![Sau điện đàm Mỹ - Nga: còn nhiều kịch tính - Ảnh 1. Sau điện đàm Mỹ - Nga: còn nhiều kịch tính - Ảnh 1.](https://cdn.tuoitre.vn/thumb_w/730/471584752817336320/2025/2/13/trump-putin-dien-dam-trang-nhat-read-only-1739461233275275530558.jpg)
Các tờ nhật báo đưa tin về cuộc điện đàm giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump được bày bán tại một sạp báo trên đường phố Matxcơva, Nga, ngày 13-2 - Ảnh: REUTERS
Sau rất nhiều bàn tán về việc có hay không cuộc điện đàm với ông Putin mà ông Trump từng nói trên báo New York Post hôm 9-2, đến sáng 13-2 cả thế giới biết là hai ông đã điện đàm, những 90 phút.
Theo lời ông Trump, Mỹ và Nga đã nhất trí rằng hai nước sẽ cử các nhóm để "bắt đầu đàm phán ngay lập tức".
Không khí u ám ở Ramstein
Ông Trump còn gọi tên phái đoàn đàm phán sẽ thương thảo với Nga: Ngoại trưởng Marco Rubio, Giám đốc CIA John Ratcliffe, Cố vấn an ninh quốc gia Michael Waltz và Đại sứ kiêm đặc phái viên Steve Witkoff (thay vì Keith Kellogg như đồn đoán).
Ông Putin mời ông Trump tới Nga dự lễ Ngày chiến thắng 9-5-2025, ông Trump cũng mời ông Putin đến Mỹ... Trong trả lời phỏng vấn ở Phòng Bầu dục (Nhà Trắng), ông Trump cho biết thêm cuộc gặp đầu tiên với ông Putin sẽ diễn ra tại Saudi Arabia.
Điện đàm diễn ra sau tin hai bên thả tù nhân về nước, một động thái thể hiện thiện chí từ hai phía. Ngày 11-2, Nga trả tự do cho công dân Mỹ Mark Vogel vốn thụ án vì tội buôn lậu ma túy. Vogel đã được ông Trump đích thân đón tiếp.
Đổi lại, Mỹ sẽ thả công dân Nga Alexander Vinnik. Vinnik điều hành BTC-e, một trong những sàn giao dịch tiền điện tử lớn nhất thế giới, bị bắt năm 2017 và bị giam giữ theo yêu cầu của Washington vì nghi ngờ "rửa" 4 tỉ USD thông qua sàn giao dịch này, đối mặt với mức án lên tới 20 năm tù.
Sau khi điện đàm với ông Putin, ông Trump đã điện đàm với Tổng thống Ukraine Zelensky để tường thuật cuộc làm việc với tổng thống Nga. Đáng chú ý, cuộc gọi diễn ra vào thời điểm nhạy cảm khi ông Zelensky đang dự cuộc họp của Nhóm liên lạc hỗ trợ Ukraine tại căn cứ quân sự Ramstein (Đức).
Khác với không khí "tan băng" trong quan hệ Mỹ - Nga, tại căn cứ Ramstein ngự trị "sự u ám lịch sử, khi lần đầu tiên trong các cuộc họp Ramstein, không có một xu viện trợ quân sự nào cho Ukraine", theo trang Ren.tv.
U ám là bởi lần đầu tiên, Mỹ không tham gia chủ trì cuộc họp Ramstein mà chỉ với tư cách "người quan sát", vì chính sách của Mỹ về Ukraine được người đứng đầu Lầu Năm Góc Pete Hegseth giới thiệu hoàn toàn không đáp ứng những yêu sách của Ukraine và EU: "Chúng ta phải chấm dứt cuộc chiến tranh tàn khốc này và thiết lập một nền hòa bình lâu dài. Chúng ta phải thừa nhận rằng việc quay trở lại biên giới Ukraine trước năm 2014 là một mục tiêu không thực tế, rằng việc theo đuổi mục tiêu viển vông này chỉ dẫn đến việc kéo dài chiến tranh và gây ra thêm đau khổ".
Mỹ cũng hoài nghi về việc Ukraine gia nhập NATO cũng như việc triển khai quân gìn giữ hòa bình dưới sự bảo trợ của NATO sau khi chiến tranh kết thúc. Ông Hegseth cũng nhắc lại lập trường của Mỹ: việc bảo đảm an ninh cho Ukraine giờ phải do châu Âu đảm trách.
Trong khi đó, Tổng thống Zelensky trong các cuộc trả lời phỏng vấn luôn khẳng định: "Đảm bảo an ninh cho Ukraine mà... không có Mỹ không thể là một bảo đảm toàn diện".
Dự đoán kịch bản hòa đàm
Một quan chức NATO ở châu Âu đã phàn nàn rằng việc Lầu Năm Góc từ chối xem xét tư cách thành viên NATO của Ukraine chẳng khác nào "buộc Kiev phải đầu hàng". Theo Euractiv, tuyên bố của ông Hegseth đã "gây sốc" cho các đồng minh châu Âu. Còn cuộc trò chuyện giữa ông Putin và ông Trump đã "giáng một đòn" xuống ông Zelensky, theo báo Daily Mail.
Cải thiện quan hệ giữa Nga và Mỹ với sự xuất hiện của chính quyền mới không phải là một thỏa thuận đã hoàn tất. Chỉ là mọi việc đã bắt đầu - ít nhất là ở cấp độ tuyên truyền công khai của cả hai bên. Đồng thời, không thể loại trừ một tình huống nghịch lý rằng ông Putin và ông Trump sẽ tìm được tiếng nói chung về nhiều vấn đề... ngoại trừ Ukraine.
Nhà khoa học chính trị Sergey Markov dự báo hai kế hoạch cho tiến trình hòa đàm Ukraine:
1/ Kế hoạch A: Mỹ thuyết phục châu Âu và Ukraine đồng ý với các yêu cầu của Nga, thuyết phục Nga đồng ý với các yêu cầu của Ukraine và châu Âu và ký hiệp ước hòa bình ở Ukraine.
2/ Kế hoạch B: Nếu kế hoạch A thất bại, Mỹ sẽ cắt giảm khoảng 2/3 nguồn tài trợ cho Ukraine, đề xuất châu Âu gánh vác gánh nặng tài trợ cho Ukraine. Châu Âu chỉ có thể tiếp nhận 1/3. Kết quả là nguồn tài trợ cho Ukraine sẽ bị cắt giảm 1/3. Và gánh nặng tài chính của châu Âu sẽ tăng lên bằng 1/3 gánh nặng của Mỹ, tức là gấp đôi nếu tính theo giá trị của châu Âu.
Theo ông Sergey Markov, từ nay đến cuối năm "các điều kiện cho kế hoạch A sẽ được thiết lập". Những tuần tới chắc chắn sẽ còn nhiều tin tức náo động trên chính trường thế giới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận