Những lần "chơi lớn" của cô giáo
Ở TP.HCM, nhiều thế hệ học sinh Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa yêu thích môn lịch sử vì học nhẹ nhàng lại không phải trả bài.
"Ở Trường Trần Đại Nghĩa, hầu hết các thầy cô đều không yêu cầu trả bài đầu giờ. Nhưng em ấn tượng nhất với các tiết lịch sử của cô Nguyễn Thị Huyền Thảo. Thay vì trả bài với kiểu "thót tim" như truyền thống thì cô Thảo cho cả lớp chơi game show.
Cái hay của hình thức này không chỉ là vui vẻ mà việc cô cho học sinh chủ động giơ tay khiến việc ôn tập bài cũ khá nhẹ nhàng. Bạn nào chưa thuộc bài thì có thể tự ôn lại thông qua trò chơi.
Bạn nào trả lời đúng sẽ được một dấu cộng, cứ 5 dấu cộng là học sinh được cộng 1 điểm vào bài kiểm tra thường xuyên. Có bữa cô còn cho các team thi đấu với nhau để lấy dấu cộng, thực sự rất thú vị" - Đức Trí (học sinh lớp 9 năm học 2022 - 2023) chia sẻ.
Nhiều học sinh Trường chuyên Trần Đại Nghĩa còn truyền tai nhau về những lần "chơi lớn" của cô Thảo: "Em từng học với cô Thảo năm 2020 - 2021. Trước khi kiểm tra 1 tiết, cô gợi ý một số tài liệu cần xem.
Đến ngày kiểm tra chính thức, cô cho hai đề. Đặc biệt là học sinh được xem tài liệu thoải mái. Đề 1 ra theo kiểu truyền thống lâu nay, có yêu cầu tư duy nhưng không cao. Đề 2 chỉ có một câu duy nhất nhưng đòi hỏi học sinh phải nắm được vấn đề, biết chắt lọc thông tin và kết nối các yếu tố, sự kiện lịch sử rồi lập luận sao cho thuyết phục.
Lớp em năm đó đa số đều chọn đề 2. Đó là bài kiểm tra không chỉ tạo sự hứng thú cho học sinh mà còn rất ấn tượng với em. Chúng em rất thích cách này vì không phải học vẹt những trang sử khô khan" - Xuân Phúc, học sinh Trường Trần Đại Nghĩa, kể lại.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, cô Nguyễn Thị Huyền Thảo nói: "Tôi thấy việc trả bài theo kiểu học thuộc lòng có thể gây căng thẳng cho học sinh vì các em phải "gạo" bài, hôm sau lên lớp trả bài xong thì quên hết. Mỗi tiết nếu trả bài thì giáo viên cũng chỉ kêu được 1-2 học sinh. Chưa kể nếu hôm đó học sinh mệt, thiếu ngủ... thì chắc chắn không thể trả bài tốt.
Thế nên, tôi tổ chức cho học sinh chơi trò chơi, cho các em tranh biện về một vấn đề có liên quan đến bài học, hoặc cho học sinh nhìn bản đồ miêu tả lại một trận đánh... Nếu không nắm được bài thì làm sao các em có thể đáp ứng được những yêu cầu này?".
Vai trò quan trọng của tổ chuyên môn
Cô Vũ Thị Thu Hà, hiệu trưởng Trường THCS Tô Hoàng (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), chia sẻ tâm lý chung của cán bộ quản lý và giáo viên là thấy yên tâm hơn với cách được "cầm tay chỉ việc". Còn việc thực hiện quyền chủ động tuy cũng có thuận lợi nhưng trách nhiệm cao hơn, áp lực lớn hơn.
Để giáo viên có thể dám thực hiện quyền của mình trong dạy học, trong kiểm tra đánh giá học sinh thì phải bắt đầu từ lãnh đạo nhà trường trong việc xây dựng kế hoạch giáo dục tổng thể, kế hoạch giáo dục của các tổ bộ môn.
"Giáo viên trường tôi đã quen với các cách đánh giá thường xuyên đa dạng như hỏi đáp, sản phẩm học tập, hoạt động trải nghiệm, thực hành...
Trong một môn học ở một học kỳ, chúng tôi vẫn quy định đầu điểm tối thiểu với đánh giá thường xuyên nhưng thường để mở cho giáo viên có quyền linh hoạt áp dụng các hình thức kiểm tra nhiều hơn quy định tối thiểu.
Cuối kỳ giáo viên căn cứ vào thái độ, sự cố gắng của học sinh trong cả quá trình, kết hợp với kết quả thể hiện trên bài kiểm tra, sản phẩm học tập để lấy điểm chính thức sao cho không chỉ đánh giá được năng lực, các kỹ năng mà cả thái độ học tập" - cô Hà nói.
Cô Ngọc Minh - giảng viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, đồng thời là chuyên gia hỗ trợ cho một trường phổ thông đổi mới cách dạy học, đánh giá học sinh - cho biết việc đổi mới nội dung sinh hoạt tổ chuyên môn ở các nhà trường là một trong những yếu tố tác động tích cực đến những chuyển biến về dạy học, đánh giá học sinh.
"Nếu việc chỉ đạo cứng từ trên xuống khiến cho giáo viên thụ động, ngại đổi mới thì sự trao đổi, thống nhất từ trong các tổ chuyên môn, trong nội hàm các nhà trường lại thúc đẩy sự chủ động, sáng tạo" - cô Minh nhận xét.
Bắt đầu từ đổi mới phương pháp giảng dạy
Nói về vấn đề đổi mới cách đánh giá học sinh, một lãnh đạo Trường THCS Lê Văn Tám, quận Bình Thạnh, TP.HCM, cho rằng phải bắt nguồn từ đổi mới phương pháp giảng dạy.
"Thực tế cho thấy thầy cô nào đổi mới phương pháp giảng dạy hiệu quả thì thực hiện đổi mới cách đánh giá học sinh rất nhuần nhuyễn. Dĩ nhiên vấn đề này phụ thuộc vào năng lực giáo viên chứ việc đổi mới đã có văn bản hướng dẫn từ cấp bộ đến cấp sở, cấp phòng.
Ban giám hiệu chúng tôi cũng động viên giáo viên thực hiện bằng cách hỗ trợ đồng nghiệp tăng cường nội dung này ở những lần sinh hoạt tổ, để các giáo viên cùng trao đổi và rút kinh nghiệm" - vị này nói.
"Bẻ lái" từ từ nhưng sức ì vẫn lớn
Để tiếp cận dần với cuộc đổi mới giáo dục theo hướng phát triển năng lực phẩm chất học sinh, từ các năm 2013 - 2014 khi chương trình giáo dục phổ thông mới còn đang trong giai đoạn phôi thai, Bộ GD-ĐT đã có các văn bản hướng dẫn đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá.
Ở bậc tiểu học, việc đổi mới kiểm tra đánh giá được thực hiện sớm hơn với tinh thần "đánh giá chủ yếu bằng nhận xét". Cụ thể, trừ các bài kiểm tra giữa kỳ và cuối kỳ, việc đánh giá thường xuyên không sử dụng điểm số.
Ở bậc trung học, các khái niệm về "dự án học tập" hay dạy học, đánh giá theo các chủ đề tích hợp đơn môn, liên môn xuất hiện từ thời gian này. Theo đó, việc kiểm tra đối với học sinh không chỉ có các hình thức truyền thống như kiểm tra miệng đầu giờ, kiểm tra trên giấy 15 phút, 1 tiết, kiểm tra học kỳ... mà bắt đầu xuất hiện cách kiểm tra qua dự án học tập hay các hình thức học tập mới.
Sau khi Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được phê duyệt và triển khai, Bộ GD-ĐT tiếp tục có các văn bản, quy định, hướng dẫn về đổi mới kiểm tra đánh giá. Cụ thể, công văn 5512 ban hành năm 2020 về xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục nhà trường quy định các hình thức đánh giá thường xuyên có thể áp dụng như hỏi đáp, thực hành thí nghiệm, thuyết trình, báo cáo sản phẩm học tập...
Việc kiểm tra định kỳ có thể áp dụng bài kiểm tra như truyền thống với đề thi được xây dựng theo ma trận của Bộ GD-ĐT quy định theo bốn mức độ hoặc qua bài thực hành, dự án học tập nhưng phải xây dựng tiêu chí cụ thể phù hợp với yêu cầu cần đạt của môn học...
Năm 2021, các thông tư đánh giá học sinh tiểu học (thông tư 27) và học sinh trung học (thông tư 22) đều tiếp tục nhất quán với quan điểm đổi mới từ các văn bản trước đó. Ở tiểu học vẫn theo hướng chủ yếu đánh giá bằng nhận xét, khích lệ sự tiến bộ, những ưu điểm khác nhau ở học sinh.
Ở bậc trung học, các đầu điểm kiểm tra định kỳ được giảm bớt so với quy định trước, nhưng yêu cầu đối với kiểm tra định kỳ cao hơn, với hệ thống câu hỏi kiểm tra năng lực, phẩm chất. Trong đánh giá thường xuyên, việc áp dụng linh hoạt các hình thức khác nhau được giao cho giáo viên, dựa trên kế hoạch giáo dục nhà trường do hiệu trưởng phê duyệt mỗi năm học.
Như vậy, trong khoảng một thập niên, việc đổi mới kiểm tra đánh giá học sinh ở nhà trường phổ thông đã được xoay chuyển dần, một cuộc "bẻ lái" từ từ theo định hướng dạy học phát triển năng lực, phẩm chất người học.
Nhưng trên thực tế, sức ì từ các nhà trường vẫn rất lớn khiến việc đánh giá học sinh mới chỉ chuyển biến ở hình thức bề ngoài (trên hồ sơ học sinh, đầu điểm kiểm tra) mà chưa có nhiều chuyển biến về bản chất.
Thăm dò ý kiến
Sở Giáo dục và đào tạo TP.HCM yêu cầu giáo viên không trả bài đầu giờ theo kiểu học thuộc lòng vì gây áp lực cho học sinh. Nhưng nhiều giáo viên cho rằng không trả bài thì sẽ không kiểm tra được học sinh có nắm được bài cũ hay không và khiến học sinh lười học. Theo bạn:
Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận