Các nhân viên bắt một con kỳ nhông khổng lồ bên ngoài một khu chợ ở Vũ Hán, Trung Quốc hồi tháng 1-2020 - Ảnh: AP
Trong cuộc phỏng vấn trên Đài CBS ngày 31-5, ông Scott Gottlieb, cựu ủy viên Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA), tiết lộ các vụ rò rỉ virus tại phòng thí nghiệm vốn không hiếm và "các rủi ro" thậm chí từng xảy ra ở Mỹ.
"Những sự cố rò rỉ kiểu này (có thể) xảy ra thường xuyên" - ông Scott Gottlieb phát biểu.
Ông Gottlieb cho rằng việc nắm được chắc chắn liệu virus có đến từ một phòng thí nghiệm hay không là điều quan trọng, giúp tăng sự chú ý của quốc tế vào các cơ sở như vậy trên thế giới.
Ngày 31-5, Tờ Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc) cho biết "nhiều nhà khoa học và nhà dịch tễ học ở Trung Quốc và hải ngoại nói rằng việc để các cơ quan tình báo dẫn dắt công tác truy tìm nguồn gốc COVID-19 là hoàn toàn vô lý, đồng thời một số nhà khoa học đang chuẩn bị một bức thư gửi tới tạp chí Science để bác giả thuyết virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm".
Tờ báo này dẫn một nguồn thạo tin nói rằng lá thư trên là để phản bác một lá thư của 18 nhà khoa học đã được đăng trên tạp chí Science, một trong những tạp chí khoa học có uy tín nhất thế giới.
Hôm 14-5, có 18 nhà khoa học đã đăng một bức thư trên tạp chí Science. Bức thư cho rằng giả thuyết virus SARS-CoV-2 rò rỉ từ phòng thí nghiệm của Trung Quốc phải được nghiên cứu sâu hơn, đồng thời kêu gọi tiến hành một "cuộc điều tra thích hợp".
Trong diễn biến liên quan, tại cuộc họp báo ngày 31-5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nói rằng nên để các nhà khoa học thực hiện công tác truy tìm nguồn gốc COVID-19, thay vì để nhân viên tình báo làm.
"Trung Quốc đã mời các chuyên gia Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tới tiến hành công tác này 2 lần, và chúng tôi kêu gọi các quốc gia khác làm điều tương tự" - ông Uông phát biểu.
Tuần trước, Tổng thống Mỹ Joe Biden yêu cầu cộng đồng tình báo Mỹ "tăng gấp đôi nỗ lực" điều tra nguồn gốc COVID-19 và ra hạn cho họ phải báo cáo lại trong vòng 90 ngày. Còn tình báo Anh tin rằng giả thuyết virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm của Trung Quốc là "khả thi".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận