18/11/2022 09:41 GMT+7

Cô là động lực để vươn lên

THU HƯƠNG
THU HƯƠNG

TTO - Trần Thượng Triều đang là sinh viên năm nhất Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, từng đạt giải khuyến khích môn ngữ văn cấp quốc gia và nhiều giải thưởng khác về văn học.

Cô là động lực để vươn lên - Ảnh 1.

Cô giáo Nguyễn Thị Thi Thơ và học trò của mình - Ảnh: NVCC

Trong ký ức của Triều, cô Nguyễn Thị Thi Thơ (thạc sĩ lý luận văn học, giảng dạy môn ngữ văn tại Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa - TP.HCM, giáo viên chủ nhiệm và giáo viên văn của Triều) là giáo viên, thần tượng và là người "bạn" mà Triều có thể chia sẻ mọi niềm vui nỗi buồn, mọi suy tư trong học tập và cuộc sống và là động lực để vươn lên.

Học ở cô những điều mới

Thượng Triều nhớ rằng cô không ngừng làm học sinh ngạc nhiên vì kiến thức rộng, liên ngành như triết học, lịch sử, địa lý. Và hơn hết, cô Thi Thơ luôn đem những kiến thức đó giảng dạy, hướng dẫn cho học sinh. Triều luôn được học ở cô những cái mới. 

Không chỉ giới hạn trong tác phẩm đó, cô còn giúp học sinh liên hệ, so sánh, đối chiếu với các hiện tượng văn học khác, nhân vật và tác giả khác.

Không chỉ vậy, cô luôn làm chi tiết và sống động hơn cho bài giảng. Cô bắt đầu bài giảng bằng một câu chuyện có tính gợi mở hoặc tình hình xã hội đang diễn ra có liên quan đến nội dung bài học. 

"Đôi lúc mình đọc được một bài viết, vấn đề hay nhưng chưa đủ kiến thức để hiểu, chưa đủ tài liệu để lý giải một cách chính xác và đáng tin cậy thì mình sẽ tìm ngay đến cô Thơ. Khi đó, cô sẽ cho học sinh những nguồn tài liệu chính thống và cô cũng sẽ nhắn tin, khơi mở tụi mình hướng tiếp cận vấn đề" - Triều tâm sự.

Triều ấn tượng về cô vì được chia sẻ, trò chuyện, phản biện. Đôi lúc những tiết sinh hoạt hoặc những giờ trống tiết, Triều rất thích nói chuyện với cô về văn chương. 

"Thường khi đọc xong một tác phẩm gì đó, mình sẽ tìm đến cô và bàn luận với cô. Mình sẽ nêu góc nhìn của bản thân trong tác phẩm đó, cô cũng sẽ đưa ra góc nhìn của cô. Sau đó, trò và cô cùng nhau bàn luận về cái hay cái dở của tác phẩm đó. Mình hỏi đủ câu hỏi vì sao và cô luôn sẵn sàng trả lời từng câu hỏi" - Triều chia sẻ.

Hiểu tâm lý học trò

Triều nói cảm thấy may mắn vì cô chủ nhiệm rất tâm lý, hiểu tâm lý học trò mà đặc biệt là học sinh cấp III. Trong tiết học, đôi khi cô rất hay để ý học sinh. Thấy bạn nào có những khúc mắc về kiến thức, có chuyện buồn mà cảm giác không nói được với ai cả thì cô luôn sẵn sàng nghe và đưa ra lời khuyên, an ủi. 

"Cô không chỉ là giáo viên dạy mình kiến thức, cô còn là người mình tin tưởng để mình có thể yên tâm tìm đến tâm sự những chuyện mà mình không biết là nên tâm sự với ai, những điều mà mình không thể mở lời với ba mẹ hay bạn bè" - Triều bộc bạch.

Thượng Triều nhớ lại vào thời điểm Triều bị áp lực tứ phía về việc ôn thi giải quốc gia, lúc đó bạn không theo kịp bài, áp lực cường độ cao. Triều cảm thấy không khỏe về tinh thần. 

Lúc đó, Triều nghĩ là khi nói với bạn bè thì bạn bè chỉ đưa ra được những lời khuyên thôi chứ cũng không thể chắc chắn hướng dẫn mình nên làm gì ngay lập tức để có thể khỏe lại, được giải tỏa. Triều cũng không thể chia sẻ với phụ huynh vì ngại, khó mở lời.

Khi đến lớp, có vẻ phát hiện bạn có những dấu hiệu lạ hơn thường ngày, cô gợi ý Triều trò chuyện. Triều liền kể những điều mình đang bận tâm và tình trạng lúc đó. 

"Khi chia sẻ được với cô Thơ, cô nói sức khỏe mình không ổn. Cô khuyên mình phải ngay lập tức đi thăm khám, cô như thấy được hệ quả nếu như mình không chữa trị kịp thời. Đúng như lời cô, hiện nay mình cảm thấy rất tốt. Khi nghĩ lại khoảng thời gian đó, mình nghĩ nếu lúc bấy giờ mình không nói với cô thì mình đã không ổn định như hiện tại" - Triều nói thêm.

* Cô Trần Thị Hồng Thủy (phó hiệu trưởng Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, quận 1, TP.HCM):

Gần gũi và theo sát học sinh

Cô Thi Thơ là giáo viên trẻ, hiện công tác năm thứ 9 tại trường, chuyên môn rất vững, truyền đam mê môn ngữ văn cho học sinh. Nhà trường nhận thấy học sinh các năm học rất quý mến cô. Đồng thời, cô Thơ cũng tạo được uy tín cao đối với đồng nghiệp và cha mẹ học sinh.

Ngoài hoạt động chuyên môn, cô tích cực tham gia các hoạt động của chi đoàn và công đoàn. Trong công tác chủ nhiệm, cô luôn gần gũi và theo sát học sinh, tạo được sự an tâm cho cha mẹ học sinh.

Phải hiểu học sinh

cothitho_18112022 1(Read-Only)

Cô Nguyễn Thị Thi Thơ kể rằng ngay từ khi nhận lớp, cô xác định mình phải hiểu tất cả học sinh trong lớp. Cô tìm hiểu xem mục tiêu học của các bạn là gì: để tốt nghiệp THPT hay thi đại học, để du học, để luyện thi giải quốc gia? Khi biết mục tiêu thì sẽ có kế hoạch giảng dạy, tài liệu khác cho từng nhóm học sinh để giúp các bạn học đúng và đủ.

Không chỉ về kiến thức, cô cũng phân loại học sinh theo nhóm cảm xúc, tính cách mà các bạn thể hiện. Từ sự quan sát các bạn hằng ngày, cô dành cho các bạn cách thể hiện quan tâm khác nhau, và hơn hết cô tránh sự "dán nhãn" lên các bạn vì hiểu rằng mỗi học sinh có mỗi cá tính, năng lực riêng.

"Có bạn thì nhạy cảm, dễ vui dễ buồn, có nhiều tâm tư khó nói, có bạn rất cá tính nhưng cũng cần lắng nghe. Đặc biệt trong môn văn cần sự gắn kết học sinh và giáo viên từ những ngày mới làm quen. Chỉ khi làm được vậy thì những lúc các bạn có tâm sự, các bạn có những điều thắc mắc khó nói thì sẽ dễ tìm đến giáo viên, dễ mở lời với thầy cô hơn" - cô Thơ tâm sự.

Vui với nghề giáo

NH-BTX1_18112022 1(Read-Only)

Giáo viên Trường THPT Bùi Thị Xuân, quận 1, TP.HCM tặng hoa chúc mừng Ngày Nhà giáo VN cho cựu giáo viên vào sáng 17-11 - Ảnh: NHƯ HÙNG

Nghề giáo là nghề có nhiều niềm vui. Với giáo viên, mỗi tiết vào lớp là một khoảng thời gian rất đẹp của người mang nghiệp dạy học. Khi lên lớp, nhìn ánh mắt của học trò, cảm nhận được các em đã hiểu bài, vậy là đủ vui.

Cũng dựa vào ánh mắt, vẻ mặt của học trò, khi có một cái nhăn mặt, một cái nhíu mày của các em vì khó hiểu một vấn đề trong bài học, tôi sẽ phải hỏi các em có gì thắc mắc không để giảng lại hoặc phải giảng bài theo một cách khác. Để rồi sau đó, khi biết rằng các em đã hiểu bài, tôi sẽ rất vui.

Nghề nào cũng có nhiệm vụ riêng. Nhiệm vụ của nghề giáo là giúp học sinh hiểu bài, một nhiệm vụ hết sức bình thường của nghề; hoàn thành nhiệm vụ đó là một niềm vui lớn với người làm nghề dạy học.

Niềm vui đó sẽ lớn hơn nữa khi học sinh của mình sử dụng kiến thức mà giáo viên dạy trong cuộc sống hằng ngày, kiến thức đó đã có ích và có ý nghĩa với các em. Vậy là niềm vui trọn vẹn.

Một trong những niềm vui của nghề giáo thường đến vào dịp 20-11 cũng như dịp Tết Nguyên đán là từ tấm lòng của học trò qua những lời chúc của các em. Những lời chúc dù ngắn hay dài, dù nhẹ nhàng hay sâu sắc, có thể kèm chút tinh nghịch của tuổi học trò luôn mang đến niềm vui cho người giáo viên.

Với tôi, những lời chúc từ học trò cũ vào ngày hiến chương nhà giáo sẽ mang đến niềm vui, sự ấm áp và vô vàn động lực để tiếp tục với nghề dạy học.

Niềm vui của nghề giáo còn đến từ nhiều điều khác, đó là khi thấy học sinh giải được một câu hỏi hay, đó là khi nghe học sinh khoe đạt thành tích tốt, là khi biết học trò cũ của mình đã thành công và hạnh phúc...

Có thể chế độ đãi ngộ cho giáo viên chưa được tốt, có thể môi trường làm việc của thầy cô còn nhiều áp lực có tên lẫn không tên..., nhưng trên hết, mong nhiều thầy cô sẽ có thật nhiều niềm vui hơn với nghề giáo, để mỗi ngày đến trường là một ngày vui không phải chỉ với học sinh mà còn với cả giáo viên khắp mọi miền.

Thầy Lê Đình Hưng
(giáo viên môn sinh học, Trường THPT Nguyễn Chí Thanh, quận Tân Bình, TP.HCM)

Sáng tạo để mỗi tiết học đều lôi cuốn Sáng tạo để mỗi tiết học đều lôi cuốn

Giải thưởng Nhà giáo trẻ tiêu biểu năm 2022 do Thành Đoàn TP.HCM xét chọn đã gọi tên 244 gương người thầy có nhiều sáng tạo, ý tưởng, sáng kiến mới được ứng dụng làm tiết học thêm lôi cuốn học sinh.

THU HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên