Shah bị bắt ở Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), sau đó bị dẫn độ sang Đan Mạch để ngồi tù.
Từ bác sĩ chuyển sang lĩnh vực tài chính
Tỉ phú Sanjay Shah (năm nay 54 tuổi) lớn lên tại London (Anh) trong một gia đình nhập cư gốc Ấn Độ.
Sau thời gian học ngành y tại King College và trở thành bác sĩ, cuối cùng ông nhận ra niềm đam mê y khoa thật ra là của cha mẹ ông chứ không phải của ông. Những năm sau đó, ông đánh liều bước vào ngành tài chính cực kỳ cạnh tranh ở London.
Từ một công việc cấp thấp tại Công ty kiểm toán KPMG, năm 1996 ông nhanh chóng chuyển sang Tập đoàn tài chính Merrill Lynch của Mỹ làm trong bộ phận giao dịch ở London.
Trong 12 năm (từ năm 1996 - 2008), ông đã đảm nhiệm chức vụ quản lý và giao dịch tại nhiều ngân hàng lớn như Crédit Suisse, ING và Morgan Stanley.
Công việc cuối cùng của ông ở London với vị trí trưởng bộ phận giao dịch phái sinh tại Công ty Rabobank (Hà Lan) kết thúc khi ông cùng nhiều đồng nghiệp bị sa thải trong cuộc khủng hoảng tài chính 2008 - 2009.
Năm 2009, vợ chồng ông cùng ba con chuyển nhà sang Dubai (UAE) vì mê vẻ đẹp xa hoa tráng lệ của Dubai.
Thay vì tìm công việc trong lĩnh vực tài chính toàn cầu như trước, ông quyết định thành lập Công ty quỹ phòng hộ Solo Capital và tuyển dụng đội ngũ chuyên gia tài chính làm việc tại hai văn phòng ở London và Dubai.
Không lâu sau khi gia đình ông ổn định cuộc sống mới, Nikhil (con trai út) mắc phải chứng bệnh bí ẩn. Cậu bé khó tiêu hóa thức ăn đặc và thường xuyên khó ở nên cuối cùng phải nhập viện.
Gia đình ông trở lại London tìm các bác sĩ hàng đầu. Kết quả hàng loạt xét nghiệm cho thấy con út ông mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ (ASD).
Khi sức khỏe con trai dần cải thiện, gia đình quay trở lại Dubai để tính cách điều trị lâu dài hơn.
Họ đến thăm Trung tâm điều trị tự kỷ Dubai của nhà nước và nhận thấy trung tâm đã quá tải. Ban đầu ông mua hai xe buýt nhỏ tặng trung tâm để chở bệnh nhân nghèo.
Sau đó, ông nghiên cứu các tổ chức từ thiện về bệnh tự kỷ trên thế giới rồi kêu gọi các đồng nghiệp chung tay gây quỹ nghiên cứu và nâng cao nhận thức về bệnh tự kỷ.
Một thời gian ngắn sau, ông được bầu vào hội đồng quản trị của Quỹ Nghiên cứu tự kỷ (ART) thuộc Đại học Cambridge (Anh).
Năm 2014, ông quyết định thành lập tổ chức từ thiện Autism Rocks ở Dubai nhằm khai thác sức mạnh của các ngôi sao âm nhạc để quyên góp giúp người mắc chứng tự kỷ. Buổi biểu diễn đầu tiên được tổ chức tại Café de Paris ở London với 600 người tham dự và quyên góp được 200.000 bảng.
Báo Khaleej Times (UAE) nhận xét tỉ phú Sanjay Shah là biểu tượng cho lối sống xa hoa của tầng lớp giàu có tại UAE.
Ngoài biệt thự và đội du thuyền sang trọng, ông thường xuất hiện trên trang nhất các báo cùng với dàn khách mời gồm toàn ngôi sao âm nhạc như Prince, Elton John, Snoop Dogg, Ed Sheeran.
Rồi một ngày đẹp trời, hào quang chói lòa bất ngờ tắt lịm. Cơ quan điều tra Đan Mạch xác định ông đã gian lận hoàn thuế cổ tức với số tiền khổng lồ 1,8 tỉ USD.
Sau khi nhận được lệnh bắt giữ quốc tế từ Đan Mạch, UAE đã lập một đội đặc nhiệm theo dõi hoạt động của Shah. Vào tháng 6-2022, cảnh sát Dubai đột kích bắt giữ ông. Vào ngày 6-12-2023, Shah đã bị dẫn độ từ UAE về Đan Mạch.
Tổ chức từ thiện Autism Rocks chấm dứt hoạt động vào tháng 2-2020, trong thời gian Shah bị điều tra gian lận thuế. Công ty Solo Capital cũng đã ngừng hoạt động.
Giao dịch gian lận theo kiểu "Cum-Ex"
Theo báo Le Monde, phương thức gian lận hoàn thuế cổ tức của tỉ phú Sanjay Shah thường được gọi là giao dịch "Cum-Ex".
Giao dịch này liên quan đến hoạt động bán khống cổ phiếu có (Cum) hưởng quyền cổ tức và không (Ex) hưởng quyền cổ tức giữa các bên trung gian để được hoàn thuế cổ tức.
Ví dụ ba cổ đông A, B, C nắm giữ một số cổ phiếu trong các công ty Pháp. Khi các công ty Pháp chia cổ tức, thông thường phải trích nộp từ 15 - 30% thuế cổ tức cho nhà nước và cổ đông nước ngoài được hưởng chế độ hoàn thuế. Cách thức gian lận Cum-Ex diễn ra như sau:
- Vào ngày chốt cổ đông để chia cổ tức (ngày N-2), B mua hàng loạt cổ phiếu của A và bán ngay cho C (lúc đó B chưa là chủ sở hữu cổ phiếu nên giao dịch này được gọi là bán khống).
- Sau ngày được chia cổ tức, A đề nghị được hoàn thuế cổ tức và vì là cổ đông nước ngoài nên được cơ quan thuế hoàn thuế.
- C cho rằng mình là chủ cổ phiếu vì mua cổ phiếu trước ngày chia cổ tức nên cũng làm đơn xin hoàn thuế và được cơ quan thuế hoàn thuế mà không đối chiếu.
Tóm lại, A không thu lợi, B không thu lợi, C được hoàn khoản thuế không bị trừ nên chia chác khoản hoàn thuế với B, nhà nước bị thiệt hại khoản thuế chưa thu trên thực tế.
Trong trường hợp của tỉ phú Sanjay Shah, các công ty bình phong của ông đã khai gian dối đang nắm giữ cổ phiếu của các công ty Đan Mạch để được hoàn thuế cổ tức.
Vụ gian lận này được xem là một trong những vụ lừa đảo lớn nhất lịch sử Đan Mạch. Quy mô tài chính của vụ gian lận ước tính gây thiệt hại ít nhất 55 tỉ euro trong toàn EU.
Phiên tòa đầu tiên liên quan đến vụ án Sanjay Shah khai mạc ở Đan Mạch nhằm xét xử Guenther Klar (người Anh) - nhân viên cũ của Công ty Solo Capital từ năm 2010 - 2012. Klar đào tẩu và bị dẫn độ từ Bỉ về Đan Mạch vào tháng 6-2023.
Đầu tháng 2-2024, tòa tuyên án Klar 6 năm tù về tội gian lận thuế hơn 320 triệu krone (46,7 triệu USD).
Bước ngoặt cuối cùng trong vụ án là Anthony Mark Patterson (người Anh, cánh tay phải của Shah) cuối cùng nhận tội đồng lõa gian lận thuế cổ tức. Patterson bị kết án 8 năm tù vào ngày 1-3-2024, đồng thời bị tịch thu 100 triệu krone tiền thu nhập bất chính...
300.000 trang hồ sơ vụ án
Ngày 11-3-2024, phiên tòa xét xử bị cáo đầu vụ Sanjay Shah đã khai mạc tại Glostrup (ngoại ô Copenhagen, Đan Mạch).
Do tính chất phức tạp và quy mô quốc tế cũng như nhiều khó khăn khi dẫn độ bị cáo về Đan Mạch (năm 2022 Đan Mạch mới ký thỏa thuận dẫn độ với UAE) nên phải mất gần 10 năm điều tra vụ án này mới được đưa ra tòa xét xử.
Hồ sơ vụ án dày hơn 300.000 trang. Cơ quan công tố nhận định kế hoạch gian lận thuế cổ tức của Shah rất có phương pháp và được thiết kế tốt, do đó bị cáo đã gian lận cơ quan thuế Đan Mạch hơn 9 tỉ krone (1,2 tỉ USD) tiền hoàn thuế trong thời gian từ năm 2012 - 2015.
-----------------------
Anthony "Tino" De Angelis được xem là trùm lừa đảo bậc thầy trong nông nghiệp. Chỉ cần một kho hàng thế chấp, ông đã làm rung chuyển thị trường Wall Street, lôi Công ty tài chính American Express đến bờ vực phá sản, làm bẽ mặt nhiều ngân hàng lớn và Bộ Nông nghiệp Mỹ đồng thời mở màn mô hình lừa đảo kim tự tháp (Ponzi) sau này.
Kỳ tới: Vua dầu trộn lừa 51 ngân hàng
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận