25/04/2016 08:14 GMT+7

Cứ thế này sao mà khởi nghiệp

TRẦN HOÀNG NGÂN (giám đốc Học viện Cán bộ TP.HCM, đại biểu Quốc hội)
TRẦN HOÀNG NGÂN (giám đốc Học viện Cán bộ TP.HCM, đại biểu Quốc hội)

TTO - Ngày nghỉ cuối tuần, trò chuyện với người quản lý quán Xin Chào, dù cà phê nhiều đường nhưng vẫn thấy đắng khi người quản lý quán nói họ vẫn lo sau này phải đối mặt với cơ quan chức năng và đủ loại quy định.

Ông Nguyễn Văn Tấn, chủ quán cà phê Xin Chào, trả lời phỏng vấn của báo chí chiều 23-4 - Ảnh: Duyên Phan
Ông Nguyễn Văn Tấn, chủ quán cà phê Xin Chào, trả lời phỏng vấn của báo chí chiều 23-4 - Ảnh: Duyên Phan

Đắng là vì từ ngày 1-7-2015 Luật doanh nghiệp đã trao cho người dân quyền tự do kinh doanh, cái gì không cấm thì được làm nhưng không ít người làm ăn vẫn băn khoăn.

Sự cố vừa rồi như cú sang chấn tinh thần nặng nề cho người trong cuộc, được cộng đồng doanh nhân theo dõi. Không ai muốn, nhưng họ tự đặt câu hỏi ngày nào sẽ xảy ra với mình?

Giữa luật và cuộc sống còn khoảng cách. Khoảng trống ấy ngoài ở khâu tuyên truyền, tìm hiểu luật pháp, chắc chắn còn nằm ở một bộ phận không nhỏ cơ quan công quyền bao đời nay đã quen với cơ chế xin - cho để ban phát, trong từng công chức thừa hành nhiệm vụ...

Là đại biểu Quốc hội đã bấm nút thông qua Luật doanh nghiệp, tôi tự hỏi vì sao những ý tưởng lớn, đầy tính thuyết phục với mong muốn tạo ra tinh thần khởi nghiệp, thôi thúc mọi người làm ăn để làm giàu cho mình, giúp người xung quanh thoát nghèo, tạo thế và lực mới cho đất nước lại khó đi vào cuộc sống đến như thế?

Tại sao trở ngại cuối cùng của quyền tự do kinh doanh cũng đã được xóa bỏ, từ ngày 1-7-2016 Luật hình sự không còn tội kinh doanh trái phép, vậy mà có nơi vẫn chưa bắt kịp tinh thần mới của luật?

Những năm qua, cả nước đã quyết tâm thay đổi thể chế để mọi người làm ăn không còn phải xin xỏ, bị “hỏi thăm” vô cớ. Nhưng nếu chỉ mở ra trên chủ trương, không khéo doanh nhân hồ hởi làm ăn lại vấp phải bộ máy, những viên chức đã quen xin - cho, hoặc lạm quyền, có thể tạo ra những rủi ro pháp lý nguy hiểm rình rập doanh nhân.

Không chấp nhận để doanh nhân rơi vào hoàn cảnh như thế. Cũng không thể chấp nhận một bộ phận công chức làm khó doanh nhân.

Nếu không bỏ thói quen này thì mọi nỗ lực xây dựng môi trường kinh doanh thông thoáng, việc bỏ tội kinh doanh trái phép sẽ như dã tràng xe cát.

Đất nước còn nghèo, chúng ta đang cần người làm ăn - những chiến sĩ trong thời bình. Đội quân này đang thiếu quân số trầm trọng. Cả nước mới có 500.000 doanh nghiệp, tức 180 dân mới có một doanh nghiệp. Chúng ta đang phấn đấu để có 1 triệu doanh nghiệp, tức 90 dân/doanh nghiệp, rồi có thể cao hơn nữa. Nhưng dù có thực hiện được thì đội ngũ doanh nhân của chúng ta còn thua xa mức bình quân của các nước phát triển, họ chỉ 15 dân/doanh nghiệp.

Không có thêm doanh nghiệp, ít việc làm, đóng thuế ít đi, không có cạnh tranh, thiếu những sản phẩm “made in Vietnam” chinh phục thế giới, quốc gia cũng chẳng có được quyền lực mềm... Cứ nhìn doanh nhân Nhật, Hàn Quốc đã chinh phục người Việt như thế nào mới thấy được tầm quan trọng của việc hình thành tư duy tôn trọng quyền làm ăn của người dân.

Để mọi người có quyền tự do kinh doanh, nên đặt hai từ “Xin chào” trước cửa cơ quan công quyền, các trung tâm hỗ trợ pháp lý - cần phải thành lập để giúp doanh nhân khởi nghiệp. Từng cơ quan công quyền, từng công chức phải nghĩ đến hai từ “Xin chào” khi tiếp xúc với doanh nhân.

Thiếu hai từ đó sẽ khó bỏ tư duy xin - cho, người dân khó có được quyền tự do kinh doanh và như vậy không khéo tội kinh doanh trái phép dù được xóa trong Luật hình sự nhưng vẫn tồn tại vô hình trong cuộc sống. Như thế làm sao thúc đẩy được tinh thần quốc gia khởi nghiệp...?

TRẦN HOÀNG NGÂN (giám đốc Học viện Cán bộ TP.HCM, đại biểu Quốc hội)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên