20/02/2023 13:35 GMT+7

Vụ chó cắn du khách: Nha Trang lập lại đội bắt chó thả rông

Thông tin này được lãnh đạo UBND TP Nha Trang (Khánh Hòa) cho hay sau vụ chó cắn du khách.

Vụ chó cắn du khách: Nha Trang lập lại đội bắt chó thả rông - Ảnh 1.

Khu vực chó cắn du khách nước ngoài - Ảnh: HOÀI BÃO

Sau việc chó cắn du khách nước ngoài phải đi cấp cứu, địa phương đã chỉ đạo kiểm tra để tránh ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch của thành phố.

Ông Nguyễn Chí Dũng - chủ tịch UBND xã Vĩnh Hiệp - cho hay con chó cắn du khách sáng 19-2 thuộc hộ ông Đỗ Xuân Tùng (đường 23-10, xã Vĩnh Hiệp) là giống Alabai, có giấy xác nhận nguồn gốc và tiêm chủng. Thời điểm chó cắn du khách, chó bị tuột xích. Trước đó con chó này đã cắn cha vợ ông Tùng và người bán vé số.

"Trong ngày hôm nay, lực lượng thú y thành phố đến làm việc với hộ nuôi, công an xã đã lập biên bản và chuyển về thành phố xử lý. Chủ chó cũng cử người thăm nạn nhân, họ cũng biết được trách nhiệm của mình", ông Dũng nói.

Theo ông Dũng, trước đây thành phố có thành lập mô hình bắt chó thả rông tuy nhiên không có nơi trông quản, việc áp dụng quy trình tạm giữ xử lý chó cũng rất khó khăn… Sau đó, mô hình này phải dừng lại.

Vụ chó cắn du khách: Nha Trang lập lại đội bắt chó thả rông - Ảnh 2.

Vết máu vương vãi ngay trước cửa nhà nơi chó tấn công hai vị khách nước ngoài - Ảnh: HOÀI BÃO

Vụ chó cắn du khách: Nha Trang lập lại đội bắt chó thả rông - Ảnh 3.

Các bác sĩ tiến hành cắt bỏ lọc vết thương do chó cắn - Ảnh bệnh viện cung cấp

Lãnh đạo UBND TP Nha Trang thông tin thành phố có phối hợp với Chi cục Thú y tỉnh thành lập tổ liên ngành chuyên trách gồm: Chi cục Thú y, Công an, Đội thanh niên xung kích, Phòng Quản lý đô thị tổ chức tuyên truyền, nhắc nhở, đẩy đuổi và xử lý các trường hợp dắt, thả rông chó không được rọ mõm.

Tuy nhiên, từ khi có thông tư số 24 năm 2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bổ sung một số điều của thông tư số 07 năm 2016 về phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn, có hiệu lực từ ngày 7-2-2020 quy định: "Đối với cấp xã: quy định cụ thể việc bắt, giữ chó thả rông ở nơi công cộng thuộc địa bàn quản lý, thành lập các đội chuyên trách để bắt chó thả rông và động vật mắc bệnh dại, có dấu hiệu mắc bệnh dại; thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng về địa điểm tạm giữ chó bị bắt để chủ vật nuôi đến nhận; áp dụng biện pháp xử phạt hành chính đối với chủ vật nuôi; quyết định biện pháp xử lý chó bị bắt trong trường hợp 48 giờ kể từ khi có thông báo mà không có người nhận".

Điều này đã gây khó khăn cho UBND các xã, phường do thiếu nhân lực hoặc nhân lực không đủ chuyên môn. Bên cạnh đó, chưa có các văn bản hướng dẫn đầy đủ, cụ thể về quy trình xử lý, phương tiện và trang thiết bị, dụng cụ bắt chó là tự chế thô sơ… tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn cho người làm nhiệm vụ.

Ngoài ra, tại các địa phương chưa bố trí được khu vực tạm thời nuôi, nhốt chó vi phạm hoặc quá thời gian lưu giữ nhưng chủ vật nuôi không đến đóng phạt lại tạo thêm rất nhiều khó khăn trong công tác xử lý vi phạm. Vì vậy, các địa phương và các lực lượng chức năng thành phố chỉ thực hiện nhiệm vụ nhắc nhở, xua đuổi mà không có biện pháp xử lý cụ thể bằng việc tạm giữ vật nuôi và xử phạt vi phạm hành chính nên nhiều hộ nuôi vẫn vi phạm.

"Thành phố đã chỉ đạo địa phương nghiên cứu thành lập các đội bắt chó, nhưng hiện nay chưa đủ cơ sở, trang thiết bị, nghiệp vụ để thực hiện. Hiện thành phố đang chờ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn và có kiến nghị lên các cơ quan, ban ngành.

Trước mắt sẽ tiếp tục chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, buộc các chủ nuôi chó phải có cam kết không để chó thả rông, chích ngừa đầy đủ cho chó, có rọ mõm bảo hiểm khi đưa chó ra đường và đảm bảo giữ vệ sinh môi trường..., hộ nào sai phạm sẽ lập biên bản xử lý theo quy định", lãnh đạo UBND TP Nha Trang thông tin.

Chó dù có tiêm vắc xin dại, khi cắn vẫn có nguy cơ nhiễm trùng

Vụ chó cắn du khách: Nha Trang lập lại đội bắt chó thả rông - Ảnh 4.

Nam du khách Staker Zachary Paul vẫn chưa hết bàng hoàng khi chó tấn công mình - Ảnh: MINH CHIẾN

Bác sĩ Trần Ngọc Khanh - khoa ngoại chấn thương chỉnh hình bỏng Bệnh viện Đa khoa Khánh Hòa - cho hay nạn nhân bị vết thương nặng ở tay phải: mặt trước cẳng tay phải của nạn nhân dài 8cm, mặt sau cánh tay phải 10cm, đứt cơ nhị đầu tay phải. Ở tay trái có vết thương bàn tay 2cm, vết thương cẳng tay 1cm.

"Ngay sau khi tiếp nhận nạn nhân, bệnh viện đã phẫu thuật trong sáng 19-2. Bằng cách cắt lọc vết thương, khâu cơ, khâu vết thương. Tuy tình hình của nạn nhân đã ổn định nhưng vẫn cần phải theo dõi vì chó cắn có nguy cơ nhiễm trùng rất cao", bác sĩ Khanh nói.

Cũng theo bác sĩ Khanh, dù cho có tiêm ngừa dại hay không, khi súc vật cắn vẫn có nguy cơ nhiễm trùng từ tuyến nước bọt của súc vật. Sau khi theo dõi xong, bệnh nhân phải tiếp tục tiêm ngừa vắc xin ngừa dại.

Đảo lộn kế hoạch du lịch

Vẫn chưa hết bàng hoàng, anh Staker Zachary Paul (18 tuổi, quốc tịch Anh) cho hay trong sáng 19-2, anh cùng bạn đi trên đường 23-10 thì bị chó cắn. Lúc này anh phải dùng balo và tay đánh vào đầu và mặt con chó, bên cạnh đó người dân và bạn của anh cũng cố gắng tách con chó ra khỏi người.

"Đến bây giờ tôi vẫn còn rất hoảng sợ, tôi dự định du lịch Nha Trang 3 ngày sau đó sẽ quay về Anh. Tuy nhiên toàn bộ kế hoạch phải gác lại vì vụ việc này xảy ra. Hai tay tôi vẫn còn rất đau, tôi mong mình sớm bình phục. Nếu không có sự giúp đỡ của mọi người, tôi không biết lúc đó mình sẽ ra sao", anh Paul nói.

Chó cắn du khách nước ngoài đi cấp cứuChó cắn du khách nước ngoài đi cấp cứu

Sáng 20-2, lãnh đạo UBND xã Vĩnh Hiệp, TP Nha Trang (Khánh Hòa) cho hay đang xác minh, giải quyết vụ chó cắn du khách nước ngoài đi cấp cứu xảy ra trên địa bàn xã này.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên