Các công ty bất động sản đang trải thảm đỏ cho các nhà đầu tư tiềm năng và người mua nhà từ khi Trung Quốc công bố kế hoạch đầu tư 170 tỉ ringgit (35,9 tỉ USD) vào Malaysia năm ngoái.
Người Trung Quốc và "Ngôi nhà thứ hai của tôi ở Malaysia"
Sự lạc quan đã lan tỏa khi các nhà điều hành được khuyến khích bởi những con số đầy hứa hẹn được chính phủ chia sẻ về việc người dân Trung Quốc tiếp nhận chương trình Ngôi nhà thứ hai của tôi ở Malaysia (MM2H).
Malaysia - Ngôi nhà thứ 2 của tôi (MM2H) là chương trình thị thực cư trú dài hạn do Chính phủ Malaysia đưa ra nhằm khuyến khích người nước ngoài chuyển đến sinh sống tại Malaysia. Với ưu điểm chi phí thấp, thủ tục đơn giản và xử lý nhanh..., số lượng người nộp đơn cho chương trình đã tăng vọt kể từ lần đầu tiên ra mắt và được nhiều người quan tâm.
SCMP cho biết tính đến tháng 1-2024, có 24.765 người nhận thẻ MM2H là công dân Trung Quốc. Con số này tương đương 44% trong số hơn 56.000 người có thẻ đang hoạt động theo chương trình, tăng so với số 16.000 thẻ do người di cư Trung Quốc nắm giữ vào năm 2019.
Tuy nhiên một số người không tin MM2H mang lại lợi ích kinh tế lớn cho lĩnh vực bất động sản và nền kinh tế như đã hy vọng.
Theo Siva Shanker, giám đốc điều hành của Công ty tư vấn bất động sản Rahim & Co, không có dữ liệu công khai nào về quyền sở hữu tài sản của người nước ngoài ở Malaysia, khiến mọi ước tính về nhu cầu của người Trung Quốc chỉ là phỏng đoán.
Siva Shanker không nghĩ nhà đầu tư Trung Quốc sẽ đổ xô đến Malaysia khi không có bất kỳ số liệu thống kê nào về tổng sở hữu tài sản ở nước ngoài, thậm chí khi có cũng không thể xác minh được.
Vì thế, theo giám đốc điều hành của Rahim & Co, việc người Trung Quốc mua bất động sản ở Malaysia cũng giống như cách họ mua nhà ở Anh.
Trung Quốc đang chuyển hướng đầu tư ra bên ngoài bằng cách tăng cường sự hiện diện ở Đông Nam Á, trong khi phải vật lộn với cuộc chiến thương mại và công nghệ với Hoa Kỳ cũng như sự phục hồi ở mức trung bình của nền kinh tế sau đại dịch COVID-19.
Trong khi MM2H của Malaysia được hưởng lợi từ nỗ lực tiến về phía nam của Trung Quốc, các đại lý của chương trình đã bày tỏ lo ngại rằng nó có thể không đạt được kỳ vọng do các yêu cầu nghiêm ngặt như cấm như mua tài sản bắt buộc và thu nhập hàng tháng ở nước ngoài ít nhất 40.000 ringgit.
Bất động sản không phải lĩnh vực duy nhất hưởng lợi?
Theo Paul Khong, giám đốc điều hành nhóm tư vấn tài sản quốc tế Savills Malaysia, các khoản đầu tư theo kế hoạch của Bắc Kinh, dựa trên các tuyên bố công khai về mối quan hệ kinh tế, văn hóa của lãnh đạo hai nước, mang lại triển vọng tích cực cho quyền sở hữu tài sản nước ngoài của Trung Quốc tại Malaysia.
Ông cho biết nhu cầu của Trung Quốc có thể tăng lên sau khi đặc khu kinh tế Johor của Singapore được triển khai vào cuối năm nay như dự kiến, giúp giải cứu Forest City.
Nhưng bất động sản không phải là lĩnh vực duy nhất có thể hưởng lợi.
Malaysia dự kiến đón 5 triệu khách du lịch Trung Quốc trong năm nay - vượt qua kỷ lục trước đại dịch là 3,1 triệu lượt khách Trung Quốc, với sự hỗ trợ của các thỏa thuận du lịch miễn thị thực được thực hiện cùng lễ kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao giữa hai nước.
Giáo dục đại học dự kiến cũng thu hút nhiều sự quan tâm của Trung Quốc hơn, trong đó Malaysia là một trong số những điểm đến ở châu Á chứng kiến nhu cầu tăng đột biến từ sinh viên Trung Quốc, khi họ đang tìm kiếm các lựa chọn thay thế ngoài Úc, Anh và Mỹ.
Theo dữ liệu do Công ty dự báo thị trường giáo dục quốc tế ICEF Monitor tổng hợp, năm 2022 có hơn 39.000 sinh viên Trung Quốc đăng ký vào các trường đại học Malaysia, năm 2023 có thêm 26.630 sinh viên quốc tế Trung Quốc nộp đơn đăng ký mới vào các trường đại học Malaysia.
Malaysia, hiện chiếm tỉ trọng đáng kể nhờ những lợi thế như vị trí gần, giá cả phải chăng và sự hiện diện của nhiều trường đại học được xếp hạng cao, theo một ghi chú nghiên cứu tháng 7.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận