Để làm rõ vấn đề này, Tuổi Trẻ đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hữu Thiết - phó chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP.HCM.
Ông Nguyễn Hữu Thiết cho biết việc bắt chó thả rông đã được ngành thú y triển khai tại TP.HCM từ rất sớm. Mục đích ban đầu của việc này là phục vụ cho công tác phòng, chống và kiểm soát bệnh dại trên chó, mèo một cách hiệu quả và góp phần kiểm soát bệnh dại trên người.
Đến năm 2016, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành quy định phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn thuộc trách nhiệm của UBND cấp xã. Do đó, hiện nay Chi cục Chăn nuôi và Thú y không có chức năng và không trực tiếp thực hiện việc bắt chó thả rông trên địa bàn.
Theo quyết định mới nhất số 1464/QĐ-UBND ngày 4-5-2022 của UBND TP.HCM (căn cứ từ các thông tư của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện (địa phương) có trách nhiệm lập sổ quản lý chó nuôi, rà soát, thống kê, cập nhật thông tin chó được tiêm phòng trên địa bàn.
Đồng thời, quy định trách nhiệm của địa phương về việc thành lập và có cơ chế cho các đội xử lý chó thả rông, thực hiện việc bắt chó thả rông. Xử lý các trường hợp vi phạm quy định về phòng, chống bệnh dại như: không tiêm phòng vắc xin dại cho chó, nuôi chó thả rông, không xích giữ chó và không đeo rọ mõm nơi công cộng; để chó phóng uế nơi công cộng.
Địa phương sẽ thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng về địa điểm tạm giữ chó bị bắt để chủ vật nuôi đến nhận, áp dụng các biện pháp xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ vật nuôi, quyết định biện pháp xử lý chó bị bắt giữ trong trường hợp sau 48 giờ kể từ khi có thông báo mà không có người nhận.
Tuy không trực tiếp thực hiện bắt chó thả rông, nhưng chi cục vẫn hỗ trợ việc này thông qua tập huấn, hướng dẫn cách bắt chó cho các địa phương và hỗ trợ các xe chuyên dụng, dụng cụ bắt chó, lồng nhốt...
Nhiều địa phương bắt và xử lý chó thả rông tốt
Trước tình trạng chó thả rông, không đeo rọ mõm diễn ra phức tạp, gây ô nhiễm môi trường, đe dọa sự an toàn của người dân, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tăng cường công tác quản lý chó nuôi phục vụ công tác phòng, chống bệnh dại gửi các địa phương.
"Các địa phương nên triển khai bắt và xử lý chó thả rông trên địa bàn quản lý. Một số địa phương đã triển khai tốt công tác này như xã Long Hòa, xã Tam Thôn Hiệp (thuộc huyện Cần Giờ) và phường Hiệp Bình Chánh (TP Thủ Đức), cần được nhân rộng và phát huy.
Ngoài ra, chính quyền địa phương cần chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, xử phạt nghiêm các trường hợp có hành vi vi phạm các quy định liên quan đến chó thả rông, không tiêm phòng bệnh dại", phó chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP.HCM cho hay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận