![Tổng thống Trump muốn Nga tái gia nhập G7 - Ảnh 1.](https://cdn.tuoitre.vn/thumb_w/730/471584752817336320/2025/2/14/screenshot-2025-02-14-113453-1739507714641432509443.png)
Cờ của nhóm G7 được chụp trong phiên làm việc tại Muenster, Đức - Ảnh: REUTERS
Trong phát biểu vào ngày 13-2 giờ Mỹ, Tổng thống Donald Trump đưa ra ý kiến rằng Nga nên tái gia nhập nhóm 8 nền kinh tế phát triển G8 (gồm Anh, Canada, Pháp, Đức, Italia, Nhật Bản, Nga và Mỹ), sau khi bị đình chỉ tư cách thành viên vì chiến dịch quân sự năm 2014 tại Ukraine và sáp nhập bán đảo Crimea.
Báo Politico dẫn lời ông Trump nói với các phóng viên tại Phòng Bầu dục, Nhà Trắng: “Tôi rất muốn Nga quay lại. Tôi nghĩ đó là một sai lầm khi loại họ ra. Ông Putin cũng sẽ muốn quay lại”.
Ngay trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên, năm 2019 ông Trump cho rằng sẽ rất thích hợp nếu Nga tham gia G7. Cố thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng “hoàn toàn đồng ý” với ông Trump.
“Tôi nghĩ việc Nga là một phần của nhóm sẽ rất có ích. Nếu họ có mặt, tôi nghĩ các vấn đề hiện nay đã không xảy ra”, ông Abe chia sẻ.
Có thể thấy, động thái này phản ánh sự thay đổi trong chính sách đối ngoại của ông Trump, từ việc duy trì khoảng cách với Nga sang việc tìm kiếm sự hợp tác và đối thoại trực tiếp.
Trước đây, chính quyền nhiệm kỳ đầu của ông Trump đã áp dụng các biện pháp trừng phạt và cô lập Nga trên trường quốc tế.
Tuy nhiên, hiện nay ông Trump tỏ ra sẵn sàng khôi phục quan hệ và thảo luận về các vấn đề toàn cầu với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Hiện vẫn có nhiều ý kiến tranh cãi trước yêu cầu trên của Tổng thống Trump. Họ e ngại những tác động tiêu cực nếu Nga quay trở lại.
Ông David J. Kramer - thành viên cấp cao tại Trung tâm Nhân quyền và Ngoại giao Vaclav Havel và là giám đốc nghiên cứu thuộc Đại học quốc tế Florida cho rằng: "Đề xuất của ông Trump là vô lý".
"Ông Putin tham gia vào loạt hành động không thể chấp nhận được và không một nhà lãnh đạo phương Tây nào nên mở cửa G7 cho ông ta", ông Kramer chia sẻ.
Việc mời Nga vào lại G7 sẽ coi như bỏ qua các hành động vi phạm các nguyên tắc quốc tế trước đây của Nga như sáp nhập Crimea (2014) và can thiệp vào các cuộc bầu cử ở các quốc gia phương Tây.
Bên cạnh đó, việc Nga đã tham gia vào các cuộc xung đột ở Ukraine, Syria, và gây ảnh hưởng tiêu cực đến các mối quan hệ quốc tế sẽ làm giảm uy tín của nhóm G7 nếu cho phép Nga gia nhập lại.
Ông Kramer cho rằng: "G7 là nhóm của các nền dân chủ phát triển, việc không cho Nga tái gia nhập sẽ khẳng định sự ủng hộ đối với các giá trị dân chủ và nhân quyền của nhóm".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận