24/02/2023 12:36 GMT+7

Chiến sự Nga - Ukraine càng kéo dài, khó khăn càng lớn

Ngày 23-2, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc (LHQ) đã họp phiên đặc biệt nhân một năm xảy ra chiến sự tại Ukraine.

Đại sứ Đặng Hoàng Giang, trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ - Ảnh: LHQ

Đại sứ Đặng Hoàng Giang, trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ - Ảnh: LHQ

Cuộc họp thảo luận và bỏ phiếu dự thảo nghị quyết "Các nguyên tắc của Hiến chương LHQ về hòa bình toàn diện, công bằng và lâu dài tại Ukraine".

Việt Nam khẩn thiết kêu gọi các bên chấm dứt chiến sự, tránh hành động leo thang căng thẳng, nối lại đối thoại, đàm phán để tìm giải pháp hòa bình toàn diện, thỏa đáng, lâu dài cho các bất đồng.

Bộ Ngoại giao Việt Nam

Chủ tịch Đại hội đồng khóa 77 Csaba Korosi cho biết LHQ và toàn thể cộng đồng quốc tế đã thống nhất và nhiều lần kêu gọi chấm dứt cuộc chiến, tuân thủ Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế. 

"Nhìn lại một năm như lời nhắc nhở rằng các giải pháp quân sự sẽ không thể chấm dứt chiến tranh. Cuộc chiến này đã cướp đi sinh mạng, kế sinh nhai và cuộc sống của quá nhiều người", ông Korosi nói.

Trong khi đó Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres cho rằng một nền hòa bình thực sự và lâu dài cần phải đặt trên nền tảng Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế. 

Ông cho biết nội dung hiến chương đã nêu rất rõ là "tất cả thành viên, trong quan hệ quốc tế, nên kiềm chế đe dọa hoặc sử dụng vũ lực chống lại sự toàn vẹn lãnh thổ hoặc nền độc lập chính trị của bất cứ quốc gia nào".

"Chiến sự càng kéo dài thì khó khăn càng nhiều", ông Guterres nói. Ông cho biết cuộc chiến đến nay đã khiến hơn 8 triệu người phải đi tị nạn, ảnh hưởng đến nguồn cung lương thực, năng lượng ở nhiều nước. 

Ông cũng kêu gọi các nước thành viên ủng hộ sáng kiến mới đây của LHQ nhằm hỗ trợ nhân đạo trị giá 5,6 tỉ USD cho Ukraine.

Phiên họp kéo dài hai ngày và sẽ thảo luận, bỏ phiếu một dự thảo nghị quyết mới hướng tới mục tiêu chấm dứt cuộc chiến và lập lại hòa bình trong khu vực. 

Theo Hãng tin AFP, bản dự thảo nghị quyết nhấn mạnh tới "sự cần thiết phải đạt được càng sớm càng tốt một nền hòa bình lâu dài, công bằng và toàn diện ở Ukraine, phù hợp với các nguyên tắc của Hiến chương LHQ". 

Dự thảo tái khẳng định cam kết đối với "chủ quyền, độc lập, sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine".

Ukraine và những bên ủng hộ Kiev hy vọng dự thảo sẽ nhận số phiếu ủng hộ tương đương với nghị quyết được LHQ bỏ phiếu vào tháng 10-2022, trong đó 143 quốc gia đã ủng hộ việc lên án Nga sáp nhập các vùng lãnh thổ của Ukraine.

Trong khi đó, Nga cho rằng nước này đang chiến đấu với cả phương Tây, bên đang "giật dây" cuộc chiến ở Ukraine, trang bị vũ khí cho Kiev, cũng như áp đặt các biện pháp trừng phạt Matxcơva. 

Hãng tin Reuters dẫn lời Đại sứ Nga tại LHQ Vasily Nebenzya nói nghị quyết của LHQ sẽ không giúp ích cho cuộc xung đột mà chỉ khuyến khích phương Tây sử dụng LHQ như vỏ bọc.

Việt Nam kêu gọi chấm dứt xung đột Nga - Ukraine

Tại phiên họp đặc biệt nói trên, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ, đã bày tỏ quan ngại về tình hình xung đột tại Ukraine trong một năm qua cũng như trước diễn biến đáng lo ngại gần đây.

Cuộc xung đột không chỉ gây mất mát to lớn về người và của mà còn tác động tiêu cực đối với khu vực, thế giới và các nỗ lực chung trong thúc đẩy hợp tác quốc tế, ứng phó với các thách thức toàn cầu.

Trước tình hình đó, Việt Nam nhấn mạnh sự cần thiết tuân thủ luật pháp quốc tế, Hiến chương LHQ, nhất là các nguyên tắc cơ bản quan trọng hàng đầu là tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực.

Theo Bộ Ngoại giao, Việt Nam khẩn thiết kêu gọi các bên chấm dứt chiến sự, tránh hành động leo thang căng thẳng, nối lại đối thoại, đàm phán để tìm giải pháp hòa bình toàn diện, thỏa đáng, lâu dài cho các bất đồng.

Ngoài ra, Việt Nam kêu gọi LHQ, các nước, các tổ chức và đối tác quốc tế tiếp tục gia tăng nỗ lực để viện trợ, cứu trợ người dân bị ảnh hưởng trong xung đột, đồng thời ủng hộ vai trò, nỗ lực của LHQ và tổng thư ký LHQ trong tìm kiếm giải pháp.

Chiến sự Ukraine vẽ lại bức tranh dầu mỏ toàn cầu

Cuộc chiến Nga - Ukraine đã ảnh hưởng lớn đến thị trường dầu mỏ toàn cầu trong một năm qua.

Về giá, các biện pháp phản ứng của phương Tây đã khiến giá dầu thô Nga giảm mạnh, hiện được giao dịch ở mức thấp hơn nhiều so với mức giá trần 60 USD/thùng do G7 và Úc đưa ra từ ngày 5-12-2022.

Theo S&P Global, giá dầu Urals của Nga có giá 44,12 USD/thùng vào ngày 21-2, thấp hơn 38 USD/thùng so với dầu Brent. Về sản lượng, các chuyên gia dự đoán Nga sẽ giảm sản xuất dầu trong những tháng tới.

Phó thủ tướng Nga Alexander Novak trước đó đã ước tính nước này sẽ sản xuất khoảng 10,1 - 10,2 triệu thùng/ngày trong năm 2023, tức giảm 6% so với năm ngoái.

Bức tranh dầu mỏ có sự biến động khi các khách hàng lớn truyền thống của Nga không còn mua của họ nữa.

Thay vào đó, Nga tìm đến các thị trường mới, với khoảng 80% nguồn dầu của nước này trong năm 2023 sẽ chảy sang các nước như Ấn Độ, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, theo trang Energy Intelligence.

Cùng với đó bản đồ vận chuyển dầu mỏ toàn cầu cũng được vẽ lại. Theo báo Wall Street Journal, cuộc chiến Ukraine đã làm thay đổi hành trình của đội tàu chở dầu khắp thế giới.

Cho đến nay, Nga đã chuyển hướng xuất khẩu nhiều loại dầu thô để bán dầu giá rẻ cho các khách hàng mới, nhưng phải vận chuyển quãng đường xa hơn. Các tuyến vận chuyển dài đã khiến thị trường tàu chở dầu toàn cầu bị thu hẹp lại, trong khi một "đội tàu bóng tối" xuất hiện để giúp vận chuyển dầu Nga né các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Theo Wall Street Journal, tình hình sẽ còn biến động trong thời gian tới khi nhóm G7 áp giá trần và Liên minh châu Âu cấm vận dầu diesel và các loại sản phẩm dầu tinh chế khác của Nga từ tháng 2-2023.

Với biện pháp này, các nước như châu Âu sẽ phải tìm nguồn cung dầu diesel từ các thị trường khác để bù đắp.

Đầu tháng 2-2023, Hãng tin Reuters dẫn lời Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia Abdulaziz bin Salman cảnh báo các biện pháp trừng phạt của phương Tây có thể góp phần gây thiếu hụt nguồn cung năng lượng trong tương lai.

NGÔ HẠNH

Kinh tế Ukraine thích ứng ra sao dưới bom đạn?Kinh tế Ukraine thích ứng ra sao dưới bom đạn?

Nền kinh tế Ukraine năm 2022 hứng chịu tác động mạnh nhất trong hơn 30 năm vì cuộc chiến với Nga. Nhưng nó đã không sụp đổ bởi người dân giữ tinh thần thép, làm được điều không tưởng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên