30/07/2014 10:40 GMT+7

Đà Lạt - Đô thị hoang vu

TRẦN ĐỨC TÀI
TRẦN ĐỨC TÀI

TT - “...[Dân cư sẽ được chia] những lô đất 10m2 làm nhà ở, xây dựng đứng... Bệnh viện sẽ được cấp 50m2, trong khi lò sát sinh và hội quán Hội Tam điểm mỗi cái sẽ được xây trên những lô đất cả 100.000m2.

Kỳ 1: Đà Lạt - Đứa con của tham vọng: Tương lai tưởng tượng

Wf9pnmPp.jpgPhóng to
Một dãy nhà gỗ của người Việt ở Đà Lạt khoảng năm 1925-1930 - Ảnh tư liệu

Quy hoạch mới sẽ có 83 hồ tự động rút cạn nước và có thể lập tức biến thành những vườn hoa hay rừng rậm, những cánh đồng hay đầm lầy nuôi muỗi truyền bệnh sốt rét. Trong trường hợp sau cùng, quanh hồ sẽ được trồng cây canhkina và cây khuynh diệp”.

Đó là một đoạn trích trong mục “Fausses nouvelles” (Tin bịa) của tờ Le Camly ra ngày 22-3-1924. Le Camly là tờ báo tiếng Pháp do E. Riberolles xuất bản ở Đà Lạt những năm 1922-1925.

Tiểu Pháp quốc

Du lịch trên lưng người

Báo cáo năm 1901 của sĩ quan Prosper Oden’hal thừa nhận việc chuyển hàng cung ứng cho vài người châu Âu ở Đà Lạt đồng nghĩa với “vắt kiệt nguồn trưng dụng lao động ở xứ này”.

Biên khảo của L. Constantin đăng trên tạp chí Revue Indochinoise xuất bản ở Hà Nội năm 1916 cho biết đường tiếp tế bằng lừa, ngựa lên cao nguyên Lang Bian đã không còn tồn tại từ năm 1902, và “việc vận chuyển bây giờ diễn ra trên lưng người”.

Theo Léon Garnier - quyền thị trưởng Đà Lạt những năm 1920-1926, vào thời kỳ đầu tiên, hằng tuần đều có nhiều đoàn dân phu chuyển hàng hóa lên núi, “mỗi đoàn 250 người, và cứ bốn người khiêng một bao gạo 60 cân”.

Nhưng ngay từ khi chưa hình thành đô thị, Đà Lạt đã thu hút người Pháp và châu Âu ở Đông Dương lên nghỉ mát và săn bắn.

Bà Gabrielle Eberhardt từng viết trên tờ Le Tour du Monde xuất bản ở Paris tháng 6-1908 thuật lại chuyến du lịch trên cao nguyên Lang Bian một năm trước.

Phải cần tới 50 phu khiêng kiệu và khuân vác để đưa đoàn du khách chỉ có vài người của bà ta từ Phan Rang lên được Đà Lạt.

Việc quy hoạch Đà Lạt kể từ đồ án của kiến trúc sư Ernest Hébrard năm 1923 đã gặp nhiều phản đối của báo chí đương thời.

Tờ Le Camly trước đó từng chỉ trích Hébrard lịch sự hơn khi ám chỉ rằng trên một cao nguyên bao la như Đà Lạt thời ấy thì không nên hà tiện không gian.

Trong lần công kích thứ hai qua mẩu “tin bịa”, tờ báo đã châm biếm gay gắt các ý tưởng quy hoạch của Hébrard - từ quy mô của đồ án, tính chất nguy nga của những công thự cạnh bên những lô đất tư hữu, và chủ trương chặn dòng nước tạo ra chuỗi hồ nhân tạo.

Viễn kiến về tương lai của nhà quy hoạch luôn gặp trở ngại vì những mâu thuẫn trong thực tế quản lý đô thị hiện tại và không tránh khỏi xung đột lợi ích. Trừ khi quy hoạch được thực hiện trên vùng đất hoang vu như Đà Lạt thuở ban đầu...

Thế rồi Thế chiến thứ nhất đã khiến trạm nghỉ trên núi mang tên Đà Lạt trở nên nhộn nhịp. Lữ quán Sala tiếp tục đón khách cho đến khi bị phá bỏ năm 1923.

Những chiếc tàu ngầm bắn thủy lôi của Đức rình rập những con tàu Pháp định kỳ trở về mẫu quốc đã kéo dài vô thời hạn nhiệm kỳ Đông Dương của các quan chức Pháp cùng gia đình.

Năm 1917, toàn quyền Albert Sarraut quyết định: “Chúng ta có lý do để hi vọng Đà Lạt đã được định đoạt để làm thành phố nghỉ mát cho toàn bộ Đông Dương, và thậm chí cho cả một số nước lân cận với chúng ta ở Viễn Đông”.

Đồ án của Paul Champoudry được lôi khỏi đống bụi tàng thư. Tiền của bắt đầu đổ dồn cho Đà Lạt. Với ngân sách trong tay, Jean O’Neill - tác giả của quy hoạch 1919 - bắt đầu xây dựng thành phố theo phác thảo ban đầu của Champoudry. Tưởng tượng của Champoudry sau 15 năm giờ mới bắt đầu thành hình trong thực tế.

Phần lớn tài lực được dốc vào “nước Pháp thu nhỏ” - khu vực hành chánh và cư trú cho người Âu. Vì xây dựng từ số không, những vấn đề tranh cãi về chức năng và bản sắc của Đà Lạt tương lai chỉ là dung hòa cho thích hợp các vấn đề phong cách, mức tao nhã và nét hiện đại.

Từ năm 1905, khi Đà Lạt chỉ có hơn chục căn nhà gỗ xiêu vẹo, Champoudry đã chủ trương đa dạng kiến trúc. Theo ông, “nếu ta muốn xây dựng một thành phố có tính cách độc đáo, qua các kiến trúc đa dạng... thì phải ủy thác cho nhiều kiến trúc sư khác nhau. Một kiến trúc sư duy nhất sẽ không tránh khỏi tạo ra một phong cách giống nhau đáng tiếc”.

Trong đồ án 1919, O’Neill đã chỉ thị: “Mọi ngôi nhà cho người Âu ở Đà Lạt phải có vườn bao quanh và phải được hưởng đầy đủ sự thông thoáng và quang cảnh”.

Nói cho cùng đấy mới là trọng tâm của Đà Lạt - cao nguyên bao la này cho phép có đất đai rộng, biệt thự lớn, thoát khỏi cảnh chen chúc của Hà Nội hay Sài Gòn.

Những nét chính trong viễn kiến của Champoudry hầu hết đều được O’Neill và các nhà quy hoạch sau này thực hiện. Vị trí của nhà ga, khách sạn Palace tương lai, khu làng cho người Việt bản xứ... đều được giữ nguyên. Chính O’Neill là cha đẻ của ý tưởng xây đập chặn dòng nước để khai sinh ra hồ Xuân Hương vào năm 1920.

Phận thứ dân

Dù chẳng có thị dân nào để cai trị, thị trưởng Champoudry đã đề cập đến vấn đề người Việt trong đồ án 1905: “[Trong bản đồ kèm theo,] chúng tôi chỉ đánh dấu sơ bộ những vị trí cần thiết cho dân bản xứ (thư ký, tùy phái, cu li...). Chúng tôi nghĩ tốt nhất là sẽ ấn định các vị trí này khi thành phố phát triển, bằng cách phân chia cho họ những mảnh đất có thể sử dụng”.

Trong một chuyến du thám năm 1907, bác sĩ Joseph Vassal của Viện Pasteur đã ước tính số người Việt ở Đà Lạt khoảng 70 người, hầu hết là dân bán hàng vãng lai.

Trong phúc trình sau đó vào năm 1914, Vassal phân loại dân bản xứ định cư ở đây là chừng mười lính khố xanh, vài thông ngôn và một ngôi làng của dân buôn bán.

Đồ án 1919 của O’Neill đã nhìn nhận sự quan trọng của nguồn lao động Việt Nam bằng những lời thẳng thừng: “Phải có một khu dành cho dân bản xứ làm thuê cùng gia đình họ tá túc để cung cấp nhân lực”.

Mọi quy hoạch xây dựng và mở rộng Đà Lạt của người Pháp từ năm 1920 đều đặt trên một nền tảng chung: phân biệt đối xử và kỳ thị chủng tộc.

Dù một làng người Việt đã hình thành ở gần hồ nhân tạo tương lai, cạnh các sạp chợ (khu vực ấp Ánh Sáng bây giờ), O’Neill vẫn cương quyết: “Khu vực bản xứ phải nằm cách xa hẳn khu vực của người Âu. Vì thế địa điểm đã được định sẵn ở ven suối Cam Ly, dưới hạ lưu đập chắn hồ”.

Trong công văn tháng 3-1924 gửi khâm sứ Trung kỳ Pierre Pasquier, quyền thị trưởng Léon Garnier đã nêu tính cấp bách của việc xây dựng chợ càng nhanh càng tốt vì vấn đề vệ sinh, và nhắc lại: “Trong chuyến viếng thăm Đà Lạt vừa qua cùng với kiến trúc sư Hébrard, ngài đã trực tiếp nhìn thấy sự cần thiết phải tống khứ những căn nhà của người bản xứ đang nằm ngay vị trí của ngôi chợ tương lai”.

Dân Việt luôn là những người đầu tiên chịu tác động của mọi di dời giải tỏa theo quy hoạch ở thành phố của người Pháp xây dựng cho người Pháp.

Hồ Xuân Hương sau này trở thành nguyên nhân của một thảm kịch giáng xuống thân phận người bản xứ. Một trận lũ vỡ đập chắn hồ tháng 3-1932 đã làm ngập lụt ngôi làng ở hạ lưu - 17 người chết, toàn là người Việt.

Báo cáo thuộc địa thời đó vẫn đổ lỗi cho rằng những nạn nhân “đã không chịu rời khỏi túp lều của họ kịp thời”.

__________

Kỳ tới: Người Việt lên tiếng

TRẦN ĐỨC TÀI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên