05/03/2022 12:52 GMT+7

Thầy Lạc của trò nghèo

CHÍ CÔNG
CHÍ CÔNG

TTO - Lớn lên và trở thành giáo viên nhờ vào tiền lời ít ỏi bán bánh, kẹo của mẹ và những giờ giảng bài đầy bụi phấn của cha, thầy Lạc luôn đồng cảm với trò nghèo rồi thực hiện nhiều chương trình hay giúp các em đến trường.

Thầy Lạc của trò nghèo - Ảnh 1.

Em Trương Mỹ Xuyên, học sinh lớp 10A2 Trường THPT Giồng Riềng, được thầy Lạc trao quà sau Tết để có thêm điều kiện đến trường - Ảnh: C.CÔNG

Thầy Đàm Thanh Lạc, hiệu trưởng Trường THPT Giồng Riềng (huyện Giồng Riềng, Kiên Giang), cùng thầy cô nhà trường nhiều năm qua luôn thực hiện chương trình "Vòng tay yêu thương", Câu lạc bộ "Ươm mầm ước mơ" hay "Thu gom vỏ chai nhựa giúp đỡ trò nghèo" giúp các em học sinh nghèo có thêm ý chí, nghị lực vượt qua nghịch cảnh đến trường.

"Ở học sinh nghèo, tôi lại thấy mình trước đó…"

Thầy Lạc cho biết hồi xưa ở quê nên cuộc sống gia đình thầy gặp không ít khó khăn. Cha thầy Lạc là giáo viên tiểu học trường làng, tiền lương ít ỏi nên chỉ đủ xoay xở mua mắm muối, gạo ăn uống trong gia đình. Chi tiêu sinh hoạt còn lại nhờ vào mẹ thầy sớm hôm bán kẹo, bánh và cóc, ổi kiếm ít đồng lời lo cho con.

"Cuộc sống lúc đó khó khăn thiệt nhưng anh em chúng tôi ai cũng ăn học đàng hoàng. Chọn nghề giáo viên tôi cũng mong muốn trở về quê hương dạy học rồi giúp đỡ các em nghèo được đến trường. Qua gian khó nên ở các trò nghèo, tôi lại thấy mình trước đó…", thầy Lạc nói.

Có lẽ vậy, ngót hơn 20 năm dạy học, thầy Lạc đều trăn trở và giúp đỡ kịp thời cho không ít em học sinh có tập, sách, quần áo, xe đạp… và học bổng vượt khó đến trường.

Thầy Lạc cho biết năm học 2021-2022, Trường THPT Giồng Riềng có hơn 1.500 em học sinh, trong đó có khoảng 104 em nhà nghèo thiếu điều kiện học tập. Ngay đầu năm học mới, thầy cô nhà trường đã khảo sát học sinh bằng cách thiết kế mẫu kê khai lý lịch và kinh tế gia đình… Sau đó, trường sẽ phân loại học sinh nghèo, cận nghèo để giúp đỡ.

Qua khảo sát, thầy cô cũng ghi nhận nhu cầu cần giúp đỡ của các em. Có em cần xe đạp, có em cần tập sách, có em cần mua bảo hiểm… Làm vậy thầy Lạc thấy giúp đúng, không bị thừa và nhà trường cũng không phụ lòng nhà hảo tâm hỗ trợ.

Thầy Lạc của trò nghèo - Ảnh 2.

Thầy Lạc lập kênh YouTube giúp học sinh rèn kỹ năng mềm, về lâu dài có thể kiếm tiền lo cho trò nghèo - Ảnh: C.CÔNG

Thầy cô lập quỹ "cứu ngặt" trò nghèo

3 năm nay, thầy cô ở Trường THPT Giồng Riềng đều đồng lòng thống nhất lập quỹ "cứu ngặt" cho học sinh (em nào cần giúp đỡ gấp, nhà trường sẽ vận động thầy cô ủng hộ).

"Quỹ này thầy cô đóng góp tùy vào tấm lòng, có thầy ủng hộ 200.000 đồng hoặc một ngày lương của mình. Góp gió làm bão, thầy cô ở trường có thể giúp cho các em học sinh ấy có thêm nghị lực học" - thầy Lạc cho biết thêm.

Năm nay thầy Lạc và thầy cô hỗ trợ 100-150 em học sinh khó khăn, trong đó có em Lê Văn Sơn, lớp 10B3 Trường THPT Giồng Riềng.

Mẹ Sơn mất sớm, cha bị bệnh tim nên lúc nào em cũng có thể gãy gánh giấc mơ đến trường. Sáng Sơn tranh thủ ăn cơm nguội rồi đến trường. Đi học về em lại ra vườn, ruộng bắt ốc, cá, hái rau đỡ đần bữa ăn cho cha. Còn tiền ăn học, quần áo, anh Lê Văn Trường (anh của Sơn) đi vác lúa, mần hồ kiếm khoảng 150.000 - 200.000 đồng/ngày phụ thêm.

Khi phải học online vì COVID-19, Sơn không có điện thoại học nên học "bữa đực, bữa cái". "Sơn là học sinh thật thà. Không có điện thoại học online em cũng không nói. Thấy em ấy lúc học được, lúc nghỉ nên thầy cô tìm hiểu mới biết, sau đó góp tiền mua điện thoại tặng em" - thầy Lạc kể.

"Nhận được điện thoại của thầy trao tặng em vui lắm. Em cảm ơn thầy cô quan tâm giúp đỡ cho em nhiều. Em hứa sẽ cố gắng học tốt để không phụ lòng thầy giúp đỡ" - Sơn bộc bạch.

Ông Lê Văn Thắng (cha của Sơn) cho biết gia cảnh nghèo nên ông vừa buồn vừa lo sợ con không được đến trường. Nhưng may mắn thay, thầy Lạc và thầy cô nhà trường đã đồng cảm, sẻ chia và giúp đỡ cho Sơn có thêm điều kiện đi học.

"Thiệt bụng, tui cảm ơn thầy Lạc và thầy cô ở trường nhiều lắm. Tình nghĩa của thầy cô, tui không biết lấy gì để báo đáp. Tui chỉ biết khuyên con nên cố gắng học để đáp lại tình cảm mà thầy cô đã yêu thương".

Nhiều suất quà "yêu thương" gửi trò nghèo ăn Tết

Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, thầy Lạc và thầy cô ở trường vận động các nhà hảo tâm trong và ngoài địa phương hỗ trợ 70 suất quà yêu thương (mỗi suất 500.000 đồng) cho trò nghèo vui xuân đón Tết.

"Quà năm nay nhà trường trao tiền mặt cho các em là 500.000 đồng/suất. Số tiền này là tình cảm của thầy cô và các cô chú nhà hảo tâm mong muốn dành cho các em mua ký thịt, gói bánh, gói mứt về đón Tết ấm áp, sum vầy bên gia đình" - thầy Lạc vui vẻ nói.

Lập kênh YouTube kiếm tiền giúp học trò

Trong căn phòng nhỏ, mở laptop lên, thầy Lạc khoe hiện thầy cũng lập kênh YouTube. Kênh này, thầy sẽ viết đa dạng chủ đề như "Mùa xuân của mẹ", "Tiếng rao đêm"… để học sinh ở trường đọc lời bình. Thầy Lạc mong muốn qua việc làm này vừa rèn luyện được kỹ năng mềm cho các em vừa có thể kiếm tiền lâu dài để giúp đỡ học sinh nghèo đến trường.

Nhật trao huân chương Mặt trời mọc cho thầy giáo Nguyễn Đức Hòe Nhật trao huân chương Mặt trời mọc cho thầy giáo Nguyễn Đức Hòe

TTO - Ngày 7-12, Tổng lãnh sự Nhật Watanabe đã chủ trì buổi lễ trao huân chương Mặt trời mọc cho thầy Nguyễn Đức Hòe, nguyên hiệu trưởng Trường Nhật ngữ Đông Du.

CHÍ CÔNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên