28/05/2024 20:04 GMT+7

Chỉ 0,4% doanh nghiệp logistics chuyển đổi số đến cấp độ 6

Kết quả khảo sát cho thấy chỉ 0,4% doanh nghiệp dịch vụ logistics của Việt Nam chuyển đổi số đạt đến cấp độ cao nhất (cấp độ 6) có khả năng thích ứng.

Khảo sát cho thấy chỉ 0,4% doanh nghiệp dịch vụ logistics tại Việt Nam chuyển đổi số đạt được khả năng thích ứng với thị trường - Ảnh: T.THẮNG

Khảo sát cho thấy chỉ 0,4% doanh nghiệp dịch vụ logistics tại Việt Nam chuyển đổi số đạt được khả năng thích ứng với thị trường - Ảnh: T.THẮNG

Chiều 28-5, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng UBND TP Hải Phòng tổ chức diễn đàn logistics với chủ đề "Chuyển đổi số - động lực mới thúc đẩy tăng trưởng Vùng đồng bằng sông Hồng - Hải Phòng 2024".

0,4% doanh nghiệp dịch vụ logistics chuyển đổi số đạt khả năng thích ứng

Ông Phạm Tấn Công - chủ tịch VCCI Việt Nam - đánh giá những lợi ích từ chuyển đổi số mang lại là rất rõ ràng, nhưng ở Việt Nam hiện vẫn còn nhiều khó khăn cả ở cấp độ vĩ mô lẫn vi mô, cả ở cơ quan quản lý nhà nước, địa phương và doanh nghiệp.

Theo ông Công, có đến 90,5% doanh nghiệp dịch vụ logistics tham gia khảo sát trong năm 2023 cho biết đang ở giai đoạn số hóa, bao gồm cấp độ 1 là tin học hóa và cấp độ 2 là kết nối. 

Trong đó, phần lớn các doanh nghiệp đang ở cấp độ 2 (tỉ lệ chiếm tới 73,5%).

Chỉ có 5% doanh nghiệp dịch vụ logistics tiến lên cấp độ 3 là trực quan hóa và 2,2% ở cấp độ 4 là minh bạch hóa. 

Đặc biệt, có 1,9% doanh nghiệp tiến lên cấp độ 5 có khả năng dự báo và một con số rất "khiêm tốn" khi chỉ 0,4% doanh nghiệp dịch vụ logistics đạt được đến cấp độ cao nhất (cấp độ 6) có khả năng thích ứng.

Ông Phạm Tấn Công - chủ tịch VCCI Việt Nam - đánh giá công tác chuyển đổi số ngành logistics tại Việt Nam mới đang ở giai đoạn đầu, chưa thực sự được chú trọng và đầu tư đúng mức - Ảnh: T.THẮNG

Ông Phạm Tấn Công - chủ tịch VCCI Việt Nam - đánh giá công tác chuyển đổi số ngành logistics tại Việt Nam mới đang ở giai đoạn đầu, chưa thực sự được chú trọng và đầu tư đúng mức - Ảnh: T.THẮNG

"90% các doanh nghiệp dịch vụ logistics ở Việt Nam còn đang ở giai đoạn số hóa. Điều này cho thấy việc chuyển đổi số trong ngành logistics tại Việt Nam mới đang ở giai đoạn đầu, chưa thực sự được chú trọng và đầu tư đúng mức" - ông Công bày tỏ.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đức Hiển - phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương - nhấn mạnh: So với các vùng kinh tế khác thì Vùng đồng bằng sông Hồng là nơi có hệ thống hạ tầng giao thông kết nối đồng bộ và tốt nhất cả nước, với đầy đủ 5 phương thức vận tải (đường bộ, đường biển, đường sông, đường hàng không, đường sắt) cùng ba tuyến hành lang kinh tế đi qua.

Năm 2023, Việt Nam lọt top 10 trong số 50 thị trường logistics mới nổi trên thế giới, nhưng ông Hiển đánh giá ngành logistics vẫn còn những hạn chế như: vận tải hàng hóa trong nước chủ yếu là đường bộ, chi phí logistics còn ở mức cao, năng lực và chất lượng dịch vụ, tính chuyên nghiệp còn hạn chế.

Đặc biệt, dù chuyển đổi số có nhiều kết quả tích cực nhưng cơ bản vẫn còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu.

Ông Nguyễn Đức Hiển - phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương - nhấn mạnh yêu cầu chuyển đổi số trong ngành logistics không nằm ngoài xu thế chung của toàn bộ nền kinh tế - Ảnh: T.THẮNG

Ông Nguyễn Đức Hiển - phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương - nhấn mạnh yêu cầu chuyển đổi số trong ngành logistics không nằm ngoài xu thế chung của toàn bộ nền kinh tế - Ảnh: T.THẮNG

Ông Hiển kiến nghị giải pháp tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng công tác thể chế, nhất là việc thể chế hóa kịp thời các quan điểm, đường lối của Đảng trong phát triển logistics và quá trình chuyển đổi số của ngành. Phát huy vai trò của logistics thúc đẩy liên kết vùng, liên kết giữa các địa phương nội vùng mạnh mẽ...

Ngành logistics cần động lực đột phá mới

Ông Trần Thanh Hải - phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương - khẳng định Vùng đồng bằng sông Hồng có lợi thế lớn để thúc đẩy logistics khi vừa tiếp giáp với biển vừa tiếp giáp thị trường khu vực Đông Bắc Á, trước hết là Trung Quốc.

Tuy nhiên, ông Hải cho rằng vẫn còn một số hạn chế khi cơ sở hạ tầng chưa kết nối đồng bộ, chưa phát huy vai trò của đường sắt và đường thủy nội địa.

Cần phải xem xét một số động lực đột phá mới như triển khai khu thương mại tự do - một loại hình mang lợi thế tổng hợp khi doanh nghiệp sản xuất và logistics có thể cùng tham gia hoạt động.

Các đại biểu thảo luận nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy ngành logistics Vùng đồng bằng sông Hồng - Ảnh: T.THẮNG

Các đại biểu thảo luận nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy ngành logistics Vùng đồng bằng sông Hồng - Ảnh: T.THẮNG

Khu thương mại tự do gắn với cảng biển, sân bay, cửa khẩu sẽ là trợ lực, cộng sinh cho cảng cũng như tạo thuận lợi rất lớn cho doanh nghiệp, qua đó lượng hàng hóa vào cảng, hàng hóa xuất nhập khẩu tăng lên, giúp cho dịch vụ logistics tăng lên.

Thế nhưng, ông Hải cho rằng vấn đề khó khăn hiện nay là cơ sở pháp lý cho khu thương mại tự do chưa thể hiện rõ ràng. Đây là điểm nghẽn và một số địa phương nỗ lực thiết lập khu thương mại tự do.

"Mới đây, thành phố Đà Nẵng đang kiến nghị có cơ chế trong nghị quyết đặc thù của Quốc hội để có thể được làm. Phải chăng, đây là cách làm để một số địa phương trong vùng có thể nghiên cứu, sớm đưa khu thương mại tự do vào hoạt động" - ông Hải nêu.

Chủ tịch Hiệp hội Logistics TP.HCM: Cần xây dựng thương hiệu cá nhân ngay từ khi là sinh viênChủ tịch Hiệp hội Logistics TP.HCM: Cần xây dựng thương hiệu cá nhân ngay từ khi là sinh viên

Theo chủ tịch Hiệp hội Logistics TP.HCM, sinh viên là những người giàu có về thời gian, do vậy nên biết tận dụng sự "giàu có" này.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên