12/10/2019 12:58 GMT+7

Học bổng tiếp sức đến trường - bệ phóng cho tuổi 18

NGÔ KHẮC VŨ (giáo viên Trường THPT số 2  Mộ Đức, Quảng Ngãi)
NGÔ KHẮC VŨ (giáo viên Trường THPT số 2 Mộ Đức, Quảng Ngãi)

TTO - Cái hay của chương trình học bổng Tiếp sức đến trường là nhiều nhân vật được báo đăng đã được các nhà hảo tâm nhận giúp đỡ hằng tháng cho đến khi ra trường.

Học bổng tiếp sức đến trường - bệ phóng cho tuổi 18 - Ảnh 1.

Thầy Ngô Khắc Vũ (thứ hai, từ phải sang) cùng các học sinh - Ảnh: TRẦN MAI

Thời sinh viên, tôi là bạn đọc trung thành của báo Tuổi Trẻ. Lúc đó, tôi có ấn tượng sâu sắc về loạt bài "Nhật ký Đặng Thùy Trâm", "Mãi mãi tuổi hai mươi" Nguyễn Văn Thạc được đăng tải hằng kỳ trên báo.

Ra trường, về quê dạy học, với tôi Tuổi Trẻ vẫn như người bạn đồng hành. Năm 2009, trường tôi có học sinh Bùi Minh Tiến đậu Trường ĐH Ngoại thương TP.HCM với số điểm khá cao nhưng gia cảnh em quá khó khăn. Tôi tìm đến chương trình Tiếp sức đến trường của Tuổi Trẻ, sau đó Tiến được cấp học bổng và được tiếp tục đến trường. Có thể nói đó là cơ duyên đầu tiên tôi đến với chương trình.

“Những câu chuyện được giới thiệu là niềm cảm hứng, động lực để các em có hoàn cảnh khó khăn noi theo và tiếp bước đến trường. Và tôi nguyện mãi làm một “cộng tác viên” để giới thiệu cho báo Tuổi Trẻ những hoàn cảnh xứng đáng để nhận học bổng như thế!

Năm đó, báo phát động chương trình Bạn tôi - Người vượt khó. Tôi tham gia viết bài, giới thiệu những em học sinh mồ côi, khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn vươn lên đạt thành tích cao trong học tập. Nhiều lần cùng học trò đi TP.HCM, Thừa Thiên Huế, Hà Nội nhận học bổng, tôi thật sự xúc động và biết ơn những chương trình đầy nhân văn, ý nghĩa này.

Một lần đi khảo sát hoàn cảnh học sinh khó khăn, tôi ứa nước mắt khi nhìn thấy mâm cơm hằng ngày của gia đình em học sinh mồ côi cha. Bữa ăn của gia đình em chỉ có một chén mắm cái và nồi canh cải nấu với dầu. Ăn như thế làm sao đủ sức khỏe để tiếp tục con đường dài phía trước!

Những dòng suy nghĩ về hoàn cảnh của em thôi thúc tôi viết và gửi câu chuyện đến báo Tuổi Trẻ, bài báo "Ước mơ bên đường ray xe lửa" năm 2014 viết về em Nguyễn Thị Kiều Oanh, học sinh lớp 11A1 Trường THPT số 2 Mộ Đức, Quảng Ngãi. Sau bài báo đó, quý ân nhân tìm đến gia đình và giúp đỡ em rất nhiều, nhờ đó em đã vượt qua khó khăn tiếp tục đi học và nay em đã là sinh viên năm thứ 4 của Trường ĐH Kinh tế - luật TP.HCM.

Sau những lần tôi cùng các em tân sinh viên làm hồ sơ nhận học bổng Tiếp sức đến trường, nhiều học sinh các huyện lân cận cũng tìm đến học bổng này, và quý nhà hảo tâm, bạn bè các quỹ học bổng tin tưởng tìm đến trao học bổng cho các em học sinh.

10 năm qua, nhiều học sinh địa phương tôi vượt qua khó khăn, nhiều em trở thành bác sĩ, kỹ sư, cử nhân, giáo viên... Nhiều em có công việc ổn định, nhiều em đang là sinh viên giỏi ở các trường ĐH.

Có gia đình ba chị em Lê Thị Hiền, Lê Thị Như Ý, Lê Thị Như Huỳnh ở xã Đức Minh, huyện Mộ Đức đều nhận học bổng Tiếp sức đến trường. Năm đó, Lê Thị Hiền vừa có kết quả trúng tuyển vào Trường ĐH Ngoại thương TP.HCM thì ba em mất sau một cơn đau tim, bỏ lại ba chị em Hiền, mẹ em không có việc làm ổn định. Chương trình Tiếp sức đến trường trao học bổng cho Hiền để em tiếp tục đi học, rồi lần lượt hai em của Hiền nối gót chị vào ĐH cũng bắt đầu từ học bổng Tiếp sức đến trường.

Nay Hiền và Ý đã tốt nghiệp ĐH và có việc làm ổn định, Huỳnh đã bước vào năm cuối Trường ĐH Y dược TP.HCM. Gia đình các em xem học bổng Tiếp sức đến trường như bệ phóng cho ba cuộc đời.

Cái hay của chương trình học bổng Tiếp sức đến trường là nhiều nhân vật được báo đăng đã được các nhà hảo tâm nhận giúp đỡ hằng tháng cho đến khi ra trường. Có những học sinh của tôi còn được ký túc xá Cỏ May (TP.HCM) nhận vào ở, nuôi ăn học miễn phí cho đến khi ra trường.

Lan tỏa điều tử tế

tsđt hue

Ông Nguyễn Dung - phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế (trái) - cùng PGS.TS Nguyễn Thiện Tống trao tận tay các suất học bổng đến tân sinh viên - Ảnh: A.NHIÊN

Cho dù mỗi tân sinh viên có một câu chuyện khác nhau, có một điều chung là cùng mang đến cho bạn đọc niềm xúc động và ước muốn được san sẻ. Và sự san sẻ ấy ngày càng được nhân lên, bền bỉ nhiều năm từ rất nhiều bạn đọc của Tuổi Trẻ. Người dành dụm chút lương hưu hằng tháng, người tặng cả khoản tiền để dành nhiều năm để góp vào quỹ học bổng. Có cả những nhà hảo tâm đã từng trải qua thời tuổi trẻ gian nan như thế. Và những tấm lòng hảo tâm tiếp nối, cùng chờ mùa học bổng năm sau.

Ông Lê Quốc Phong - nguyên tổng giám đốc Công ty cổ phần Phân bón Bình Điền, một trong những người nhiều năm đồng hành cùng quỹ học bổng này từ chương trình đầu tiên - mỗi khi nghe các bạn trẻ nói lời cảm ơn, ông luôn bày tỏ: "Chúng tôi cần phải cảm ơn các bạn. Những khi gặp khó khăn trong thương trường, chúng tôi lại nghĩ về câu chuyện của các bạn. Những gian nan mà các bạn vượt qua đã tiếp thêm sức mạnh cho chúng tôi".

17 năm qua, sức lan tỏa của chương trình đến cộng đồng không chỉ là những số tiền đã hỗ trợ, chất chứa trong những câu chuyện mỗi mùa học bổng là nguồn năng lượng tích cực và lan tỏa câu chuyện nghị lực, sự tử tế trong cộng đồng.

Sự tử tế từ những người góp tay cho học bổng và những tấm gương đời của các bạn trẻ nhận học bổng - đó cùng là điều xã hội hôm nay luôn đang chờ đợi!

Thay lời tri ân

Sau 17 năm, chương trình học bổng Tiếp sức đến trường đã hỗ trợ 19.344 tân sinh viên khó khăn đến giảng đường đại học, cao đẳng với tổng số tiền hơn 134 tỉ đồng.

Ban biên tập báo Tuổi Trẻ trân trọng cảm ơn sự đóng góp, ủng hộ của Quỹ "Đồng hành nhà nông", Công ty cổ phần phân bón Bình Điền, CLB "Nghĩa tình Quảng Trị", CLB "Tiếp sức đến trường Thừa Thiên Huế", CLB "Tiếp sức đến trường Quảng Nam - Đà Nẵng", CLB "Tiếp sức đến trường" Tiền Giang - Bến Tre tại TP.HCM, Hội doanh nhân Tiền Giang, Bến Tre tại TP.HCM, Quỹ khuyến học Vinacam, Liên hiệp HTX Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op), Công ty cổ phần Vinacam, Công ty CP phát triển bất động sản Phát Đạt, Ủy ban Tương trợ người Việt Nam tại Đức, GS Phan Lương Cầm - phu nhân cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Công ty TNHH sản xuất Duy Lợi, Công ty TNHH TMDV Nụ Cười Vui, Công ty Nestlé Việt Nam, Agribank Lý Thường Kiệt (TP.HCM), cùng các doanh nghiệp, nhà hảo tâm và đông đảo bạn đọc báo Tuổi Trẻ đã cùng chung tay duy trì và phát triển chương trình học bổng này...

Tuổi Trẻ trân trọng cảm ơn quý bạn đọc hảo tâm đã chia sẻ, đóng góp cho chương trình Tiếp sức đến trường. Những đóng góp quý giá có ý nghĩa xã hội lớn, có khi đến từ những bạn đọc nhín chút lương, của cả kiều bào gửi từ nước ngoài về, từ những người từng đi qua khó khăn nay muốn chia sẻ cho bạn trẻ; có đóng góp của những bạn từng nhận học bổng của chương trình, nay dìu dắt đàn em vượt khó trước cánh cửa giảng đường.

Tuổi Trẻ trân quý những đóng góp của bạn đọc, dù ít dù nhiều; cứ đến đầu năm học mới, bạn đọc lại đồng hành cùng chúng tôi, cùng chia sẻ tấm lòng và nhân lên ý nghĩa tốt đẹp từ những tấm gương nghị lực bạn trẻ.

Tuổi Trẻ đăng danh sách các đơn vị và cá nhân hảo tâm đã đóng góp cho chương trình Tiếp sức đến trường 2019 trên trang IV (trang quảng cáo) số báo hôm nay, 12-10-2019. Trân trọng cảm ơn.

Mẹ thuê nhà trọ gần trường đại học để bế con vào giảng đường Mẹ thuê nhà trọ gần trường đại học để bế con vào giảng đường

TTO - Một câu chuyện về sự học của con có sự đồng hành của mẹ vừa bùi ngùi, ấm áp, lại vừa toát lên sự tự tin, tươi sáng ở tương lai đang được viết nên hằng ngày...

NGÔ KHẮC VŨ (giáo viên Trường THPT số 2 Mộ Đức, Quảng Ngãi)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên