04/08/2020 08:43 GMT+7

Dân miền Trung chủ động mỗi gia đình là một 'pháo đài' chống dịch

HỮU KHÁ
HỮU KHÁ

TTO - Cùng với nhiều biện pháp phòng chống dịch COVID-19 được chính quyền đưa ra trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh này, người dân tại nhiều địa phương đều ý thức chủ động phòng chống dịch để bảo vệ gia đình mình, cùng xã hội ngăn chặn dịch.

Dân miền Trung chủ động mỗi gia đình là một pháo đài chống dịch - Ảnh 1.

Người dân Đà Nẵng chủ động tự trang bị cho mình cách phòng dịch - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Cùng với nhiều biện pháp phòng chống dịch COVI-19 được chính quyền đưa ra trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh này, người dân tại nhiều địa phương đều ý thức chủ động phòng chống dịch để bảo vệ gia đình mình, chung tay cùng xã hội ngăn chặn dịch bệnh.

Đây là biện pháp phòng chống dịch căn cơ tại cơ sở, nhất là khi virus corona đã lây lan trong cộng đồng. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hôm qua 3-8 cũng đã nhấn mạnh chủ trương này: 

Mỗi gia đình, thôn bản, xóm làng là một "pháo đài", mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận phòng chống dịch.

"Tôi không đi ra ngoài"

Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, hầu hết người dân tại các khu dân cư ở Đà Nẵng đều chủ động chấp hành nghiêm túc, triệt để các khuyến cáo của chính quyền. 

Tại phường Thọ Quang (quận Sơn Trà), nơi có cảng cá Thọ Quang và khu công nghiệp, với cư dân đông đúc, các biện pháp chống dịch được thắt chặt, quán triệt đến từng nhà. 

Ông Võ Đình Công, chủ tịch UBND phường Thọ Quang, cho biết đã chủ động áp dụng nhiều biện pháp siết chặt giám sát cộng đồng tới tận từng khu dân cư. 

Tại các khu dân cư đều thành lập một tổ giám sát phòng chống dịch bao gồm bí thư chi bộ, tổ trưởng dân phố, ban công tác mặt trận và các hội đoàn thể.

Tổ giám sát phòng chống dịch phân công lực lượng chốt ở hai đầu các tuyến đường trong khu dân cư để kiểm soát người ra vào, đồng thời nhắc nhở người dân bỏ thói quen ra đường tập thể dục buổi sáng, hỗ trợ người dân khai báo y tế, đo thân nhiệt. 

"Tổ giám sát chống dịch này sống gần dân nên hoạt động rất hiệu quả, mọi khuyến cáo phường đều kịp thời và người dân chấp hành nghiêm túc, không ai chủ quan, lơ là" - ông Công chia sẻ.

Dân miền Trung chủ động mỗi gia đình là một pháo đài chống dịch - Ảnh 2.

Người dân tại quận Thanh Khê, Đà Nẵng nghiêm túc che chắn kín đáo trước lúc ra đường - Ảnh: TẤN LỰC

Ngay khi dịch bùng phát mạnh, phường xác định các chợ, cảng cá Thọ Quang có nguy cơ lây nhiễm cao nên yêu cầu đóng tất cả các cửa phụ ra vào chợ, mọi người chỉ được đi cổng chính. 

"Chúng tôi đã cử một tổ công tác thường trực ở cổng chợ, tất cả mọi người từ tiểu thương đến người dân khi vào chợ, cảng cá đều phải đo thân nhiệt" - ông Công nói.

Anh Phạm Văn Hải, một người dân sống trên đường Trần Quang Khải (phường Thọ Quang), cho biết do ảnh hưởng bởi dịch, vợ chồng anh đều mất việc trong khi hai con phải nghỉ học nên tất cả đều ở nhà. 

"Mấy ngày nay hai đứa con tôi nhiều lần xin phép chạy xe lòng vòng ngoài đường cho thoáng nhưng tôi nhất quyết không cho. Có việc gì rất cần kíp tôi mới ra khỏi nhà. Còn vợ tôi đi chợ một lần đủ lo cho cả gia đình ăn trong 5 ngày", anh Hải nói và khẳng định bảo vệ gia đình mình cũng là cách chung tay cùng xã hội ngăn chặn dịch bệnh.

Không riêng gia đình anh Hải, người dân ở khu phố này đều hạn chế tối đa đi ra ngoài bởi lo ngại nguy cơ lây nhiễm dịch.

"Nếu mình mắc bệnh không chỉ khổ gia đình mình mà làm đảo lộn cả khu phố thì sướng ích gì. Vì vậy chúng tôi đồng lòng, chấp nhận nhiều khó khăn, bất tiện lúc này cùng chung tay đẩy lùi dịch bệnh" - anh Hải quyết tâm.

"Mỗi gia đình phải tự ứng phó"

Khu chợ ở kiệt 112 đường Trần Cao Vân (phường Tam Thuận, quận Thanh Khê) ngày thường đông đúc người ra vào mua sắm nhưng nay vắng vẻ hơn. 

Tại khu chợ này, UBND phường Tam Thuận tổ chức một đội tuyên truyền lưu động, thường xuyên nhắc nhở người dân, tiểu thương phải giữ khoảng cách, đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay bằng nước diệt khuẩn.

Bà Nguyễn Thị Bình, một người dân sống ở gần chợ, cho biết trước đây ngày nào cũng đi chợ ít nhất một lần nhưng nay 3 ngày mới đi chợ một lần. Để tránh bị quên thứ này thứ kia, phải chạy ra chợ nhiều lần, bà Bình ghi tất cả những gì cần mua vào một tờ giấy rồi mới ra chợ. 

"Dù biết vài ngày đi chợ một lần thức ăn không tươi nhưng cả nhà đều vui vẻ, động viên nhau vượt qua dịch bệnh. Mỗi gia đình phải chủ động tự ứng phó thôi chứ không để chính quyền nhắc nhở", bà Bình nói và cho biết mỗi khi ra chợ đều đeo khẩu trang, rửa tay diệt khuẩn, không tụ tập "tám" chuyện.

Dân miền Trung chủ động mỗi gia đình là một pháo đài chống dịch - Ảnh 3.

Xe chuyên dụng của bộ đội phòng hóa phun hóa chất sát khuẩn đường phố quận Sơn Trà (Đà Nẵng) chiều 3-8 - Ảnh: TẤN LỰC

Để giám sát cộng đồng ngăn chặn dịch bệnh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đề nghị người dân đồng lòng tích cực tham gia khai báo y tế, thực hiện nghiêm túc và đầy đủ các biện pháp tự bảo vệ bản thân, gia đình mình và tham gia tích cực các hoạt động phòng chống dịch của cộng đồng. 

Khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp sử dụng các dịch vụ công trực tuyến, sử dụng dịch vụ bưu chính công trong việc gửi hồ sơ và nhận kết quả thủ tục hành chính.

"Tình hình dịch bệnh COVID-19 còn tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường. Khi chưa xác định được vết tích 6 ca vừa mắc bệnh, chúng ta có quyền nghi ngờ trong cộng đồng đâu đó còn rất nhiều, hay có những ổ dịch khác chưa truy tìm được" - ông Thơ nói. 

Vì vậy, ông Thơ kêu gọi "mỗi người dân phải là một chiến sĩ trên mặt trận phòng chống dịch bệnh, chấp hành nghiêm các yêu cầu, biện pháp phòng chống dịch, ai ở nhà nấy, không ra ngoài, trừ trường hợp đặc biệt cần thiết".

* Quảng Nam: người dân chủ động đóng cửa quán xá phòng dịch

Ghi nhận của Tuổi Trẻ tại các con đường TP Tam Kỳ (Quảng Nam) cho thấy nhiều quán cà phê, quán ăn, shop thời trang... đã dừng hoạt động buôn bán dù chưa có yêu cầu tạm dừng hoạt động.

Bà Nguyễn Thị Kim Hoàng (51 tuổi, chủ quán cà phê ở đường Trần Đại Nghĩa, Tam Kỳ) cho biết trước thông tin dịch COVID-19 đang lây lan nhanh ở Đà Nẵng và Quảng Nam, gia đình bà đã dẹp hết bàn ghế, chỉ bán mang về cho những khách quen gần nhà.

"Dù chưa có lệnh tạm dừng hoạt động, nhưng việc đóng cửa quán là một việc cần làm nhằm tránh nguy cơ lây lan dịch bệnh, cũng là nhằm bảo vệ cho bản thân, gia đình và du khách", bà Hoàng nói.

Theo bà Đoàn Thị Minh (55 tuổi, người dân phường Hòa Thuận, Tam Kỳ), gia đình bà cũng nhắc nhở con cháu tránh tụ tập đông người khi không thực sự cần thiết.

"Chỉ cần mỗi người dân ý thức, chung tay từ những việc như vậy mới mau chóng dập được dịch, không lây lan" - bà Minh khẳng định.

Theo ông Dương Văn Tuấn - chủ tịch UBND phường Hòa Thuận, địa phương đã tổ chức tuyên truyền cho người dân bằng các hình thức như xe lưu động, nhắc nhở người dân thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch, tránh tập trung đông người ở nơi công cộng.

"Chúng tôi thường xuyên kiểm tra nhiều nhưng người dân ý thức tốt lắm, ít tập trung đông người, ngồi cách xa nhau, nhiều quán xá đã chủ động đóng cửa để phòng dịch" - ông Tuấn nói.

LÊ TRUNG

quang nam -dân chống dịch (1)

Nhiều quán xá ở TP Tam Kỳ chủ động đóng cửa, treo băngrôn cổ động phòng chống dịch - Ảnh: ĐỨC TÀI

* Huế: khách vào nhà phải đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn

"Anh thông cảm, dừng trước cửa và rửa tay, đeo khẩu trang rồi mới vào nhà. Dịch bệnh phức tạp nên phải phòng tránh, bảo vệ cho nhau" - chị Phạm Thị Hiền (trú chung cư Xuân Phú, TP Huế) nói với chúng tôi trước khi mời vào nhà.

Ngay trên chiếc bàn nhỏ đặt trước cửa nhà chị Hiền là 3 chai nước rửa tay khô sát khuẩn. Chủ nhà nhanh chóng lấy một chai rồi yêu cầu những vị khách đang đứng trước cửa ngửa bàn tay ra, đổ vào đó một ít dung dịch rồi xoa đều sát khuẩn.

Theo chị Hiền, đây là cách mà nhiều hộ dân đang sống ở chung cư Xuân Phú đón khách đến chơi nhà trong trạng thái "sẵn sàng chống dịch".

"Dù một số người ban đầu thấy việc làm này hơi bất tiện một tí nhưng vì an toàn chung, chống dịch như chống giặc thôi. Khi mình giải thích rõ thì ai cũng vui vẻ chấp nhận làm theo" - chị Hiền kể.

Chị Hiền cho biết trước thông tin dịch bệnh đang ngày một phức tạp ở Đà Nẵng và các tỉnh phía Nam, chị cũng thấy bất an cho gia đình và 2 con nhỏ vì Thừa Thiên Huế nằm rất gần tâm dịch Đà Nẵng.

Dù đến sáng 3-8 Thừa Thiên Huế vẫn chưa ghi nhận ca lây nhiễm COVID-19 nào nhưng từ trước đó, chị Hiền cùng dân cư ở khu vực chung cư này đã tự đưa ra những biện pháp bảo vệ trước dịch bệnh như đến chỗ đông người phải đeo khẩu trang, hạn chế ra ngoài khi không cần thiết...

Ông Nguyễn Cao Giải, giám đốc trung tâm quản lý vận hành và cung ứng dịch vụ chung cư Xuân Phú, cho biết ban quản trị chung cư đã mua thêm và bố trí lọ dung dịch nước rửa tay khô tại nhà để xe của các tòa nhà ở tầng trệt và một số nơi đặt thang máy.

"Lực lượng bảo vệ cũng được quán triệt việc đề nghị khách đến chơi ở chung cư phải rửa tay và đo thân nhiệt", ông Giải cho biết.

NHẬT LINH

* TP.HCM: sức khỏe 8 người nhiễm COVID-19 đều ổn định

Chiều 3-8, bác sĩ Nguyễn Thành Phong - trưởng khoa nhiễm D Bệnh viện Bệnh nhiệt đới (TP.HCM) - cho biết sức khỏe 8 bệnh nhân nhiễm COVID-19 đang điều trị, cách ly tại bệnh viện này tạm ổn định.

Theo đó, bệnh nhân 449 (nam, người Mỹ) đã hết sốt, thở êm và hết ho. Bệnh nhân 450 (nữ, ngụ quận 8, từng đi nhiều nơi tại Đà Nẵng và TP.HCM) không sốt, không ho, không đau họng, không đau ngực, không khó thở, chảy nước mũi trong ít. Bệnh nhân 510 (nữ, ngụ quận 10) mệt, ho ít đàm, thở êm, phổi trong.

Bệnh nhân 517 (nữ, ngụ TP Quảng Ngãi, chuyển từ Bệnh viện Đà Nẵng đến Bệnh viện Chợ Rẫy) không sốt, ho khan ít, không khó thở, không đau ngực.

Các bệnh nhân 518 (nữ, ngụ Q.Tân Phú), 567 (nữ, ngụ Q.12) và 568 (nữ, ngụ Q.8), 589 (nam, ngụ Q.Tân Phú) đều không sốt, không ho, không khó thở.

Theo Sở Y tế TP.HCM, tính đến sáng 3-8, TP.HCM có 32.070 người từng đến Đà Nẵng trong tháng 7 đã khai báo y tế.

Trong đó, 21.260 người đã được lấy mẫu xét nghiệm COVID-19, 4.264 người có kết quả âm tính, 6 trường hợp dương tính, các trường hợp còn lại đang chờ kết quả.

X.MAI

Đà Nẵng, Quảng Nam thêm 21 ca COVID-19 mới Đà Nẵng, Quảng Nam thêm 21 ca COVID-19 mới

TTO - Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 tối 3-8 thông báo ghi nhận thêm 15 ca COVID-19 mới ở Đà Nẵng và 6 ca ở Quảng Nam, đưa tổng số ca bệnh ghi nhận cả nước lên 642.

HỮU KHÁ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên