29/05/2021 06:36 GMT+7

Tình báo Mỹ chia rẽ quan điểm về nguồn gốc virus corona

D.KIM THOA
D.KIM THOA

TTO - Chính quyền Tổng thống Joe Biden kêu gọi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xúc tiến giai đoạn hai điều tra về nguồn gốc COVID-19 với điều kiện các chuyên gia độc lập được tiếp cận đầy đủ với dữ liệu và mẫu nghiên cứu gốc.

Tình báo Mỹ chia rẽ quan điểm về nguồn gốc virus corona - Ảnh 1.

Các nhân viên an ninh làm nhiệm vụ bên ngoài Viện Nghiên cứu virus học Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc), trong lúc phái đoàn chuyên gia của WHO tới làm việc ngày 3-2-2021 - Ảnh: REUTERS

Phát biểu ngày 27-5 là lần thứ hai trong vài ngày qua, ông Biden hối thúc cuộc điều tra về nguồn gốc virus, qua đó "châm" thêm "mồi lửa" căng thẳng mới trong quan hệ Mỹ - Trung vốn đã nhiều sóng gió.

Thiên tai hay nhân tai?

Tổng thống Joe Biden ngày 27-5 nói ông sẽ công khai các kết quả điều tra của tình báo Mỹ sau khi nhận được. Trước đó, ông Biden ra hạn cho các cơ quan tình báo Mỹ trong 3 tháng phải trình lên báo cáo điều tra nguồn gốc đại dịch COVID-19 để biết rốt cuộc dịch bệnh này là "thiên tai" hay "nhân tai".

Báo Guardian bình luận động thái của ông Biden cho thấy bước ngoặt kịch tính so với chính sách trước nay của Nhà Trắng là dành công việc đó cho WHO.

Bày tỏ đồng thuận với tổng thống, phái đoàn Mỹ tại Liên Hiệp Quốc ở Geneva ngày 27-5 cũng phát tuyên bố cho rằng nghiên cứu điều tra đầu tiên của WHO về nguồn gốc virus corona là "chưa đầy đủ và thiếu toàn diện". 

Họ yêu cầu mở cuộc điều tra thứ hai, gồm cả điều tra tại Trung Quốc, mà theo mô tả của họ đây sẽ là cuộc điều tra đúng lúc, minh bạch, dựa trên chứng cứ.

"Điều quan trọng nhất là phía Trung Quốc phải tạo điều kiện để các chuyên gia độc lập được tiếp cận với các dữ liệu nguyên bản, đầy đủ và các mẫu nghiên cứu liên quan giúp hiểu được nguồn gốc của virus và các giai đoạn đầu đại dịch", tuyên bố nêu.

Ông Simon Manley - đại sứ Anh tại Liên Hiệp Quốc - cho rằng giai đoạn một trong điều tra của WHO về nguồn gốc COVID-9 chỉ có ý nghĩa bắt đầu quá trình và chưa phải đã kết thúc. Do đó ông Simon Manley kêu gọi tiếp tục tiến hành nghiên cứu giai đoạn hai, bao gồm cả nghiên cứu tại Trung Quốc, như khuyến nghị trong báo cáo của nhóm chuyên gia đã tới Vũ Hán.

Trong khi đó, thông qua một đại diện của Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ, Bắc Kinh ngày 27-5 bày tỏ họ ủng hộ "một nghiên cứu toàn diện về mọi ca bệnh COVID-19 đầu tiên được phát hiện trên toàn cầu và một cuộc điều tra chi tiết về các căn cứ bí mật cũng như phòng thí nghiệm sinh học trên toàn thế giới". 

Một lần nữa, Bắc Kinh cáo buộc Washington muốn chính trị hóa dịch bệnh để mưu lợi. "Họ đang coi thường khoa học, vô trách nhiệm với sinh mạng con người và gây trở ngại cho những nỗ lực phối hợp chống dịch bệnh toàn cầu" - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên ngày 27-5 lên tiếng.

Tâm điểm phòng thí nghiệm Vũ Hán

Viện Nghiên cứu virus học Vũ Hán là một cơ sở nghiên cứu có mức độ bảo mật cao chuyên nghiên cứu các mầm bệnh trong tự nhiên tiềm ẩn nguy cơ các căn bệnh mới, nguy hiểm lây sang con người. Theo Hãng tin Reuters, cơ sở này từng làm những nghiên cứu sâu rộng về các virus sinh ra từ loài dơi kể từ khi bùng lên đại dịch SARS năm 2002, cũng phát sinh từ Trung Quốc.

Viện này thu thập các vật liệu di truyền từ động vật hoang dã để phục vụ thí nghiệm khoa học. Các nhà nghiên cứu thử nghiệm với nhiều loại virus "sống" ở động vật để đo lường mức độ nhạy cảm của con người với mầm bệnh đó. Để ngăn chặn nguy cơ mầm bệnh bị rò rỉ, cơ sở nghiên cứu này được cho là đã áp dụng các tiêu chuẩn an toàn nghiêm ngặt nhất như trang phục bảo hộ cũng như hệ thống thông, lọc khí.

Tình báo Mỹ chia rẽ

Tuy nhiên, đúng như tổng thống Mỹ thừa nhận, ngay trong cộng đồng tình báo Mỹ cũng đang tồn tại sự chia rẽ quan điểm về nguồn gốc đại dịch.

Văn phòng giám đốc Tình báo quốc gia (ODNI) ngày 27-5 phát tuyên bố thừa nhận sự bất đồng đó, cho biết vẫn còn thiếu độ chắc chắn về các chứng cứ thực tế liên quan.

"Cộng đồng tình báo Mỹ hiện chưa thể biết chính xác virus gây bệnh COVID-19 đã được lây lan ban đầu ở đâu, khi nào và như thế nào, nhưng đã gom lại xung quanh hai giả thuyết: hoặc nó phát sinh tự nhiên trong quá trình con người tiếp xúc với các loài vật mang bệnh, hoặc đó là một sự cố trong phòng thí nghiệm", thông cáo của ODNI nêu. 

Thông cáo cũng cho biết dù nghiêng về giả thuyết nào thì mức độ tin tưởng của họ vẫn chỉ là "thấp hoặc trung bình", khi đa số cho rằng vẫn chưa có đủ thông tin cần thiết để đánh giá thấu đáo.

Trong khi đó, cho tới lúc này có vẻ như WHO vẫn chưa có một lộ trình rõ ràng. Trong cuộc họp thường niên với bộ trưởng y tế các nước thành viên Liên Hiệp Quốc hôm 26-5, ông Mike Ryan - người đứng đầu Chương trình Y tế khẩn cấp của WHO - nói: "Chúng tôi đã có các cuộc tham vấn không chính thức với nhiều nước thành viên về việc nên tiến hành những gì trong giai đoạn tiếp theo. Và chúng tôi sẽ tiếp tục có những cuộc thảo luận đó trong các tuần tới".

Nhóm điều tra do WHO chủ trì đã có bốn tuần làm việc trong và quanh thành phố Vũ Hán trong tháng 1 và tháng 2 năm nay. Sau đó, cùng với các nhà nghiên cứu Trung Quốc, nhóm chuyên gia quốc tế đã công bố báo cáo điều tra từ đợt làm việc này, khẳng định virus corona rất có thể đã lây lan từ dơi qua người thông qua một vật chủ trung gian khác. 

Báo cáo cũng khẳng định giả thuyết cho rằng dịch bệnh phát sinh từ một sự cố trong phòng thí nghiệm "được cho là một lộ trình cực kỳ khó xảy ra".

Tình báo Mỹ chia rẽ quan điểm về nguồn gốc virus corona - Ảnh 3.

Dữ liệu: Washington Post - Đồ họa: TẤN ĐẠT

Mỹ tuyên bố chưa thể kết luận nguồn gốc virus corona, kêu gọi điều tra độc lập Mỹ tuyên bố chưa thể kết luận nguồn gốc virus corona, kêu gọi điều tra độc lập

TTO - Nhà Trắng ngày 24-5 (giờ địa phương) cho biết vẫn chưa có đủ thông tin để kết luận nguồn gốc của virus corona, kêu gọi một cuộc điều tra độc lập về vấn đề này.

D.KIM THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên