04/09/2020 19:46 GMT+7

Đài Loan, Nhật Bản giữ tro cốt người chết bằng dịch vụ chuyên nghiệp

MINH KHÔI
MINH KHÔI

TTO - Đài Loan và Nhật Bản có những dịch vụ chuyên nghiệp để gia đình gửi gắm tro cốt người thân đã mất. Tuy nhiên, điều này cũng mang lại một số mặt trái.

Đài Loan, Nhật Bản giữ tro cốt người chết bằng dịch vụ chuyên nghiệp - Ảnh 1.

Nơi giữ tro cốt người chết ở một ngôi chùa tại Tokyo, Nhật Bản - Ảnh: REUTERS

Đài Loan: một ngăn nhỏ 6.500 USD 

Ở gần biển phía bắc của Đài Loan tọa lạc tòa tháp chứa tro cốt của 400.000 người.

Tòa tháp cao 20 tầng, có tên True Dragon, được điều hành bởi công ty dịch vụ tang lễ lớn hàng đầu thế giới Lung Yen Life Service.

Với quy mô lớn như vậy, tòa tháp là biểu tượng cho thấy dịch vụ chăm sóc tro cốt người quá cố là một ngành kinh doanh lớn ở Đài Loan, cũng như ở nhiều quốc gia châu Á khác - nơi dân số đang già nhanh và thiếu không gian cho người chết ở các đô thị.

Đài Loan, Nhật Bản giữ tro cốt người chết bằng dịch vụ chuyên nghiệp - Ảnh 2.

Để có một góc nhỏ như vậy gia đình phải chi số tiền không hề rẻ - Ảnh: QUARTZ

Để có một chỗ ở tháp True Dragon thì phải chi ra số tiền không hề nhỏ. Một ngăn nhỏ có kích thước khoảng 22 x 25 cm có giá khởi điểm khoảng 200.000 Đài tệ (6.500 USD).

Để tham khảo, mức lương trung bình hằng tháng của một công nhân ở Đài Loan vào năm 2018 là khoảng 40.000 Đài tệ.

Các ngăn phức tạp hơn có giá mắc hơn, chưa bao gồm chi phí cho các thủ tục khác như lễ tưởng niệm, lễ hỏa thiêu.

Nhưng mức phí này đổi lại thời gian lưu trữ vô thời hạn nên gia đình không phải lo lắng chuyện gia hạn hợp đồng.

Đài Loan, Nhật Bản giữ tro cốt người chết bằng dịch vụ chuyên nghiệp - Ảnh 3.

Nơi yên nghỉ sạch đẹp của người quá cố - Ảnh: QUARTZ

Bên cạnh dịch vụ gửi tro cốt, Đài Loan cũng đang chuộng mốt hỏa táng "xanh" - thân thiện với môi trường.

Hỏa táng "xanh" là chôn cất tro cốt với cây xanh, hoa hay thả ra biển, không thắp hương cũng không dựng bia.

Với lễ chôn cất bằng hoa và cây, tro cốt sẽ được chôn trong một công viên quy hoạch sẵn. Với lễ chôn cất trên biển, tro sẽ được đặt trong hộp giấy và thả trôi ra biển trên một con thuyền nhỏ.

Số người chọn dịch vụ này tăng từ 0,47% trong năm 2008 lên 4,5% (hơn 7.700 người) trong năm 2017, theo báo Taipei Times.

Nhật Bản: chứa tro cốt trong tượng Phật cũng 6.600 USD

Đài Loan, Nhật Bản giữ tro cốt người chết bằng dịch vụ chuyên nghiệp - Ảnh 4.

Nơi giữ tro cốt người quá cố ở một nghĩa trang tại Tokyo - Ảnh: REUTERS

Từ năm 2006, các ngôi chùa Phật giáo ở Nhật Bản xây dựng những ngôi mộ trang nhã làm nơi lưu giữ hài cốt của người đã khuất.

Ở trung tâm Tokyo, có một ngôi mộ bằng gỗ bề thế tên là Ruriden, lưu giữ tro cốt của hơn 2.000 người quá cố.

Bên trong có hơn 2.000 bức tượng Phật được chiếu sáng bằng đèn LED, mỗi bức tượng chứa tro của một người.

Mỗi khi gia đình quẹt thẻ an ninh để vào ngôi mộ, bức tượng chứa tro của người thân họ sẽ sáng đèn.

Mỗi bức tượng Phật có giá tới 6.600 USD và 80 USD phí duy trì hằng năm.

Đài Loan, Nhật Bản giữ tro cốt người chết bằng dịch vụ chuyên nghiệp - Ảnh 5.

Tượng Phật chứa tro cốt ở Ruriden - Ảnh: REUTERS

Từ năm 2015 thì hỏa táng đã là lựa chọn phổ biến ở Nhật so với chôn cất truyền thống. Đơn giản là vì tiết kiệm chi phí, thân thiện với môi trường và dễ thực hiện hơn.

Tuy nhiên, hình thức này cũng có mặt trái, đó là sự thờ ơ.

Những hũ tro cốt không người thân

Theo Reuters, những hũ tro cốt không người thân đang chất thành đống trên khắp Nhật Bản, làm đau đầu các nhà chức trách vì phải tìm nơi lưu trữ, đồng thời phản ánh mối quan hệ gia đình đang rạn nứt ở nước này.

Có nhiều trường hợp thân nhân từ chối tới thu nhận người thân vì việc chôn cất khá tốn kém và mất thời gian và cũng là gánh nặng đối với các thành viên trong gia đình.

Một đám tang truyền thống, gồm đồ ăn, thức uống, quà cho khách và thuê nhà sư tụng kinh có thể tốn từ 2 triệu yen (17.800 USD) trở lên. Nếu thuê dịch vụ từ công ty thì có giá từ 2.000 tới 4.000 USD, chưa kể các chi phi phát sinh.

"Khi tôi chết, dù tôi chỉ có 150.000 yen (1.340 USD), anh sẽ hỏa táng tôi và đưa tôi vào mộ của những người cùng khổ chứ? Tôi không có người thân để nhận lại tro cốt", một bức thư được để lại bởi người đàn ông 70 tuổi ở thành phố Yokosuka, phía nam Tokyo sau khi qua đời vào năm 2015.

Đài Loan, Nhật Bản giữ tro cốt người chết bằng dịch vụ chuyên nghiệp - Ảnh 6.

Nơi để tro cốt không người thân tại thành phố Yokosuka - Ảnh: NHK

Ở thành phố Yokosuka thậm chí còn có một tòa nhà dành riêng cho những hũ tro cốt không có người thân.

Tro cốt của hơn 900 người ở đây chỉ được an ủi phần nào khi mỗi năm các quan chức tới đây một lần để đặt hoa, dâng hương và cầu nguyện.

Thành phố Yokosuka cách đây 4 năm đã triển khai biện pháp giảm thiểu số lượng tro cốt không người nhận.

Theo đó, người già sống một mình sẽ được hỏi muốn tổ chức tang lễ ra sao và chôn cất ở đâu. Sau đó quan chức yêu cầu họ ký hợp đồng với dịch vụ tang lễ, do thành phố làm trung gian.

"Tôi cảm thấy rất nhẹ nhõm", Sumitaka Horiguchi, 80 tuổi, nói sau khi đăng ký dịch vụ này để đảm bảo ông được ngụ tại một ngôi chùa ở địa phương sau khi qua đời.

Tro cốt mất danh tính tại chùa Kỳ Quang 2 có xét nghiệm ADN được nữa không? Tro cốt mất danh tính tại chùa Kỳ Quang 2 có xét nghiệm ADN được nữa không?

TTO - Đây là nỗi lo lắng của nhiều gia đình có tro cốt người thân được gửi tại chùa Kỳ Quang 2 (Gò Vấp - TP.HCM), Nhiều hũ tro cốt đã gửi vào đây hàng chục năm, xương cốt được hỏa thiêu, liệu việc xét nghiệm ADN có còn chính xác?

MINH KHÔI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên