"Cô ơi, em có điều muốn nói" - Rất nhiều lần những tin nhắn giữa khuya của em Hồ Thị Huệ và Hồ Thị Giang (lớp 11 Trường THPT Trà Bồng) gửi đến cô giáo cũ của mình là Nguyễn Thị Bích Thảo (giáo viên Trường phổ thông Dân tộc bán trú THCS Trà Sơn) chỉ với nội dung như vậy. Rồi cô Thảo phải gọi lại trong sự lo lắng, khi bên kia đầu dây học trò cứ ấp úng.
Cô Thảo và tập thể giáo viên Trường THCS Trà Sơn nhiều năm qua là "chốt chặn yêu thương", dang rộng vòng tay với hai học sinh có số phận bi thương. Câu chuyện cô trò ấy thật sự là hiện thân của sự bao dung chở che của những người dạy chữ trên non.
Chuyện của Giang và Huệ
Buổi trưa, trời đổ nắng to, cô Thảo bỏ túi quần áo lớn lên chiếc xe máy rồi phóng thẳng lên con dốc cao ngút để đến nhà Giang.
Căn nhà cuối cùng giáp với rừng là nơi Giang sống. Người cha bị câm đang dọn rẫy thuê, còn mẹ đang vật lộn với từng khúc gỗ keo trên núi cao. Giang là chị cả, ở nhà vừa chăm hai em nhỏ vừa lo nấu cám heo.
Thấy cô Thảo đến, Giang mừng rỡ chạy từ phía sau nhà vào, lễ phép chào. Giang bị bệnh lupus ban đỏ, bệnh phát hiện từ khi học lớp 6 và các thầy cô Trường THCS Trà Sơn chung tay chăm lo từng viên thuốc. Đầu năm học mới 2020 - 2021, Giang tái phát đợt cấp, nhà cũng chẳng còn tiền để nhập viện.
Cô Thảo lúc đó là giáo viên chủ nhiệm đứng ra kêu gọi giúp trò. Giang có tiền nhập viện, vật lộn cả tháng trời ở Đà Nẵng, Giang xuất viện trở về trong vòng tay yêu thương của cả trường.
Trải qua những đợt cấp, Giang đã sợ hãi căn bệnh hiếm này, cô bé đồng bào Cor không còn dám ra nắng.
Giang tâm sự: "Cha em bị câm điếc, mẹ em sức khỏe yếu. Nhà em nghèo lắm, bao nhiêu lần đi viện đều được các thầy cô cho tiền. Em không dám ra nắng, sợ bệnh trở nặng lại khổ các cô".
Chúng tôi biết sự bao bọc của thầy cô Trường THCS Trà Sơn từ nhiều năm trước, nhưng thật sự không ngờ đến giờ Giang bước vào lớp 11, thầy cô ở trường cũ vẫn bên cạnh. Người thân thuộc tâm sự với Giang mỗi ngày chính là cô Thảo.
Cách đây một tháng, cô Thảo đầy tâm trạng khi nhắc đến bệnh tình của trò. Giang hết tuổi khám và nhận thuốc ở Bệnh viện Sản Nhi Đà Nẵng, phải chuyển sang Bệnh viện Đà Nẵng khám.
Căn bệnh nhà giàu Giang mang tiền thuốc quá sức với gia đình, nhà trường. "Trước kia khám, nhận thuốc ở Bệnh viện Sản Nhi còn đỡ. Giờ mỗi lần khám xong, Giang phải mua thuốc đặc trị gần 4 triệu đồng để uống trong một tháng. Chẳng biết lấy đâu ra tiền", cô Thảo nói.
Còn Huệ sống cuộc đời cô quạnh, người mẹ tàn tật qua đời từ khi Huệ bước vào lớp 5, đến năm lớp 9 anh trai cũng đột ngột mất. Huệ chơ vơ, sống dựa vào ông bà ngoại, rồi năm học lớp 10 ông ngoại cũng không còn.
Những cú sốc liên tục đến, bà ngoại Huệ yếu hẳn, không làm được việc gì. Huệ trở thành lao động chính, vừa lo cho mình vừa lo cho bà. "Em đi học có tiền trợ cấp cho học sinh đồng bào thiểu số, và lấy tiền đó mua thức ăn cho ngoại. Thiếu thì em xin cô Thảo", Huệ tâm tình.
Ngày Nhà giáo Việt Nam năm 2022, Huệ từng khiến bạn đọc cả nước xúc động khi mang hoa đến trường tặng cô Thảo cùng những giọt nước mắt lăn dài.
Yêu thương và che chở
Huệ và Giang là hai hoàn cảnh đặc biệt trong rất nhiều hoàn cảnh khốn khó mà tập thể giáo viên Trường THCS Trà Sơn cưu mang.
Học hết lớp 9, Huệ tính nghỉ học, cô Thảo lại động viên, khuyên bảo, Huệ tiếp tục đến trường. Còn Giang mang những tự ti của bệnh tật, nhiều lần nhận được lời không hay từ người khác khiến cô bé gục ngã. Và cô Thảo lại xuất hiện, đưa trò qua đoạn chông chênh.
Hồi hai học trò bước vào lớp 10, cô Thảo lại đến tận Trường THPT Trà Bồng trình bày bệnh tật của Giang không ra nắng được để miễn học thể dục; còn Huệ nhà xa, lại đi làm thêm, nếu đến muộn mong thầy cô đừng trách phạt mà động viên để Huệ sắp xếp nề nếp hơn. Những yêu thương nối tiếp đã che chở cuộc đời hai học trò bước qua không biết bao nhiêu đận chông chênh.
Hôm nay, cô Thảo hẹn trước và bảo Huệ xuống nhà Giang chờ để cô phát áo dài cho đi học. Nhìn cô Thảo ướm bộ đồ lên người trò rồi nở nụ cười, cảm giác hạnh phúc vây lấy ngôi nhà nơi góc núi.
Cô Thảo bảo rằng cả hai đều học tốt, lo nhất là các em vướng vào yêu đương con nít rồi lấy chồng sớm là khổ cả đời. Thế nên, cô cứ động viên trò "Đừng có người yêu nghen". Và mỗi khi có ai đó "tán tỉnh", Huệ và Giang lại kể cho cô nghe, rồi hứa sẽ từ chối.
Mới đây, cô Thảo là khách mời một chương trình truyền hình VTV liên quan đến khởi đầu năm học mới. Câu chuyện xúc động về tình cô trò đã khiến êkip và người dẫn chương trình rơi nước mắt.
Hôm nay, ngồi bên hai trò, cô Thảo hỏi đủ chuyện. Cô Thảo hài hước: "Hai đứa đi xe máy, hết xăng cũng gọi "Cô ơi xe em hết xăng rồi", tôi phải chạy đi mua xăng mang tới. Đến bao giờ hai đứa mới thôi cô ơi đây.
Chuyện lớn chuyện nhỏ gì cũng cô ơi". Huệ và Giang tủm tỉm cười, sáu năm qua cả hai cảm nhận đủ đầy tình yêu thương của cô Thảo và những thầy cô giáo ở trường cũ.
Nhà Huệ xa, cô Thảo nhiều lần động viên xuống gần trường để tiện cho việc học. Nhưng rào cản lớn nhất là người thân sợ Huệ đi nơi khác thì khoản trợ cấp cho học sinh miền núi sẽ không "về nhà".
Hiểu được chuyện này, cô Thảo đưa hai phương án, Huệ xuống nhà Giang hoặc nhà cô Thảo ở để thuận tiện đi học và cả việc cô Thảo chăm sóc, lo ăn uống. Riêng vấn đề phát sinh khoản trợ cấp, cô Thảo sẽ đến tận nhà phân tích với bà ngoại và những người thân, đảm bảo trợ cấp vẫn sẽ đến với gia đình.
Có những nỗi niềm rất "miền núi", chính sách của Nhà nước dành cho học sinh đôi khi lại là nguồn sống của cả gia đình. Buổi chiều sơn cước, nắng nhạt dần trên những triền đồi, cơn dông bắt đầu nổi lên, cô Thảo đầy tâm tư khi nghe những điều thầm kín trò trình bày.
Như Huệ, mỗi khi nhắc về mẹ lại khóc, đó là điều Huệ chưa thể vượt qua. Nhớ năm học lớp 8, trường phát động cuộc thi viết về mẹ mình, bức thư của Huệ được đọc trước toàn trường và các thầy cô ở Phòng và Sở Giáo dục và Đào tạo đến dự.
Hôm ấy, câu chuyện của Huệ đã "phủ nước mắt" khắp sân trường. Ai cũng khóc vì quá xúc động. Tất cả tâm tư ấy được giải quyết bằng yêu thương. Cô Thảo bảo rằng: "Chỉ cần hai em quyết tâm học, cô và trường cũ sẽ luôn bên cạnh, hãy xem cô như mẹ mình".
Một giáo viên tuyệt vời
Chương trình khởi đầu năm học mới của VTV mà cô Thảo tham dự đã mở ra cơ hội cho Giang khi có người hứa sẽ tài trợ tiền thuốc điều trị lupus ban đỏ đến khi Giang 20 tuổi.
Tin này khiến cô Thảo và tập thể giáo viên Trường THCS Trà Sơn hạnh phúc. Còn với Huệ, cô Thảo bảo đã tạm ổn, chỉ cần sách vở, sinh hoạt phí và trao yêu thương để vơi đi nỗi lòng của một đứa trẻ mồ côi để em mạnh mẽ tiến về phía tương lai.
Bà Đinh Thị Thu Hương, trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Trà Bồng, nói: "Cô Thảo là một giáo viên đầy tâm huyết. Sự đồng hành của cô với Huệ và Giang thật sự hiếm có. Để làm được điều ấy chắc chắn phải có tình yêu thương rất lớn.
Tôi mong với sự yêu thương ấy, hai học sinh có hoàn cảnh đặc biệt sẽ vững bước đến trường". Cô Thảo chia sẻ mới đây bà Hương cũng hỏi thăm sức khỏe của Giang, khi biết tiền thuốc quá nhiều đã nhờ cô Thảo chuyển đến Giang 1 triệu đồng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận