11/03/2021 14:27 GMT+7

Chúng tôi, những 'chiến binh' không đơn độc

HOÀNG LỘC thực hiện
HOÀNG LỘC thực hiện

TTO - Đó là cách nói của lãnh đạo ngành y tế TP.HCM và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, một trong những cơ sở y tế điều trị bệnh nhân COVID-19 và đã nhận được sự chia sẻ, đóng góp từ sự chung tay của xã hội trong năm dịch bệnh.

Chúng tôi, những chiến binh không đơn độc - Ảnh 1.

Ông Tăng Chí Thượng, phó giám đốc Sở Y Tế TP.HCM, trao quà đến các điển hình trong chương trình tri ân “Tuyến đầu chống dịch COVID-19” khu vực phía Nam (ngày 24-10-2020) - Ảnh: DUYÊN PHAN

Đánh giá về ý nghĩa của các chương trình, PGS.TS Tăng Chí Thượng - phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM - nói: "Sự chung tay của cộng đồng xã hội, đặc biệt là chương trình "Cùng Tuổi Trẻ chống dịch COVID-19" do báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM phát động, mang lại giá trị vật chất, tinh thần quý giá. 

Chương trình Cùng Tuổi Trẻ chống dịch COVID-19 trải qua 3 giai đoạn, gồm tri ân tuyến đầu chống dịch, trao tặng trang thiết bị y tế và góp vắc xin mà báo đang triển khai, theo tôi đánh giá, thật sự rất có ý nghĩa cả về tinh thần và vật chất (phương tiện làm việc) cho những người thầy thuốc ngày đêm phòng chống dịch. Phải khẳng định đây là những hoạt động vô cùng thiết thực trong bối cảnh cả nước cùng chung tay đẩy lùi dịch bệnh".

Thúc đẩy nguồn lực xã hội

* Ông đánh giá như thế nào về nguồn lực xã hội góp sức cho tuyến đầu chống dịch thời gian qua?

- PGS.TS TĂNG CHÍ THƯỢNG: "Không một quốc gia nào có quy mô như Việt Nam lại đạt được mức độ thành công trong kiểm soát đại dịch COVID-19 như Việt Nam" - tôi xin mượn câu kết luận trong bài chia sẻ 6 bài học kinh nghiệm chống dịch từ Việt Nam của nhóm tác giả (gồm các chuyên gia Trường ĐH Y khoa Harvard, Đơn vị nghiên cứu lâm sàng ĐH Oxford, Ngân hàng Thế giới, Bộ Y tế, Viện Vệ sinh dịch tễ...) vừa được đăng tải với tiêu đề Câu chuyện kiểm soát thành công COVID-19 nổi bật: Quyết tâm ngăn chặn dịch bệnh của Việt Nam.

Trong các bài học kinh nghiệm được các chuyên gia nhận định áp dụng rộng rãi cho các nước, tôi thấy rằng các hoạt động của báo Tuổi Trẻ và nhiều cơ quan, tổ chức đang thực hiện đã góp phần quan trọng trong việc đưa ra các giải pháp và khuyến khích, thúc đẩy một cách mạnh mẽ các nguồn lực xã hội cùng tham gia vào cuộc chiến chống dịch COVID-19 ở Việt Nam.

* Sự đồng lòng chung tay ấy đã phát huy hiệu quả trong chống dịch COVID-19 ra sao, thưa ông?

- Sự chung tay cổ vũ cả về tinh thần lẫn vật chất (phương tiện làm việc) mang lại cho những chiến sĩ ở tuyến đầu chống dịch cảm xúc vững tin. Chúng ta đã thấy được rất nhiều cá nhân, tổ chức chủ động tìm đến các cơ sở y tế để động viên, trao tặng những món quà đầy ý nghĩa, chỉ mong giúp thêm phương tiện cho nhân viên y tế làm việc thuận lợi hơn.

Trong suốt cuộc chiến chống dịch, ngành y tế TP.HCM đã được trang bị một hệ thống xử lý nước thải hiện đại; hàng loạt buồng áp lực âm, máy xét nghiệm RT-PCR, xe cứu thương rồi xe điện... giúp các bệnh viện dã chiến vận chuyển bệnh nhân, dụng cụ, phương tiện... Ngoài ra còn có hàng trăm máy thở, máy monitor, máy lọc máu... Đây là những món quà rất thiết thực cho các bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19.

Cũng từ sự tài trợ của các nguồn lực xã hội, những nhân viên y tế có được chỗ nghỉ ngơi tươm tất hơn sau ca trực trong bối cảnh cách ly; họ được phục vụ cà phê, nước giải khát miễn phí từ những "quầy bar cafe" di động đặt trong bệnh viện... Có thể nói, để đạt được hiệu quả chống dịch như ngày hôm nay, có sự góp sức rất lớn từ các cá nhân, tổ chức trong xã hội đối với ngành y tế.

* Trong chương trình "Tri ân tuyến đầu chống dịch COVID-19", do báo Tuổi Trẻ tổ chức, đã biểu dương nhiều cá nhân, tập thể y bác sĩ tuyến đầu chống dịch. Đại diện cho ngành y tế TP.HCM cùng đồng hành trao kỷ niệm chương cho đồng nghiệp, cảm xúc của ông lúc đó như thế nào?

- Có thể nói chương trình Tri ân tuyến đầu chống dịch COVID-19 của báo Tuổi Trẻ đã xuất hiện đúng thời điểm, kịp thời động viên rất lớn đối với người thầy thuốc.

Tôi có cảm xúc như được trở lại một thời tuổi trẻ với hoạt động xung kích, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng khi đất nước còn khó khăn. Những "chiến sĩ áo trắng" - những bác sĩ, điều dưỡng của tất cả các bệnh viện và các trung tâm, các trạm y tế của thành phố - đã xung phong phục vụ tại những nơi tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ lây nhiễm.

Những món quà như chỉ có "trong mơ"

* Trong dịch bệnh, nhiều vấn đề khó khăn nảy sinh, trong đó khó khăn lớn nhất có thể nhắc đến là thiếu thốn các loại trang thiết bị y tế hiện đại cho điều trị. Với sự chung tay của xã hội, khó khăn này đã được giải quyết như thế nào, thưa ông?

- Những trang thiết bị hiện đại được trao tặng cho các bệnh viện để hỗ trợ điều trị bệnh nhân nhiễm COVID-19 mang rất nhiều ý nghĩa, cả vật chất lẫn tinh thần. Vật chất ở đây là các bệnh viện được bổ sung những phương tiện, trang thiết bị chuyên dùng hiện đại mà những lúc bình thường (không có dịch) vẫn chỉ là "trong mơ" vì không đủ nguồn lực đầu tư. 

Về tinh thần, các thầy thuốc như được tiếp thêm sức mạnh, như có thêm "vũ khí" trong tay góp phần cứu sống nhiều bệnh nhân nặng, nguy kịch.

Các phương tiện, trang thiết bị này không chỉ mang lại hiệu quả rất cao trong điều trị giai đoạn dịch đang bùng phát, cả khi hết dịch các trang thiết bị này vẫn được sử dụng để điều trị cho nhiều bệnh nhân khác. Tôi nghĩ đây là cách làm rất thiết thực và mong muốn cách làm này sẽ tiếp tục được phát huy, duy trì trong thời gian sắp tới.

* Ông có "đặt hàng" gì với các chương trình chung tay đẩy lùi dịch bệnh mà các tổ chức xã hội đã, đang và sẽ tổ chức trong thời gian tới?

- Các chương trình chung tay đẩy lùi dịch bệnh mà báo Tuổi Trẻ và các tổ chức xã hội đã, đang và sẽ tổ chức trong thời gian tới là 1 trong 6 bài học kinh nghiệm từ Việt Nam trong cuộc chiến chống lại đại dịch COVID-19. Đó là đưa ra các giải pháp; khuyến khích, thúc đẩy một cách mạnh mẽ toàn xã hội cùng tham gia vào cuộc chiến chống dịch.

Tôi tin rằng báo Tuổi Trẻ và nhiều tổ chức xã hội khác sẽ tiếp tục chứng minh hiệu quả việc này. Và điều quan trọng hơn nữa là tiếp tục đồng hành với các thầy thuốc, nhất là các thầy thuốc trẻ, đang ngày đêm hết mình quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh.

Ông Phạm Phú Ngọc Trai, chủ tịch Công ty Tư vấn kinh doanh hội nhập toàn cầu - GIBC, có ý kiến: "Đại diện các doanh nghiệp, chúng tôi rất tin tưởng khi chọn báo Tuổi Trẻ là cầu nối thực hiện mong muốn gửi gắm chút tấm lòng cho tuyến đầu chống dịch. Tuy rằng sự đóng góp còn khá khiêm tốn nhưng đó là tấm lòng của các cá nhân, cộng đồng doanh nghiệp trong bối cảnh gặp muôn vàn khó khăn bởi dịch bệnh".

Ông Trai cũng nói rằng chương trình góp vắc xin của báo Tuổi Trẻ là một trong số các chiến lược rất quan trọng, không chỉ giải quyết vấn đề sức khỏe cho người dân mà còn tăng năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong thời gian tới. 

"Chúng tôi, cộng đồng doanh nghiệp, rất mong muốn đóng góp vào việc thúc đẩy nhanh việc có vắc xin, cùng phối hợp với hệ thống y tế triển khai chích ngừa cho người dân một cách sớm nhất, an toàn nhất", ông Trai khẳng định.

Chúng tôi, những chiến binh không đơn độc - Ảnh 2.

Các hoạt động của chương trình "Cùng Tuổi Trẻ phòng chống dịch COVID-19" - Đồ họa: TUẤN ANH

Hơn 6,6 tỉ đồng

Đó là số tiền đã được gửi đến chương trình "Cùng Tuổi Trẻ góp vắc xin COVID-19" (tính đến chiều 10-3). 149.034 lượt người đã chung tay đóng góp cho chương trình. Trong đó, 2.250 lượt cá nhân và đơn vị đã chuyển khoản và đóng góp tiền mặt với số tiền gần 5,974 tỉ đồng tại báo Tuổi Trẻ; hơn 146.000 lượt cá nhân và đơn vị đóng góp hơn 661 triệu đồng qua ví điện tử MoMo.

Lời tri ân

Thay mặt báo Tuổi Trẻ, tôi trân trọng, cảm phục, tri ân những cống hiến lớn lao của lực lượng tuyến đầu chống dịch, đồng thời gửi lời cảm ơn đến các công ty, cá nhân, đơn vị đã có nhiều đóng góp và có sáng kiến đồng hành cùng báo Tuổi Trẻ qua chương trình "Cùng Tuổi Trẻ chống dịch COVID-19" và nay là chương trình "Cùng Tuổi Trẻ góp vắc xin COVID-19".

Ông Lê Thế Chữ (tổng biên tập báo Tuổi Trẻ)

Ông Đỗ Hữu Hào (phó tổng giám đốc Công ty TNHH LaVie tại Việt Nam):

Hi vọng được góp sức

ong hao lavie

Ông Đỗ Hữu Hào

Chương trình "Cùng Tuổi Trẻ chống dịch COVID-19" đã khơi dậy tinh thần cộng đồng. Xuyên suốt thời gian qua, chúng tôi vinh dự được đồng hành cùng báo chung tay đẩy lùi dịch bệnh. Thời gian sắp tới, chúng tôi hi vọng được góp một phần nào đó cho chương trình "Cùng Tuổi Trẻ góp vắc xin COVID-19", cùng với cộng đồng ngăn ngừa dịch bệnh.

TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu (giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM):

Sẽ rất khó khăn nếu chỉ chờ ngân sách

thietbiyte

TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu

Với các bệnh viện, máy thở ECMO, máy lọc máu, máy monitor là các trang bị cực kỳ cần thiết cho bệnh nhân viêm phổi nặng do nhiễm COVID-19. Điển hình như bệnh nhân phi công người Anh cần phải sử dụng đến hệ thống ECMO trong vòng 3 tháng, sau đó mới hồi sinh. Các thiết bị y tế mà báo Tuổi Trẻ cùng các doanh nghiệp trao tặng có thể nói là món quà rất thực tế và vô cùng quý giá để cứu sống, điều trị tốt hơn cho người bệnh.

Tôi đánh giá cao chương trình "góp vắc xin COVID-19" mà báo đang triển khai. Trong điều kiện kinh tế hiện nay, sẽ khó khăn hơn nếu chỉ chờ đợi ngân sách. Do đó sự kêu gọi toàn xã hội đồng hành đóng góp thêm kinh phí cùng với Nhà nước mua vắc xin là điều rất tốt. Chỉ khi miễn dịch cộng đồng từ 60 - 80%, chúng ta mới hi vọng ngăn chặn được COVID-19 ở nước ta.

Ông Ngô Minh Hải (phó bí thư Thành đoàn TP.HCM):

Mong sự hưởng ứng mạnh mẽ từ cộng đồng

ngo-minh-hai-

Ông Ngô Minh Hải

Tôi đánh giá rất cao việc báo Tuổi Trẻ phối hợp với Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM có hoạt động trao tặng các trang thiết bị y tế rất phù hợp với thực tế phòng và điều trị bệnh nhân nhiễm COVID-19. Trong hành trình đồng hành chống dịch, Tuổi Trẻ là cơ quan truyền thông rất kịp thời có những lời kêu gọi đóng góp phù hợp, phát động các chương trình có ý nghĩa xã hội cao.

Nằm trong chương trình "Cùng Tuổi Trẻ chống dịch COVID-19", gần đây báo Tuổi Trẻ phát động chương trình "Cùng Tuổi Trẻ góp vắc xin COVID-19" rất kịp thời. Tôi mong rằng chương trình "Cùng Tuổi Trẻ góp vắc xin COVID-19" sẽ được sự hưởng ứng mạnh mẽ từ các đơn vị, doanh nghiệp, các đoàn viên, thanh niên để có thêm các điều kiện cung cấp vắc xin sớm cho người dân vượt qua đại dịch.

HOÀNG LỘC

Chúng tôi, những chiến binh không đơn độc - Ảnh 9.

Trình bày: NGỌC THÀNH

Báo Tuổi Trẻ trao tặng thiết bị y tế trị giá 6,5 tỉ đồng cho Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM Báo Tuổi Trẻ trao tặng thiết bị y tế trị giá 6,5 tỉ đồng cho Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM

TTO - Chương trình “Cùng Tuổi Trẻ chống dịch COVID-19” do báo Tuổi Trẻ và Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM phát động tổ chức trao tặng thiết bị y tế trị giá khoảng 6,5 tỉ đồng cho Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM.

HOÀNG LỘC thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên