15/02/2025 09:33 GMT+7

Có gì trên bàn đàm phán của Nga, Ukraine và Mỹ?

Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ phải đối mặt với lập trường của Ukraine và lợi thế chiến trường của Nga nếu muốn giải quyết xung đột nhanh chóng.

Có gì trên bàn đàm phán của Nga, Ukraine và Mỹ? - Ảnh 1.

Bìa báo có hình cuộc điện đàm giữa tổng thống Nga và tổng thống Mỹ tại một sạp báo ở Matxcơva (Nga) ngày 13-2 - Ảnh: REUTERS

Với những khác biệt đáng kể trong quan điểm về hòa bình và lợi thế trên bàn đàm phán, có thể nói một thỏa thuận ngừng bắn cho cuộc xung đột Nga - Ukraine sẽ cần thêm nhiều thời gian hơn để đạt được.

Nga

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nêu rõ điều kiện đàm phán vào tháng 6-2024, bao gồm việc Ukraine rút toàn bộ quân đội khỏi ranh giới 4 tỉnh miền đông, đồng thời Ukraine phải cam kết về việc áp dụng quy chế không liên kết, không tham gia NATO, phi phát xít hóa và phi quân sự hóa đất nước, theo Hãng thông tấn TASS.

Ngoài ra, Tổng thống Putin cũng nhấn mạnh rằng các lệnh trừng phạt và cấm vận Nga của phương Tây phải được dỡ bỏ hoàn toàn.

Có gì trên bàn đàm phán của Nga, Ukraine và Mỹ? - Ảnh 2.

Tổng thống Nga Vladimir Putin - Ảnh: REUTERS

Bản yêu sách hòa bình này luôn được các nhà lãnh đạo Nga khẳng định cứng rắn nhiều lần trên trường quốc tế, bởi Nga đang là bên nắm giữ lợi thế to lớn trên cục diện chiến trường.

Theo Hãng tin Reuters, sau 3 năm chiến tranh, Nga vẫn đang kiểm soát khoảng 20% lãnh thổ Ukraine bao gồm cả Crimea.

Dữ liệu của Viện Nghiên cứu chiến tranh (ISW) ở Mỹ cho thấy thêm rằng Nga thành công trong duy trì đà tiến công và chiếm được khoảng 4.200km2 lãnh thổ miền đông Ukraine vào năm 2024.

Mới đây nhất, lực lượng Nga đã chiếm được TP Toretsk và có thể sớm chiếm được TP Pokrovsk, một thành phố trọng điểm trong tuyến phòng thủ của Ukraine.

Ukraine

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã vạch ra kế hoạch chiến thắng gồm 5 điểm của mình vào tháng 10-2024. Bản kế hoạch bao gồm lời mời Ukraine gia nhập NATO, viện trợ vũ khí không hạn chế, khả năng răn đe Nga, phát triển các nguồn lực kinh tế của nước này và thỏa thuận củng cố an ninh của châu Âu sau chiến tranh.

Trong suốt thời gian qua, Ukraine đã nỗ lực để thúc đẩy bản kế hoạch hòa bình của mình. Trên chiến trường, tháng 8-2024 Kiev đã phát động một cuộc tấn công xuyên biên giới vào vùng Kursk của Nga và thành công chiếm được khoảng 1.300km2 lãnh thổ, theo tờ Kyiv Independent.

Có gì trên bàn đàm phán của Nga, Ukraine và Mỹ? - Ảnh 3.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky - Ảnh: REUTERS

Trên trường quốc tế, Ukraine cũng đã thành công thuyết phục các nước châu Âu ủng hộ cho lập trường của Ukraine. Đài DW ngày 13-2 cho biết Thủ tướng Đức Olaf Scholz nhấn mạnh cuộc chiến ở Ukraine "phải kết thúc càng nhanh càng tốt”, nhưng "chiến thắng của Nga hay sự sụp đổ của Ukraine sẽ không dẫn đến hòa bình”.

Tuy nhiên, những lợi thế của Ukraine trên bàn đàm phán không còn nhiều. Theo Kyiv Independent, đến nay lực lượng Ukraine đã mất khoảng một nửa diện tích chiếm được ở Kursk, và trong cuộc tấn công mới nhất hồi 6-2, Ukraine chỉ tiến được 2,5km.

Mỹ

Từ trước khi nhậm chức, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cam kết sẽ chấm dứt xung đột trong thời gian ngắn. Để làm được điều này, ông Trump đã bổ nhiệm trung tướng về hưu Keith Kellogg làm đặc phái viên về Nga và Ukraine.

Vào tháng 6-2024, ông Kellogg đã trình bày một kế hoạch hòa bình cho Tổng thống Trump, bao gồm tối hậu thư cho cả Kiev và Matxcơva để buộc họ phải đàm phán, theo Reuters.

Trong đó Mỹ sẽ tiếp tục cung cấp vũ khí cho Kiev chỉ khi Ukraine đồng ý đàm phán với Nga, và cũng hoãn lời hứa gia nhập NATO cho Ukraine. Ở phía bên kia, bất kỳ sự từ chối đàm phán nào của Nga sẽ dẫn đến sự gia tăng hỗ trợ quân sự của Mỹ dành cho Ukraine.

Có gì trên bàn đàm phán của Nga, Ukraine và Mỹ? - Ảnh 4.

Tổng thống Mỹ Donald Trump - Ảnh: REUTERS

Cho đến nay, chính quyền của ông Trump vẫn đang cho thấy những nỗ lực nhằm hiện thực hóa các điểm hòa bình này của Mỹ. Một mặt, Tổng thống Trump nỗ lực điện đàm cùng Tổng thống Putin và Tổng thống Zelensky để bàn thảo về hòa bình hôm 12-2 vừa qua.

Mặt khác, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth hôm 11-2 tuyên bố việc quay trở lại biên giới trước năm 2014 của Ukraine là một "mục tiêu không thực tế".

Phó tổng thống JD Vance hôm 13-2 cũng nhấn mạnh rằng Mỹ sẽ xem xét các biện pháp trừng phạt và có thể triển khai quân đội nếu Nga không đàm phán "một cách thiện chí".

Có gì trên bàn đàm phán của Nga, Ukraine và Mỹ? - Ảnh 5.Sau điện đàm Trump - Putin: Mỹ có bỏ rơi Ukraine?

Cuộc điện đàm trực tiếp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Nga Vladimir Putin ngày 12-2 đã làm dậy lên rất nhiều sóng gió về tương lai và hy vọng hòa bình cho cuộc chiến ở Ukraine.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên