
Công nhân làm việc tại nhà máy ở Bình Dương - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Để có thể có một lực lượng doanh nghiệp trong nước vừa đông vừa mạnh, trở thành lực lượng tiên phong như các nước đã thành công, Việt Nam cần giải quyết thách thức về "công thức ba phần": nỗi sợ của các doanh nhân, nỗi sợ của cán bộ công chức và lựa chọn được mức độ có làm - có hưởng một cách hợp lý.
Để có thể biến nguồn lực của xã hội thành của cải cần phải có tinh thần doanh nhân (entrepreneurship) của các doanh nhân và của các cán bộ công chức mà chúng ta hay gọi là tinh thần dám nghĩ, dám làm là một trong những nơi tốt nhất thế giới để các doanh nghiệp làm ăn.
Môi trường kinh doanh, thủ tục thông thoáng là điều hay được nhắc tới.
Tuy nhiên có một điều hết sức quan trọng luôn tồn tại là sự "bắt tay" giữa những người có quyền thế trong khu vực công và các doanh nhân.
Ngày nay Mỹ đã thể chế hóa việc đóng góp của các doanh nghiệp cho việc tranh cử và các chương trình của các chính trị gia.
Tuy nhiên bản chất của nó không khác việc lại quả trong kỷ nguyên tham nhũng (Gilded Age) từ cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20 của nước này.
Các doanh nhân và những người có quyền thế trong khu vực công cùng hợp tác để tạo ra của cải mà nó được chia làm ba phần gồm: phần cho các doanh nhân, phần cho các quan chức và phần cho cả xã hội.
Điều cần lưu ý là tăng trưởng GDP thực trong giai đoạn 1870-1899 của Mỹ ở mức 4,59%/năm thuộc nhóm cao nhất thế giới lúc đó và là một trong những giai đoạn tăng trưởng thần kỳ của nước này.
Sự hợp tác giữa các doanh nhân và những người có quyền thế trong khu vực công là điều tất yếu trong tất cả các xã hội.
Trong kỷ nguyên vươn mình của Hàn Quốc, ông Park Chung Hee là một ngoại lệ vì gần như không có tai tiếng gì về tham nhũng.
Còn lại tất cả các tổng thống khác đều vướng tai tiếng và có người đã bị truy tố khi ở ngôi cao mà điển hình chính là con gái của Park Chung Hee.
Điều lưu ý là sự thành công của Hàn Quốc là sự phối hợp giữa các doanh nhân và các quan chức nhà nước để làm ra những sản phẩm có khả năng cạnh tranh quốc tế.
Công thức thành công của Trung Quốc cũng không khác so với Mỹ và Hàn Quốc. Sự hợp tác giữa doanh nhân và quan chức để tạo ra của cải và được chia làm ba phần.
Tuy nhiên tham nhũng ở Trung Quốc đã bị đẩy đi quá xa và chiến dịch chống tham nhũng đã được tiến hành. Tinh thần dám nghĩ, dám làm của đội ngũ công chức đã bị ảnh hưởng rất nhiều ở Trung Quốc.
Thêm vào đó, việc "đánh" các doanh nghiệp tư nhân mấy năm gần đây đã gây ra những tác động rất lớn cho khối này nói riêng, kinh tế Trung Quốc nói chung.
Hợp tác giữa các doanh nhân và những người có quyền thế trong khu vực công là tất yếu. Tuy nhiên điều này sẽ tổn hại đến tương lai quốc gia khi sự bắt tay chỉ là để vơ vét và phần xã hội được hưởng rất ít, thậm chí là âm.
Năng lực cạnh tranh của nền kinh tế kém, các doanh nghiệp không thể vươn ra bên ngoài. Rất nhiều nước trên thế giới rơi vào tình trạng này và không thể phát triển.
Trở lại Việt Nam, sự hợp tác giữa doanh nhân và quan chức là một nhân tố quan trọng tạo ra sự thần kỳ trong tăng trưởng của gần bốn thập niên Đổi mới.
Tuy nhiên trong bối cảnh hiện nay điều cần thiết là tinh thần nghĩ lớn, dám vươn ra, cạnh tranh quốc tế và khả năng hiện thực nó.
Cạnh tranh quốc tế là then chốt vì nguồn lực phải được sử dụng hiệu quả và giảm thiểu những tác động tiêu cực của sự hợp tác giữa những người có quyền thế và doanh nhân.
Để có được điều này, việc trước tiên là làm cho cả doanh nhân và quan chức bớt sợ, dám nghĩ, dám làm. Vấn đề tiếp theo là cơ chế giám sát của cả xã hội để giảm thiểu sự làm bậy của sự hợp tác này.
Như vậy các thể chế chính thức và phi chính thức phải tạo hành lang cho việc này. Khi đó xã hội sẽ cùng biết hay cảm nhận được việc hợp tác giữa quan chức và doanh nhân là vì sự phát triển chung của xã hội hay là các quan hệ thân hữu, lợi ích nhóm làm tổn hại đến lợi ích chung.
Giảm thiểu tham nhũng và trở thành nước phát triển là đích đến của Việt Nam. Tuy nhiên sẽ khó thành công nếu đội ngũ có nhiều cán bộ công chức chỉ tận tâm làm việc chung mà không nghĩ đến lợi ích riêng ở mức độ phát triển hiện nay. Do vậy điều Việt Nam cần làm là có sự hài hòa cho "công thức ba phần" trên.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận