Cô Thái Thị Tố Loan (39 tuổi, giáo viên Trường tiểu học thị trấn Châu Thành A, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng) nhận bằng khen Thủ tướng Chính phủ cho những nỗ lực trong dạy học và giúp học sinh nghèo.
Cô Loan kể lúc nhỏ hoàn cảnh gia đình cô nghèo khó. Tuổi thơ là những ngày dài cơ cực và cô luôn ý thức chỉ có học mới mong vượt qua nghèo khổ. Có lẽ do vậy mà sau này khi là cô giáo, cô cũng luôn giúp đỡ trò nghèo.
Đưa đón học sinh mỗi ngày
Cô Loan nhớ lại cách đây 5 năm trong lớp chủ nhiệm có em Thạch Giàu. Em rất ngoan và ham học nhưng gia cảnh khó khăn, cha mẹ làm thuê nên em phải nghỉ học ở nhà trông em nhỏ. Thấy vậy, cô và nhà trường tìm hiểu những khó khăn của gia đình để cùng chia sẻ, giúp em được đến trường như các bạn cùng trang lứa.
Biết Thạch Giàu không có phương tiện đi học, cô Loan tình nguyện đưa đón em đến trường mỗi ngày trong hơn một tháng, chỉ mong em có thể tiếp tục việc học. Sau đó, nhà trường vận động giúp em một chiếc xe đạp và gia đình cố gắng để Thạch Giàu được đi học trở lại.
"Thấy học trò nghèo thương lắm! Mình làm được gì giúp tụi nhỏ là làm ngay. Tôi mong các em học hành thật tốt, lớn lên làm người tốt vậy là tôi vui lắm rồi", cô Loan tâm tình.
Không những vậy, tại trường cô Loan tham gia huy động các nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất nhà trường, phối hợp với phụ huynh và nhà hảo tâm thực hiện xã hội hóa giáo dục hỗ trợ sách vở, quần áo, tiền cho học sinh nghèo.
Cụ thể, từ năm 2020 - 2023, cô vận động xã hội hóa gần 50 triệu đồng, 200 hộp khẩu trang cho nhà trường để phòng chống dịch bệnh COVID-19, hơn 200 cuốn vở, 300kg gạo...
Cứ thế tấm lòng của cô Loan đã hỗ trợ phần nào khó khăn cho học sinh nghèo và cận nghèo có thêm động lực vững bước đến trường.
Thu hút học sinh qua từng bài giảng
22 năm trong nghề là quá trình cô tự trau dồi kiến thức chuyên môn lẫn kỹ năng và học hỏi từ các đồng nghiệp.
"Mỗi tiết lên lớp tôi đều cố gắng chuẩn bị thật kỹ nội dung, ứng dụng công nghệ thông tin, làm đồ dùng dạy học để thu hút học sinh. Tôi luôn cố gắng thực hiện mục tiêu giáo dục là phát huy năng lực cá nhân, phát triển toàn diện cho từng em...", cô Loan chia sẻ.
Cô Loan khởi động giờ học toán bằng cách lồng ghép trò chơi "Giải cứu chú cá voi". Với mỗi câu trả lời đúng về cách đọc, viết số có ba chữ số sẽ giải thoát được chú cá voi đáng thương. Nào bạn Phương Nhi, Hà Đức, Hiền Lương... của lớp 2A hào hứng xung phong trả lời câu hỏi cô Loan vừa chiếu trên màn hình tivi lớp học.
Cứ thế, những chú cá voi được giải cứu nhờ "công" của các bạn trong lớp. Một tràng pháo tay giòn giã cùng nụ cười tươi của các bé được khéo léo xen kẽ vào giờ học của cô trò.
Để hiểu được cấu tạo của số có ba chữ số, cô Loan cho học sinh thực hiện nhiệm vụ học tập bằng cách học "một ngày làm nông dân". "Hôm nay chúng ta sẽ cùng đến thăm trang trại của ông ngoại. Các bạn hãy giúp hai bạn nhỏ đi qua ba trạm trong trang trại để thu hoạch cà rốt nhé", vừa nói cô Loan vừa chỉ lên màn hình tivi.
"Muốn dạy được trước hết phải thật sự yêu trẻ và dạy bằng lòng yêu thương con trẻ. Tôi đầu tư chuẩn bị đồ dùng dạy học, kế hoạch bài dạy, thiết kế bài giảng sao cho thu hút học sinh. Khi các bé thích thì sẽ tập trung vào tiết học, khắc sâu kiến thức hơn", cô Loan nói.
Sự nỗ lực không ngừng đã giúp cô đạt được nhiều thành tích như nhiều năm liền đạt giải nhất, nhì, ba Hội thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi các cấp... Gần đây nhất, cô nhận bằng khen Nhà giáo tiêu biểu của bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo vào năm 2023.
Năm 2019, cô Loan nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác giáo dục và đào tạo.
Được quý trọng bởi cái tâm với nghề
Bà Đoàn Thị Thu Ba, hiệu trưởng Trường tiểu học thị trấn Châu Thành A (huyện Châu Thành, Sóc Trăng), cho biết cô Loan là một giáo viên chịu khó học hỏi. Với đồng nghiệp mới về trường công tác, cô Loan luôn quan tâm giúp đỡ, tham gia đóng góp ý kiến cho tiết dạy để giáo viên mới rút kinh nghiệm giảng dạy tốt hơn.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Mỹ, phó chủ tịch UBND huyện Châu Thành, Sóc Trăng, cho biết cô Loan là giáo viên cốt cán của ngành giáo dục huyện nhà được lãnh đạo, đồng nghiệp, phụ huynh và học sinh quý trọng bởi cái tâm với nghề.
"Chính bề dày thành tích trong thời gian qua là một minh chứng rõ nét nhất cho quá trình tự phấn đấu học hỏi của cô", ông Mỹ nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận