kéo còi băng qua những cánh đồng..." - ông Tường kể.

Họ đã làm việc nhiều ngày trên công trường đường sắt Thống Nhất này. Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường tự sự: "Khát vọng thống nhất ở tôi khởi đi bằng hình ảnh "hình chữ S"; còn Sơn, khát vọng thống nhất đất nước lớn lên từ phong trào phản chiến của tuổi trẻ các thành thị. Tôi hiểu rằng để đạt được mục tiêu lịch sử, người ta có thể bằng những con đường khác nhau; để bây giờ tôi và Sơn đều có mặt trên công trường đường sắt ở thị xã Quảng Trị này".


Nhà thơ Vĩnh Nguyên (Huế), người từng sống cùng Trịnh Công Sơn ở căn gác tại đường Nguyễn Trường Tộ (nay là Gác Trịnh) những năm cùng công tác ở Hội Văn nghệ Bình Trị Thiên, kể rằng Trịnh Công Sơn đã từng cùng bạn bè đạp xe từ Huế ra chơi Quảng Bình.

"Anh Sơn đi chiếc xe đạp màu đỏ thẫm. Qua khỏi cầu Hiền Lương, Trịnh Công Sơn dừng xe dưới bóng một cây dừa. Sơn nói: "Mình không ngờ ở đây mà vẫn có hàng cây thơ mộng thế này. Mình cứ tưởng là vùng đất cát trắng!". Có lẽ đó là lần đầu tiên, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn bước chân qua chiếc cầu vĩ tuyến, đặt chân lên vùng đất Vĩnh Linh được gọi là "vết cắt ngang đất nước".

****************

Nguyện vọng cuối đời của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là được trở về vĩnh hằng bên dòng sông quê nhà. Một bảo tàng Trịnh cùng với "Nhà nguyện Tình yêu" sẽ được gia đình nhạc sĩ xây dựng bên sông Hương. Mộ phần của ông cũng sẽ được đưa về Huế.

>> Kỳ tới: Một cõi đi về của Trịnh là Huế

Dấu ấn Trịnh qua miền đất này - Kỳ 5: Chàng lãng tử ở miền sương khói Dấu ấn Trịnh qua miền đất này - Kỳ 5: Chàng lãng tử ở miền sương khói

TTO - Đà Lạt là vùng đất lưu dấu nhiều kỷ niệm của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, nơi chốn đi về của ông trong những tháng năm dạy học ở B’Lao (1964-1967) cũng như sau đó từ Sài Gòn, Huế.

PHẠM XUÂN DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên