20/05/2020 09:04 GMT+7

Cho tôi gửi gắm những học trò nghèo...

PHẠM ĐƯỢC (Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Đà Nẵng)
PHẠM ĐƯỢC (Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Đà Nẵng)

TTO - Kế nhà tôi có khu trọ 10 phòng. Những người thuê vừa trở lại thành phố sau nhiều tháng trả phòng vì mất việc. Họ dọn dẹp phòng, cho con cái ăn mà ánh mắt chứa đầy sự lo lắng.

Cho tôi gửi gắm những học trò nghèo... - Ảnh 1.

Một ngày đầu tháng 4, tôi đèo con gái ra trước cổng trường gần nhà để hai cha con cùng ăn sáng. Theo thói quen, tôi tìm đến ủng hộ bà Võ Thị Ngọc Thương, một người nhiều năm nay đứng bán đồ vặt trước cổng Trường Lê Văn Hiến để nuôi con trai mình là Phan Ngọc Quý. 

Mẹ bán xôi, hoàn cảnh vô cùng khó khăn, nhưng Quý luôn là học sinh giỏi của Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Đà Nẵng). Tôi cũng như nhiều giáo viên khác đều ghé hàng xôi của bà Thương với mong muốn góp thêm được khoản thu nhập ít ỏi giúp hai mẹ con tiếp tục theo nhau tới ngày Quý ra trường, thành đạt.

Nhưng từ tháng 4 trở đi, gánh xôi "bốc khói" của mẹ Quý không còn đứng ngóng người qua ở cổng trường nữa. Dịch COVID-19 đã khiến cả thành phố vắng lặng, cổng trường đìu hiu. Tôi cầm điện thoại gọi cho bà Thương thì bà bảo rằng đã nhiều ngày không thể ra đường với gánh xôi - nơi mà hằng ngày dù không nhiều nhưng đủ cho mẹ con bà bát cơm qua ngày. 

"Mọi thứ khó khăn ngoài sức tưởng tượng thầy ạ. Tui đang lo không biết rồi thằng Quý làm sao có tiền để tiếp tục đi học, rồi vào đại học…" - bà Thương nói.

Không thể ra đường, gia đình tôi còn có lương của Nhà nước bảo đảm, nhưng không ra đường thì những người lao động tự do như mẹ con Quý sẽ ra sao?

Và khi đang viết những dòng này, tôi chợt nhớ ra rằng mình không chỉ có cậu học trò nghèo Phan Ngọc Quý đi học bao nhiêu năm dựa vào gánh xôi của mẹ mà còn rất nhiều em khác. 

Các em đều học rất giỏi và thường ngày vốn đã khó khăn lắm để có thể đến trường trên đồng thu nhập lao động tự do ở hè phố, công trường, quán ăn của cha mẹ, nay trong dịch bệnh các em phải chông chênh nhiều hơn. 

Đó là em Ngô Thị Ý Nhi. Nhi là cô trò ngoan, học rất giỏi mà tôi rất quý mến. Cũng như Quý và những học trò nghèo của tôi, Nhi đi học dựa vào đồng thu nhập từ nghề cắt tóc của mẹ, gia đình nhiều năm nay là hộ nghèo.

Tôi đi về xóm nghèo nơi mình đang ở và nhìn những khuôn mặt nặng trĩu nỗi lo âu. Kế nhà tôi có khu trọ 10 phòng. Những người thuê đã vừa trở lại thành phố sau nhiều tháng trả phòng vì mất việc. Họ dọn dẹp phòng, cho con cái ăn mà ánh mắt chứa đầy sự lo lắng.

Là giáo viên, tôi chứng kiến nhiều học trò có hoàn cảnh khó khăn vẫn không ngừng phấn đấu vươn lên trong cuộc sống. 

Cũng chưa bao giờ tôi vắng mặt trong các buổi lễ trao học bổng Tiếp sức đến trường của báo Tuổi Trẻ ở Đà Nẵng. Và năm nay khi nghĩ về học bổng đầy nhân văn này, trong tôi lại thấy hồi hộp. Khó khăn quá sức tưởng tượng từ dịch bệnh, liệu học bổng có tiếp tục diễn ra như thường lệ hay không? 

Và khi đang trong những âu lo, tôi lại được biết có thêm một học bổng nữa được khai sinh ngay trong những ngày mà cả nước đang khó khăn nhất vì COVID-19: học bổng Tiếp sức đến trường sau dịch. 

Tôi liên hệ với báo Tuổi Trẻ như một nơi gửi gắm những nỗi lòng, gửi gắm những học trò nghèo của tôi, để mong sao tìm một cơ may đưa các em đến gần hơn với những vòng tay ấm áp của các nhà hảo tâm từ kết nối của báo Tuổi Trẻ mà tôi chưa bao giờ thấy có sự chối từ hay e ngại.

Học bổng tiếp sức đến trường - bệ phóng cho tuổi 18 Học bổng tiếp sức đến trường - bệ phóng cho tuổi 18

TTO - Cái hay của chương trình học bổng Tiếp sức đến trường là nhiều nhân vật được báo đăng đã được các nhà hảo tâm nhận giúp đỡ hằng tháng cho đến khi ra trường.

PHẠM ĐƯỢC (Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Đà Nẵng)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên