23/07/2019 19:07 GMT+7

Công nghiệp dạy hè siêu lợi nhuận ở Trung Quốc

NGUYÊN HẠNH
NGUYÊN HẠNH

TTO - Các nền tảng dạy kèm trực tuyến đang cạnh tranh khốc liệt cho một mùa hè không vui chơi của trẻ em Trung Quốc. Biên lợi nhuận của ngành này nằm khoảng 50-70% và tiềm năng thị trường ước tính khoảng 15 tỉ USD.

Công nghiệp dạy hè siêu lợi nhuận ở Trung Quốc - Ảnh 1.

Học sinh tại một lớp học ở Bắc Kinh, Trung Quốc - Ảnh: REUTERS

Theo báo Nikkei Asia Review, đứng đầu cuộc đua này là các tập đoàn giáo dục TAL Education Group, Yuanfudao và Zuoyebang. 

Đây là ba "ông trùm" đã đổ hàng trăm triệu nhân dân tệ (NDT) vào tiền quảng cáo cho các khóa học mùa hè của họ, đó là chưa kể khoản chi 10 triệu NDT (tương đương 1,45 triệu USD) hằng ngày cho việc chạy quảng cáo.

Từ các trang mạng xã hội phổ biến như WeChat và Tiktok, cho đến quảng cáo truyền hình đều tràn ngập thông tin về các khóa học mùa hè. 

Không dừng lại ở đó, các nền tảng dạy kèm trực tuyến lớn còn dán quảng cáo khắp các phương tiện công cộng hay biển hiệu ngoài trời.

Tất cả chỉ nhằm thu hút khoảng 10% trẻ em, thuộc nhóm đối tượng mục tiêu cho những khóa học của họ.

Các chuyên gia phân tích cho biết ngành công nghiệp dạy kèm trực tuyến ở Trung Quốc lớn đến mức có thể coi như một lĩnh vực khởi nghiệp "siêu kỳ lân", với tổng giá trị tiềm năng tới hơn 100 tỉ NDT (khoảng 15 tỉ USD).

Số liệu từ Bộ Giáo dục Trung Quốc cho thấy nước này hiện có khoảng 200 triệu trẻ em thuộc độ tuổi từ 5 tới 17. Như vậy, với mục tiêu 10% nêu trên, ngành dạy kèm trực tuyến có ít nhất 20 triệu khách hàng tiềm năng.

Công nghiệp dạy hè siêu lợi nhuận ở Trung Quốc - Ảnh 2.

Các học sinh từ 5 tới 17 tuổi đều nằm trong nhóm khách hàng mục tiêu của các nền tảng dạy kèm trực tuyến - Ảnh: AFP

Theo tính toán của Nikkei Asian Review, một cặp phụ huynh Trung Quốc sẽ phải trả 4.500 NDT (khoảng 650 USD) để con đến học các lớp dạy kèm.

Theo một chuyên gia trong ngành, việc học nhóm là mô hình lý tưởng nhất của các khóa học trực tuyến, nếu tính về khả năng sinh lời và ổn định tài chính cho doanh nghiệp. 

Biên lợi nhuận của ngành này nằm khoảng 50-70%, tỉ lệ chi phí trên lợi nhuận thấp và quy mô kinh tế có thể biến lĩnh vực dạy kèm thành con gà đẻ trứng vàng.

Tuy nhiên, việc đổ tiền vào quảng cáo đang khiến lợi nhuận trong ngành ngày càng khó kiếm.

"Đối với những công ty cung cấp dịch vụ dạy kèm, sự phát triển của các nền tảng học nhóm là một cú sốc. Chi phí để lôi kéo khách hàng tăng gấp đôi liên tiếp 2 tháng qua", một giám đốc điều hành trong lĩnh vực trả lời phỏng vấn của báo Nikkei Asian Review.

Vị giám đốc này cũng cho biết nhiều đối thủ của ông đã bị đá văng cũng vì nguyên nhân trên.

Đối với các công ty dạy kèm trực tuyến, các chuyên gia cho rằng thay vì vung tiền để cạnh tranh ở thành phố lớn, việc tìm đến các đô thị nhỏ sẽ là hướng giải quyết trong thời buổi cạnh tranh căng thẳng này.

Tìm gia sư bằng ứng dụng công nghệ Tìm gia sư bằng ứng dụng công nghệ

TTO - Chỉ với chiếc smartphone, không cần phải ra đường và mất nhiều thời gian, phụ huynh lẫn gia sư vẫn có thể tương tác cùng nhau như: sắp lịch, chọn chương trình học tốt nhất… cho con em mình.

NGUYÊN HẠNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên