06/08/2022 13:00 GMT+7

Công viên chức nghỉ việc hàng loạt: Cần làm rõ những 'lý do không tiện nói'

PHƯƠNG THẾ NGỌC
PHƯƠNG THẾ NGỌC

TTO - Theo bạn đọc Phương Thế Ngọc, một khi những điều "không tiện nói ra" được nhìn nhận thẳng thắn và giải quyết thỏa đáng, lúc đó các cơ quan nhà nước mới thực sự là nơi để người lao động tìm đến và có những công viên chức hết lòng vì người dân.

Công viên chức nghỉ việc hàng loạt: Cần làm rõ những lý do không tiện nói - Ảnh 1.

Nhân viên y tế phường Phước Ninh, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH cho người lao động - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Nhằm góp thêm một góc nhìn, Tuổi Trẻ Online giới thiệu ý kiến này gởi đến chuyên mục Bạn đọc làm báo.

"Câu chuyện công viên chức nhiều nơi nghỉ việc trên báo Tuổi Trẻ Online nhận được sự quan tâm đặc biệt của bạn đọc. Người đứng đầu Bộ Nội vụ cũng đã "yêu cầu các bộ, ngành, địa phương làm rõ nguyên nhân dẫn đến tình trạng xin thôi việc", đồng thời đưa ra "kiến nghị, đề xuất các giải pháp để khắc phục".

Là một viên chức vừa xin nghỉ việc, tôi nghĩ nguyên nhân và giải pháp khắc phục vấn đề này không quá khó nếu chúng ta thẳng thắn nhìn nhận.

Vì sao chúng tôi nghỉ việc?

Tôi thấy rất nhiều bạn đọc bình luận trên báo Tuổi Trẻ, rằng họ nghỉ việc vì 2 lý do: (1) Lương, thưởng thấp; (2) Những lý do không tiện nói.

Trong đó lý do lương, thưởng thì có lẽ không cần phải bàn luận nhiều, mà chúng ta nên tập trung vào những lý do không tiện nói này.

Vì sao họ không nói ra? Vì sao trong các đơn xin nghỉ việc của công viên chức họ đều một mẫu chung: theo nguyện vọng cá nhân? Vậy nguyện vọng thực chất của họ là gì?

Nếu trả lời được những câu hỏi này, tôi nghĩ Bộ Nội vụ sẽ tìm ra được nguyên nhân thỏa đáng.

Cụ thể, theo tôi, có một số lý do công viên chức không tiện nói trong đơn xin nghỉ việc, nhưng chúng ta cần nói ra như sau:

Thứ nhất, nhìn ở góc độ tổng thể, nền kinh tế chúng ta hiện nay đã bao gồm nhiều thành phần - tức là kinh tế nhà nước không còn là sự lựa chọn số một. Trong khi khu vực kinh tế tư nhân ngày càng phát triển mạnh, thay đổi chính sách năng động, sẵn sàng cạnh tranh trong việc tuyển dụng và trọng thị nhân lực thì dường như khối kinh tế nhà nước vẫn đứng im.

Cụ thể, ở khu vực nhà nước hiện nay không có nhu cầu tuyển dụng, trái lại đang siết chặt (như cắt giảm biên chế) khiến cho người lao động khi nhìn tương lai xa họ không mặn mà.

Ví dụ, người lao động sẽ đặt ra câu hỏi 5 hay 10 năm nữa mình sẽ trở thành ai? Và khi đặt ra trong môi trường nhà nước họ thấy tương lai mờ mịt. Còn ở khối tư nhân, họ có lộ trình rõ ràng hơn, minh bạch hơn.

Thứ hai, tôi muốn nhấn mạnh những lý do không tiện nói trong đơn xin nghỉ việc, đó là ngoài lương, thưởng không xứng đáng thì họ chịu một số áp lực sau: Môi trường làm việc thiếu tính chuyên nghiệp và sáng tạo; Công viên chức ít được chủ động về chuyên môn; Nạn bè phái, mất đoàn kết, đấu đá nội bộ xoay quanh hai chữ "nhất quan hệ".

Tôi xin kể câu chuyện của một người bạn tôi (từng làm ở cơ quan nhà nước, giờ đã nghỉ việc). Anh kể, một lần sếp anh hỏi:

- Chú biết uống rượu không?

- Dạ, không.

- Chú biết rót ly không?

- Dạ, không.

- Vậy chú muôn đời làm lính.

Câu chuyện đó không cần bàn luận thêm mà ai đọc cũng hiểu hoàn cảnh "rất quen thuộc" này: Môi trường làm việc rất thiếu chuyên nghiệp, ở đây không trọng chuyên môn, chỉ trọng cách "quan hệ". Có lẽ vì thế mà trên báo Tuổi Trẻ từng đăng câu chuyện "dở khóc dở cười": Một doanh nghiệp nhà nước tổ chức cho nhân viên "thi uống rượu giỏi"!

Hay việc công viên chức ít được chủ động về chuyên môn như ở cơ quan nhà nước người đứng đầu khi đã "kết luận" là công nhân viên chức chỉ biết chấp hành, không phản biện, không dám tranh luận.

Thực tế, tôi cũng từng chứng kiến một trường hợp đứng lên phản biện lại sếp của mình. Nhưng chỉ đúng một lần duy nhất, vì lần đó cả hội trường nhìn anh như "người ngoài hành tinh". Chính điều này khiến cho người lao động có lòng tự trọng phải nản!

Thứ ba, tôi nghĩ lý do nằm ở "thời thế thay đổi", bây giờ khái niệm "công việc ổn định" trong cơ quan nhà nước không còn phù hợp. Hay nói cách khác, người lao động chấp nhận sự bất định nhiều hơn, họ sẵn sàng phiêu lưu để thử thách chính mình hơn là ngồi một nơi dù công việc rất nhàn.

Hãy xem là một tín hiệu tích cực

Có lẽ chúng ta nên nhìn nhận chuyện công viên chức nhiều nơi nghỉ việc như một tín hiệu tích cực. Vì các lý do như sau:

Thứ nhất, việc người lao động dù chuyển từ công sang tư hay tự tìm một bến đỗ mới thì họ vẫn là những người lao động cống hiến trực tiếp cho nền kinh tế. Dù họ sẽ làm nhiều công việc khác nhau nhưng suy cho cùng họ vẫn là một thành phần quan trọng trong mắt xích nước nhà.

Thứ hai, sự dịch chuyển này sẽ đem lại sự cạnh tranh cho chính người lao động và chính cơ quan nhà nước. Với người lao động khi nghỉ việc nhà nước họ sẽ phải tìm kiếm một động lực ở một nơi làm việc mới, họ phải cải tiến lại chính mình trong thời đại mà ngày càng nhiều công việc mới, kỹ năng mới ra đời.

Với cơ quan nhà nước, sự cạnh tranh này đòi hỏi phải cải cách nhiều hơn nữa về môi trường làm việc, về công tác nhân sự. Làm sao để môi trường nhà nước là nơi họ làm việc phù hợp với chuyên môn, với cá tính và phát huy được sự sáng tạo là một thách thức đặt ra lúc này. Nói cách khác, đây là một tín hiệu cần thiết để các cơ quan nhà nước "bừng tỉnh" để thay đổi.

Và cuối cùng, qua câu chuyện công viên chức nghỉ việc, Bộ Nội vụ cũng nên làm sao để các cơ quan nhà nước trở nên gọn nhẹ, hiệu quả hơn.

Làm sao để những điều không tiện nói ra được nhìn nhận thẳng thắn và giải quyết thỏa đáng. Làm sao để các cơ quan nhà nước thực sự là nơi có những công viên chức tâm huyết hết lòng phục vụ người dân".

Theo bạn, ngoài nguyên nhân lương không đủ sống, chế độ ưu đãi không cao, còn lý do nào khác khiến hàng loạt cán bộ, viên chức nhà nước xin nghỉ việc hàng loạt?

Mọi phản ảnh, góp ý, hiến kế... kính mời bạn gởi đến Tuổi Trẻ Online qua phần BÌNH LUẬN dưới bài viết hoặc địa chỉ email: tto@tuoitre.com.vn và dandt@tuoitre.com.vn. Cảm ơn bạn!

Cán bộ khắp nơi nghỉ việc không chỉ ngành y, Bộ Nội vụ đề nghị báo cáo Cán bộ khắp nơi nghỉ việc không chỉ ngành y, Bộ Nội vụ đề nghị báo cáo

TTO - Trước thực trạng khoảng 9.000 nhân viên y tế xin nghỉ việc trong 6 tháng đầu năm, Bộ Nội vụ vừa có văn bản yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương, địa phương báo cáo tình hình cán bộ, công chức, viên chức nghỉ thôi việc.

PHƯƠNG THẾ NGỌC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên