Chiều 21-5, tại buổi giao lưu với sinh viên Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM), bà Đặng Minh Phương - sáng lập MP Logistics, chủ tịch Hiệp hội Logistics TP.HCM - đặt câu hỏi sinh viên hiểu thế nào về chuyện các bạn phải cho đi để được nhận lại.
Một số sinh viên so sánh khi vào một doanh nghiệp thực tập, các bạn phải thể hiện được những kiến thức, kỹ năng gì đó để "cho" thì doanh nghiệp mới "nhận" vào làm việc.
Theo bà Phương, ở đây có thể hiểu đơn giản rằng sinh viên nên "cho đi" thời gian của mình và sẽ "nhận lại" được những giá trị. Cụ thể, thời gian của một sinh viên thường rất nhiều, tuy nhiên nhiều bạn không tận dụng được hết cho những hoạt động sẽ tạo giá trị khi đi làm sau này.
Ví dụ, một sinh viên biết đầu tư thời gian tham gia những hoạt động câu lạc bộ, đoàn hội, tổ chức những sự kiện cho trường, cho cộng đồng sẽ luôn được các doanh nghiệp đánh giá cao khi tuyển dụng.
Nhà tuyển dụng thường xem đây là những người có kinh nghiệm, năng động, sở hữu nhiều kỹ năng cộng tác, giao tiếp…
Ngược lại, những sinh viên suốt những năm đi học không tham gia bất kỳ hoạt động nào sẽ khó lọt vào "mắt xanh" tuyển dụng.
"Sinh viên là những người rất giàu thời gian, hãy cho đi thời gian và bạn sẽ nhận lại được rất nhiều kinh nghiệm và bài học cho mình", bà Phương nói.
Đồng thời, việc đầu tư thời gian phải tuân theo những kế hoạch 5 năm. Chẳng hạn, khi sinh viên trúng tuyển đại học, hãy lên một kế hoạch 5 năm kể từ ngày trúng tuyển đại học và lên kế hoạch phân bổ thời gian để đạt được.
Tương tự, khi ra trường có việc làm, hãy tiếp tục đặt mục tiêu 5 năm sau mình sẽ vươn tới những vị trí nào...
Bà Phương cũng lưu ý sinh viên về việc xây dựng "nhân hiệu" hay thương hiệu cá nhân. Ví dụ, trễ deadline, đi học không đúng giờ, thường sai hẹn… sẽ ảnh hưởng nhiều đến thương hiệu cá nhân của mình trong mắt thầy cô, bạn bè.
Ngược lại, giữ được uy tín, trách nhiệm trong từng tiết học, hoạt động nhỏ nhất sẽ tạo thêm giá trị cho thương hiệu bản thân.
"Đến lúc đi làm, thương hiệu cá nhân sẽ đi theo bạn. Cha tôi thường dặn rằng mất tiền có thể tìm lại được, nhưng mất chữ tín, mất nhân hiệu thì không", bà Phương nhắn gửi.
Nói riêng về logistics, theo bà Phương, ở Việt Nam ngành này vẫn còn khá trẻ, chỉ mới thực sự phát triển trong 10 năm trở lại đây. Nhu cầu lao động hiện rất lớn, các công ty logistics không chỉ tuyển những bạn đúng chuyên ngành logistics mà còn các ngành khác liên quan như kinh doanh, thương mại, xuất nhập khẩu…
Dù vậy, thách thức cho các lao động muốn theo ngành logistics ở Việt Nam là phải liên tục học hỏi, ngay cả khi đã lên những vị trí cấp cao. Thế giới luôn ghi nhận những xu hướng trong hoạt động logistics, vì vậy đòi hỏi nhân sự dù ở vị trí nào cũng tự học không ngừng.
Học bổng 400 triệu đồng cho sinh viên
Cũng trong chiều 21-5, Trường đại học Kinh tế - Luật TP.HCM (UEL) và Hiệp hội Logistics TP.HCM đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác. Theo đó, hai bên sẽ hợp tác đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành logistics.
Sinh viên sẽ được hiệp hội tạo điều kiện tiếp cận với thực tế và nhu cầu của ngành logistics. Đồng thời, hiệp hội sẽ trao học bổng 400 triệu đồng cho sinh viên UEL.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận