03/03/2016 10:12 GMT+7

CSGT đâu mà ba gác, taxi... cũng hụ còi muốn rớt tim?

QUANG THẾ
QUANG THẾ

TT -  Xe cộ qua lại cả một đoạn đường dài thót cả tim gan khi nghe tiếng còi hụ của cảnh sát rú liên hồi phía sau. Ai nấy dạt ra nhường đường ưu tiên. Từ phía sau lao lên là một chiếc xe... ba bánh đi chở hàng...

Chiếc xe ba bánh này đã lắp thêm còi rú ưu tiên của xe cảnh sát trong khi chạy trên đường - Ảnh: Quang Thế
Chiếc xe ba bánh này đã lắp thêm còi rú ưu tiên của xe cảnh sát trong khi chạy trên đường - Ảnh: Quang Thế

​Gần đây tại Hà Nội, việc buôn bán còi, đèn ưu tiên diễn ra bất kể quy định pháp luật. Chỉ cần bỏ ra từ 500.000-3 triệu đồng có thể có ngay đèn, còi, ăcquy các loại. Việc quản lý lỏng lẻo mặt hàng này đang gây nhiều bức xúc cho người đi đường...

Khoảng 23g ở khu vực Hàm Cá Mập (Q.Hoàn Kiếm), mặc dù đã vắng người nhưng trên phố Đinh Tiên Hoàng hai thanh niên trên xe bán tải 29C-291.2... không ngừng bấm đèn chớp ưu tiên.

Nhái xe ưu tiên thoải mái

Điều bất ngờ là đi vào phố Cầu Gỗ được khoảng 100m thì tài xế tấp xe vào một quán ăn và cả hai thanh niên gọi rượu ra uống. Hơn một giờ sau, tài xế tiếp tục cho xe chạy với tốc độ nhanh và bấm đèn chớp liên tục để đi qua các phố nội thành...

Mỗi khi xe chạy đến các ngã tư, người đi đường phải phanh gấp, tránh vào bên đường cho xe “ưu tiên” qua.

Khoảng 20g trên đường Cầu Giấy, đường rất hẹp do đang thi công đường sắt trên cao nhưng tài xế ôtô biển số 30A-149... vẫn bấm đèn chớp ở đầu xe và đuôi xe bất chấp tắc đường, khiến người dân nhầm tưởng là xe công an đi làm nhiệm vụ nên đồng loạt tránh vào hai bên.

Hiện nay nhiều taxi cũng lắp thiết bị này để “dọn đường” đến địa điểm đón khách cho nhanh. 22g trên phố Thụy Khuê, dù đường rất đông nhưng một tài xế taxi vẫn cho đèn chớp liên hồi, rú ga vượt qua các xe giao thông cùng chiều.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, không chỉ ôtô, môtô mà hiện nay tại Hà Nội nhiều xe ba bánh hoạt động dưới dạng xe thương binh cũng lắp còi, đèn xe ưu tiên. Ngay cả một xe ba bánh trong lúc đi nhận chở hàng đã rú còi cảnh sát trên một đoạn đường dài từ Hoàng Quốc Việt tới đường Phạm Hùng (trước bến xe Mỹ Đình). Rất nhiều người đi đường bức xúc nhưng không ai dám lên tiếng...

Trong một lần xử phạt xe biển số xanh trên quốc lộ 5 cuối năm 2015, Phòng cảnh sát giao thông Hà Nội phối hợp với Cục Cảnh sát giao thông tiến hành kiểm tra, xử lý những xe lắp đặt thiết bị quyền ưu tiên trái quy định.

Một xe biển xanh hạng sang số 80A-068.8... chủ sở hữu là Công ty TNHH ĐH (ở Đông Triều, Quảng Ninh) do tài xế P.T.Đ. điều khiển chở theo một chủ doanh nghiệp đi trên quốc lộ 5 theo hướng Hải Phòng về Hà Nội.

Không chỉ vi phạm tốc độ mà trong xe còn lắp đặt cả đèn chớp ưu tiên nhưng xe biển xanh này chỉ bị ghi lại biển số để theo dõi.

“Khi đi trên đường gặp những xe có tín hiệu ưu tiên thì mình chắc chắn phải nhường đường, nhưng xe biển số trắng không có quyền ưu tiên lại cứ ép các xe khác bằng việc rú còi giống xe công vụ khiến người đi đường rất khó chịu.

Những xe nhái xe ưu tiên để đi nhanh nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn cho người đi đường” - anh Quang (ở Q.Tây Hồ, Hà Nội), một tài xế chạy xe biển xanh, bức xúc nói.

Hàng cấm bán công khai

Không khó để mua còi, đèn chớp xe ưu tiên với số lượng lớn. Câu hỏi mà nhiều người đang đặt ra là: Tại sao mặt hàng thuộc ngành nghề có điều kiện về an ninh trật tự phải được cơ quan có thẩm quyền cấp phép nhưng lại được bày bán công khai như rau ngoài chợ?

Chúng tôi tìm đến đường Hoàng Hoa Thám (gần cầu Văn Cao) để xem còi và đèn ưu tiên. Một phụ nữ tên Nga trong một cửa hàng bán quần áo nữ sau khi cho biết giá tiền từng bộ phận còi, đèn ưu tiên đã giới thiệu: “Cái này lắp vô tư, không sợ công an đâu. Nên lắp đặt trong xe để nếu không may bị kiểm tra thì tắt đi là xong”.

Một trong những đầu nậu chuyên bán hàng qua mạng tên Nam (30 tuổi, quê Bắc Ninh) cho biết anh ta cung cấp đèn, còi xe công vụ cho khách từ nhiều năm nay với đơn hàng số lượng lớn không chỉ ở Hà Nội mà nhiều tỉnh thành khác tại miền Bắc. Nam còn lập ra nhiều trang trên Facebook quảng cáo về sản phẩm này.

Nam không ngần ngại giới thiệu: “Hiện tại em đang cung cấp ba loại đèn chớp ưu tiên với giá dao động từ 400.000-1,2 triệu đồng/chiếc, ngoài ra còn có loại ở mũi xe”. Khi hỏi về nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm thì Nam thú thật là hàng Trung Quốc, khách mua vẫn được bảo hành sáu tháng nhưng không có hóa đơn.

Chúng tôi tìm đến một cửa hàng điện tử trên phố Thịnh Yên - khu vực chợ trời của quận Hai Bà Trưng. Tại đây một phụ nữ khoảng 50 tuổi, tự giới thiệu tên Mai Linh thường xuyên ngồi ở cửa ra vào để mời chào. Thấy có khách đến, bà ta lấy còi, đèn, ăcquy ra thử cho khách xem trực tiếp.

Những thiết bị bà Mai Linh mang ra đều có nhãn mác, bao bì in chữ Trung Quốc. Trong lúc thử, đã úp mặt loa của còi xuống đất nhưng âm thanh phát ra kêu to không khác tiếng còi từ xe cứu hỏa, cứu thương, xe công an đi làm nhiệm vụ khiến người đi gần ai cũng phải giật mình.

Bà Mai Linh nói: “Tin chưa. Giá rẻ, chất lượng tốt. Độ vang xa. Ngồi trong xe bóp còi này thì đố ai dám cản đường... Ở nơi khác, giá một bộ vài triệu đồng nhưng cửa hàng tôi chỉ bán chưa đến nửa triệu. Nếu mua nhiều sẽ được giảm giá”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, ở khu vực chợ trời này có đến hàng chục cửa hàng bán thiết bị phát tín hiệu ưu tiên. Khi hỏi cần mua đơn hàng với số lượng lớn, bà Mai Linh bảo: “Hàng tôi bán chuẩn nên nhiều người mua. Nếu mua nhiều thì thời gian bảo hành là ba tháng, còn mua ít thì bảo hành một tháng. Cần bao nhiêu cũng có, chỉ sợ không có sức mà mua...”.

Tại Phố Huế, bà Hoa ngoài 50 tuổi cũng là đầu nậu cung cấp còi, đèn nháy với số lượng lớn, không ngần ngại mang loa, ăcquy ra giữa vỉa hè trước cửa hàng để thử cho khách nghe. Bà Hoa có bán cả loa, còi công suất lớn điều khiển từ xa giá 1 triệu đồng/chiếc.

Tài xế Thưởng - lái xe cho một hãng taxi trên địa bàn Hà Nội - cho rằng cần phải xử lý nghiêm những xe không ưu tiên nhưng lại lắp còi, đèn ưu tiên và chế tài mạnh với những người buôn bán mà không được cấp phép. Không phải xe ưu tiên mà rú còi ưu tiên sẽ gây ức chế cho người tham gia giao thông và dễ gây tai nạn bởi công suất còi làm nhiều người giật mình.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Sau khi xem xong những clip do Tuổi Trẻ cung cấp các địa điểm buôn bán đèn, còi xe ưu tiên trái phép, ông Nguyễn Xuân Ngọc - Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội - cho rằng mặt hàng này thuộc ngành công an quản lý.

Thế nhưng luật sư Phan Thị Lam Hồng - giám đốc Công ty luật TNHH Đông Hà Nội - cho biết để các thiết bị ưu tiên buôn bán công khai không giấy phép, trách nhiệm đầu tiên thuộc về cơ quan quản lý thị trường vì đơn vị này là cơ quan chịu trách nhiệm về giám sát hoạt động sản xuất, buôn bán trên địa bàn của mình.

Đại tá Đào Vịnh Thắng, trưởng Phòng cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (Công an TP Hà Nội), cho biết trong những năm gần đây, lực lượng cảnh sát giao thông Hà Nội đã xử lý, tịch thu nhiều thiết bị ưu tiên lắp đặt sai mục đích. Ngoài những đợt kiểm tra xử phạt, tại các chốt các tổ tuần tra của cảnh sát có phát hiện cũng xử lý nghiêm.

Ông Thắng nói: “Để hạn chế sử dụng trái phép các thiết bị này cần phải có sự chung tay của nhiều cơ quan ban ngành, đặc biệt khâu quản lý trong việc nhập, sản xuất, buôn bán các thiết bị ưu tiên”.

Xử lý người buôn bán, sử dụng thiết bị ưu tiên ra sao?

Trường hợp người kinh doanh thiết bị tín hiệu của xe ưu tiên không có giấy phép về trật tự, an ninh thì bị phạt theo quy định với mức phạt tiền 5-15 triệu đồng.

Theo quy định của Luật giao thông đường bộ, cấm các xe cơ giới không được quyền ưu tiên mà sử dụng còi, cờ, đèn của xe ưu tiên. Hành vi sử dụng thiết bị còi, đèn của xe ưu tiên bị phạt tiền từ 600.000-800.000 đồng.

Xe của phường Bến Thành có đèn tín hiệu ưu tiên trên đầu xe - Ảnh: Ái Nhân
Xe của phường Bến Thành có đèn tín hiệu ưu tiên trên đầu xe - Ảnh: Ái Nhân

TP.HCM: lộn xộn xe chuyên dụng có tín hiệu ưu tiên

Tại khu vực trung tâm TP, chúng tôi ghi nhận một số ôtô chuyên dụng của phường được sử dụng để đi kiểm tra, lập lại trật tự lòng lề đường, buôn bán lấn chiếm vỉa hè... Các xe này sơn trắng, biển số xanh, có trang bị loa phát thanh, có xe gắn đèn tín hiệu ưu tiên.

Chúng tôi được biết UBND Q.1 có trang bị 10 xe chuyên dụng cho 10 UBND phường thuộc quận để phục vụ kiểm tra, chấn chỉnh trật tự đô thị. Các xe trên khi giao về các phường thì ngoài hệ thống loa phát thanh còn có hộp đèn tín hiệu ưu tiên. Khi được hỏi việc các xe được gắn đèn tín hiệu ưu tiên có đúng quy định thì được biết “xe được quận cấp, tùy từng phường mà giữ hoặc gỡ đèn tín hiệu ưu tiên...”.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, thiếu tá Hoàng Tuấn Nam - đội trưởng đội 4 Phòng cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC64) Công an TP.HCM - cho biết căn cứ theo quy định tại nghị định 109/2009, chỉ có sáu loại xe được phép trang bị và sử dụng đèn, tín hiệu ưu tiên: xe chữa cháy làm nhiệm vụ (1), xe quân đội đi làm nhiệm vụ khẩn cấp (2), xe cứu thương đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu (3), xe cảnh sát giao thông dẫn đường (4), xe công an đi làm nhiệm vụ khẩn cấp (5), xe hộ đê, xe đi làm nhiệm vụ khẩn cấp theo quy định của pháp luật (6).

Thiếu tá Nam cho biết theo quy định thì PC64 quản lý các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu, mua bán các thiết bị tín hiệu ưu tiên chuyên dụng. Hiện TP có tổng cộng chín doanh nghiệp như vậy. PC64 chưa phát hiện, xử lý trường hợp nào vi phạm sản xuất, nhập khẩu, bán thiết bị tín hiệu ưu tiên trái quy định. Các doanh nghiệp chỉ được phép bán cho tổ chức, cá nhân có giấy phép sử dụng thiết bị phát tín hiệu của xe được quyền ưu tiên do cơ quan quản lý, sử dụng xe được quyền ưu tiên cấp.

Đại tá Trần Thanh Trà - trưởng Phòng cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt (PC67) Công an TP.HCM - cho biết trong năm 2015 và đầu năm 2016, PC67 đã xử phạt 29 trường hợp xe không được quyền ưu tiên mà vẫn sử dụng còi, đèn ưu tiên khi tham gia giao thông.

ÁI NHÂN

QUANG THẾ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên