01/11/2019 09:07 GMT+7

Con đường chết chóc tìm 'miền đất hứa' - Kỳ cuối: Các thủ đoạn đưa người vượt biên

HOÀNG DUY LONG
HOÀNG DUY LONG

TTO - 17 đối tượng trong đường dây đưa người vượt biên lậu sang Anh ở vùng Hauts-de-France (Pháp) đã bị bắt cuối tháng 6-2019.

Con đường chết chóc tìm miền đất hứa - Kỳ cuối: Các thủ đoạn đưa người vượt biên - Ảnh 1.

Lao động nhập cư Trung Quốc trình giấy tờ khi cảnh sát truy quét ở Primorye, Nga - Ảnh: asialyst.com

Cảnh sát nhiều nước châu Âu phối hợp Tổ chức Cảnh sát châu Âu (Europol) và Tổ chức Tư pháp châu Âu (Eurojust) điều tra. Các tài xế làm việc cho công ty vận tải Romania rước người vượt biên ở Pháp, Bỉ và Hà Lan...

Ba cách đưa người vượt biên

"Khách" trốn trong xe đi từ Bỉ rồi xuống tàu sang cảng Hall, Anh. 17 tên bị bắt gồm tên chủ mưu cùng 15 đồng bọn và tài xế ở Romania, Anh, Pháp. 

Đường dây này đã thực hiện 259 chuyến, trong đó 167 chuyến thành công và 92 chuyến thất bại. 327 "khách" đi trót lọt sang Anh, 140 người bị chặn ở biên giới. Bọn đưa người bỏ túi gần 3,6 triệu euro.

Cơ quan Phòng chống ma túy và tội phạm của Liên Hiệp Quốc (UNODC) dẫn nghiên cứu của Viện Nghiên cứu di cư và chủng tộc (Đại học Amsterdam ở Hà Lan) và Diễn đàn châu Âu về nghiên cứu di cư châu Âu (Đại học Bamberg ở Đức) phân tích có ba cách đưa người di cư trái phép.

Cách thứ nhất đưa người theo kiểu ứng biến. Người di cư tự đi theo đường hợp pháp bằng phương tiện giao thông công cộng đến địa điểm nào đó trong hành trình. Đến nơi, do không có giấy tờ nhập cảnh hợp pháp vào quốc gia đến hay quá cảnh, họ cần tìm bọn đưa người để bố trí nhập cảnh. 

Người di cư cách này thường là dân Đông Âu ít học và ít tiền. Chuyến đi không được tổ chức trước. Bọn đưa người chỉ đáp ứng dịch vụ ở vài công đoạn và thường xảy ra ở biên giới Mỹ - Mexico, Iran - Thổ Nhĩ Kỳ, Ý - Slovenia.

Cách thứ hai sử dụng giấy tờ giả như visa để nhập cảnh hoặc lưu trú bất hợp pháp, hộ chiếu giả, kết hôn giả. Người di cư không quen biết với bọn đưa người, nhận visa xong đi luôn mà không cần chúng trợ giúp. Người di cư có tiền thường đi theo cách này. Bọn đưa người phải bôi trơn nhân viên nhà nước ăn hối lộ để có giấy tờ giả.

Cách thứ ba là đưa người theo kế hoạch chuẩn bị trước từng chặng. Đây là cách phổ biến, thường được bọn đưa người từ Nam Á sang Tây Âu. Các "điều phối viên" (gồm nhiều cá nhân độc lập có liên lạc chặt chẽ với nhau) bàn tính chuyến đi và trả tiền cho các "nhà cung cấp dịch vụ địa phương" là công dân của quốc gia quá cảnh.

Mỗi chặng còn có "điều phối viên" địa phương lo liệu. Nếu đi theo cách này ở khu vực không có khủng hoảng, có hai trường hợp xảy ra. Nếu người di cư đi đoàn tụ gia đình, bọn đưa người sẽ chờ ở quốc gia đến và từ đây chỉ đạo chuyến đi. Nếu người di cư không có liên hệ trước ở quốc gia đến, bọn đưa người cầm tiền trước và người đi dễ trở thành nạn nhân buôn người.

Nếu cách thứ ba được tổ chức ở khu vực khủng hoảng như có chiến tranh, người di cư thường có người quen ở nước ngoài, tiền bạc rủng rỉnh và đi cả gia đình. Nhà nghiên cứu Matthias Neske (Đức) nhận định không có ông trùm chủ trì toàn bộ chuyến vượt biên dài hàng ngàn kilômet vì rất bất lợi và chi phí cao.

Con đường chết chóc tìm miền đất hứa - Kỳ cuối: Các thủ đoạn đưa người vượt biên - Ảnh 2.

Ngày 20-6-2019, tòa phúc thẩm ở Hungary tuyên án tù chung thân đối với Samsoor Lahoo người Afghanistan và đồng phạm trong vụ án 71 người di cư chết trong xe tải đông lạnh năm 2015 - Ảnh: NTB SCANPIX

Vay tiền để đi vượt biên

Giáo sư - tiến sĩ Dina Siegel-Rozenblit ở Đại học Utrecht (Hà Lan) ghi nhận giới nghiên cứu chưa đồng thuận khi đánh giá bản chất hoạt động đưa người di cư trái phép Trung Quốc, song mọi người đều không thể phủ nhận chuyện dân di cư Trung Quốc vay nợ để đi nhưng thu nhập tại quốc gia đến thấp nên dễ bị lợi dụng.

Báo cáo công bố vào tháng 7-2018, UNODC đánh giá mỗi năm có gần 36.000 người Trung Quốc vào châu Âu và 12.000 người vào Mỹ trái phép. Di dân Trung Quốc đến Tây Âu chủ yếu theo hai tuyến. Tuyến đầu tiên qua Nga, các nước Baltic hoặc Đông Âu. Tuyến thứ hai qua Thổ Nhĩ Kỳ hoặc Balkan. 

Phổ biến là đi máy bay ở chặng đầu rồi chuyển sang đường bộ, đi ôtô, xe tải hoặc tàu hỏa. Ở mỗi chặng có nhiều nhóm đưa người khác hỗ trợ. Ví dụ bọn đưa người Czech và Đức có cơ sở ở Belgrade (Serbia) có thể đón tiếp, cung cấp thông tin và giấy tờ giả cho chặng kế tiếp.

Tiến sĩ Daniel Silverstone, giám đốc Trường Nghiên cứu tư pháp thuộc Đại học John Moores Liverpool (Anh), ghi nhận hiện bọn đưa người Trung Quốc đã bỏ cách đi bằng xe tải sang châu Âu mà tập trung cung cấp giấy tờ giả hoặc giấy tờ bị đánh cắp để lấy visa đi các nước trong khối Schengen như Cyprus hoặc Latvia rồi từ đó sang Anh. Các nước này kiểm tra visa thoáng hơn và đi Anh từ các nước này dễ hơn.

Theo tiến sĩ Virginie Guiraudon - giám đốc nghiên cứu Trung tâm Nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp (CNRS), bọn đưa người Trung Quốc hoạt động rất tổ chức. Các nhóm "đầu rắn" Trung Quốc hoạt động theo kiểu vay nợ. Người đi vay tiền, sau đó làm quần quật nhiều năm trả tiền cho bọn cho vay nặng lãi.

Họ và gia đình ở Trung Quốc có thể bị hăm dọa. Bà giải thích: "Hệ thống Trung Quốc khác hệ thống đưa người Địa Trung Hải (đưa tiền trực tiếp). Đây là mạng lưới rất tổ chức, một mạng lưới tội phạm với nhiều trạm trung chuyển trên hành trình quốc tế". Bà nhận xét: "Hiện tượng di cư Trung Quốc hiếm khi phơi bày công khai và mọi người chỉ nhận ra khi xảy ra thảm kịch".

Theo tiến sĩ Daniel Silverstone, bọn đưa người Trung Quốc nổi tiếng với tên gọi là "đầu rắn". Chủ yếu đó là các nhóm làm ăn nhỏ câu kết với nhau để giúp nhau đưa người vượt biên. Nói chung chúng không phải là bọn tội phạm có tổ chức chuyên nghiệp hay bọn Tam hoàng, và chúng tránh né các loại hình tội phạm nghiêm trọng như buôn ma túy, buôn vũ khí.

Dù vậy, cách thức làm ăn của bọn đưa người Trung Quốc ngày càng nguy hiểm. Từ năm 2016, Anh đã xếp Trung Quốc đứng thứ tư trong danh sách các nước có nạn nhân buôn người. Giữa năm 2017-2018, số nạn nhân đến từ Trung Quốc tăng đột ngột 54%. 

Nạn nhân bị bóc lột tình dục, làm nô lệ hoặc buôn người thời hiện đại. Nhiều báo cáo ghi nhận các băng nhóm tội phạm có tổ chức Trung Quốc ở Anh kinh doanh tình dục hoặc rửa tiền. Do Trung Quốc còn giữ án tử hình nên Anh không thể chia sẻ thông tin tội phạm.

Di dân lậu gốc Á chịu nhiều nguy hiểm

Báo cáo "Giữa hai màn lửa" do Tổ chức Di cư quốc tế (IMO) phối hợp với Chính phủ Anh công bố tháng 3-2019 đã cho thấy bức tranh toàn cảnh con đường vào xứ sương mù với điểm xuất phát từ Trung Quốc, Albania và Nigeria.

Trong đó, hành trình người gốc Á gian truân, hiểm nguy hơn cả mà sức khỏe yếu nhất. Họ có thể bị cưỡng hiếp trên đường đi, thậm chí không bao giờ đến được Anh và kết thúc cuộc đời ở nơi nào đó tại châu Âu.

Ranh giới giữa "khách hàng" của bọn tổ chức vượt biên và "nạn nhân bọn buôn người" rất mỏng manh. Vì họ có thể trả tiền bước đầu để đi, nhưng khi đến được đích họ bị đẩy vào trồng cần sa hay nhà thổ, bị bóc lột lao động để trả lại số tiền còn thiếu.

Kể từ năm 2015, Anh đã có luật chống nô lệ hiện đại và bảo vệ nạn nhân buôn người. Vấn đề thực tế là nhiều người không nhận thức được họ là "nạn nhân" mà cho rằng việc phải lao động cực khổ để trả lại tiền là điều hiển nhiên.

DUY LINH

Con đường chết chóc tìm miền đất hứa  - Kỳ 4: Vỡ mộng ở Anh Con đường chết chóc tìm miền đất hứa - Kỳ 4: Vỡ mộng ở Anh

TTO - Xã hội đa văn hóa và dễ tìm việc, dễ dàng xin tị nạn... 'miền đất hứa' nước Anh thật ra chỉ là ảo tưởng.

HOÀNG DUY LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên