21/01/2024 10:34 GMT+7

Chọn ngành vi mạch bán dẫn, ô tô điện, logistics có lo thất nghiệp?

Tại chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp diễn ra ở Trường THPT chuyên Hùng Vương (TP Pleiku, Gia Lai) sáng nay 21-1, nhiều học sinh đặt câu hỏi về ngành công nghệ vi mạch bán dẫn, ô tô điện, logistics…

Học sinh tham dự buổi tư vấn tại Trường THPT chuyên Hùng Vương (TP Pleiku, Gia Lai) sáng nay 21-1 - Ảnh: TRẦN HUỲNH

Học sinh tham dự buổi tư vấn tại Trường THPT chuyên Hùng Vương (TP Pleiku, Gia Lai) sáng nay 21-1 - Ảnh: TRẦN HUỲNH

Bạn Nguyễn Văn Hưng - học sinh Trường THPT Lê Lợi - nói bản thân yêu thích giao tiếp tiếng Anh với người nước ngoài, nhưng không biết có phù hợp với ngành logistics hay không. Một số học sinh khác cũng băn khoăn chọn ngành này ra trường có bị thất nghiệp…

Những lưu ý khi chọn ngành logistics, truyền thông đa phương tiện  

Tư vấn cho bạn, GS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo - phó giám đốc Đại học Kinh tế TP.HCM - cho biết trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay nếu giỏi tiếng Anh, thích giao tiếp với người nước ngoài sẽ phù hợp với nhiều ngành nghề.

Riêng ngành logistics, nền kinh tế hiện nay đang có nhu cầu nhân lực rất lớn. Khi nền kinh tế các nước càng giao thương nhiều với nhau, việc buôn bán, kinh doanh, vận chuyển hàng hóa sẽ phát triển mạnh thì càng cần thêm nhiều nhân lực phục vụ cho ngành này.

Nhiều học sinh quan tâm đến ngành truyền thông đa phương tiện nhưng không biết ngành này đào tạo thế nào và cơ hội việc làm ra sao.

Theo TS Phạm Tấn Hạ - phó hiệu trưởng Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM), nhiều học sinh chọn ngành truyền thông đa phương tiện.

"Hiện nay có rất nhiều trường đại học đào tạo ngành này. Tại trường chúng tôi, ngành này đào tạo cho các bạn có kiến thức cơ bản trong lĩnh vực truyền thông để vận dụng vào công việc của mình. 

Khi học truyền thông, các bạn sẽ được trang bị các kiến thức, kỹ năng tác nghiệp trong lĩnh vực báo chí như phỏng vấn, talkshow, viết tin…

Sau đó, các bạn có thể học chuyên sâu về truyền thông như đồ họa, ý tưởng truyền thông, tổ chức sự kiện… Trong quá trình học, các bạn sẽ được tiếp cận lĩnh vực truyền thông ngay từ năm thứ nhất. Trong từng học phần, cac bạn tham gia làm ra các sản phẩm truyền thông", thầy Hạ chia sẻ.

Cũng theo thầy Hạ, hầu hết sinh viên học ngành truyền thông đều có bước chuẩn bị ban đầu để khởi nghiệp ngay từ khi ngồi trên ghế giảng đường đại học. Bên cạnh đó, nhiều bạn còn cộng tác với các cơ quan báo chí, đơn vị truyền thông để làm ra những sản phẩm truyền thông ngay từ khi còn đi học. 

Điều quan trọng đối với ngành làm truyền thông phải có nhiều ý tưởng. Bên cạnh đó còn có hướng ứng dụng công nghệ để làm ra sản phẩm truyền thông.

Ô tô điện phát triển mạnh, có nên học kỹ thuật ô tô?

Tiến sĩ Bùi Hoài Thắng - trưởng phòng đào tạo Trường đại học Bách Khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM) - trả lời câu hỏi của học sinh - Ảnh: THẾ THẾ

Tiến sĩ Bùi Hoài Thắng - trưởng phòng đào tạo Trường đại học Bách Khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM) - trả lời câu hỏi của học sinh - Ảnh: THẾ THẾ

Trong khi đó, một học sinh quan tâm đến ngành kỹ thuật ô tô nhưng băn khoăn trước thực tế ô tô điện đang phát triển mạnh mẽ, không biết các trường có đào tạo ngành ô tô điện hay không.

Giải đáp cho bạn, PGS.TS Bùi Hoài Thắng - trưởng phòng đào tạo Trường đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM) - chia sẻ: "Hiện nay ai cũng nhìn thấy sự phát triển mạnh mẽ của ô tô điện. Tuy nhiên, ô tô điện chỉ là ngành hẹp của ngành kỹ thuật ô tô. Tương lai cũng sẽ có xe sử dụng nhiên liệu, nguồn năng lượng khác nữa như năng lượng mặt trời. Nếu yêu thích thì bạn nên chọn ngành kỹ thuật ô tô, sau đó có thể học chuyên ngành hẹp hơn".

Trả lời thắc mắc của một học sinh với câu hỏi ngoài học trường sư phạm, có con đường nào để trở thành giáo viên dạy lý, TS Nguyễn Mạnh Hùng - Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) - cho biết hiện các trường đào tạo ngành sư phạm vật lý đào tạo ra giáo viên dạy môn học này.

Bên cạnh đó còn có ngành đào tạo cử nhân vật lý. Học ngành này nếu muốn đi dạy phải học qua khóa đào tạo nghiệp vụ sư phạm. Nhìn chung, ngành học này có vị trí việc làm rất rộng, có thể làm việc tại các viện nghiên cứu, các doanh nghiệp…

TS Nguyễn Mạnh Hùng - Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), trả lời câu hỏi của học sinh - Ảnh: TRUNG TÂN

TS Nguyễn Mạnh Hùng - Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), trả lời câu hỏi của học sinh - Ảnh: TRUNG TÂN

Bên cạnh đó, nhiều học sinh cho biết rất quan tâm đến ngành vi mạch bán dẫn nhưng chưa biết hiện trường nào đào tạo ngành này và mức học phí ra sao.

ThS Phùng Quán - Trường đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TP.HCM) - cho hay: "Vừa qua Chính phủ có chương trình chiến lược phát triển ngành công nghệ vi mạch bán dẫn. Năm 2024, tại Đại học Quốc gia TP.HCM sẽ triển khai đào tạo ngành học này ở 3 trường: Trường đại học Khoa học tự nhiên, Trường đại học Bách khoa, Trường đại học Công nghệ thông tin. Hiện nay ở Việt Nam có 2 nhà máy sản xuất chip rất lớn của hai tập đoàn đa quốc gia nên cần nguồn nhân lực rất lớn ở lĩnh vực này".

Riêng về học phí, theo thầy Phùng Quán, hiện nay ở các trường công lập tối thiểu 30 triệu đồng/năm học. Nếu sinh viên các trường thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM có hoàn cảnh thực sự khó khăn sẽ được Quỹ Phát triển Đại học Quốc gia TP.HCM xem xét hỗ trợ cho vay tiền đóng học phí không lãi suất.

Không hoạt ngôn có nên chọn ngành luật kinh tế?

Học sinh đặt câu hỏi với ban tư vấn - Ảnh: TRUNG TÂN

Học sinh đặt câu hỏi với ban tư vấn - Ảnh: TRUNG TÂN

Bạn Minh Thư, học sinh Trường THPT chuyên Hùng Vương, bày tỏ: "Bản thân em không phải là người hoạt ngôn nhưng quan tâm đến ngành luật kinh tế. Sau này em muốn trở thành nhân viên pháp chế của các công ty. Tố chất đó có ảnh hưởng đến cơ hội việc làm của em sau này?".

ThS Lê Văn Hiển - phụ trách phòng đào tạo Trường đại học Luật TP.HCM - nhận xét việc bạn Minh Thư muốn trở thành nhân viên pháp chế trong các công ty là một sự định hướng đúng đắn.

Luật kinh tế là một trong sáu ngành đào tạo lĩnh vực luật. Nhóm ngành luật rất đa dạng nghề nghiệp. Sau khi học xong sinh viên có thể làm việc ở rất nhiều cơ quan, đơn vị: UBND các cấp, tòa, viện kiểm sát, các sở ban ngành, văn phòng công chứng, luật sư… Nếu không muốn làm việc trong các cơ quan nhà nước thì có thể làm nhân viên pháp chế, nhân sự trong các công ty trong và ngoài nước.

Chương trình do báo Tuổi Trẻ, Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), Sở Giáo dục và Đào tạo, Tỉnh Đoàn Gia Lai và Trường THPT chuyên Hùng Vương phối hợp tổ chức với sự đồng hành của Tập đoàn Vingroup.

Chọn học ngành nào để trở thành tỉ phú Phạm Nhật Vượng thứ hai?Chọn học ngành nào để trở thành tỉ phú Phạm Nhật Vượng thứ hai?

Một học sinh tại huyện Ea H’Leo, tỉnh Đắk Lắk thắc mắc làm sao chọn học ngành cho đúng và có thể trở thành Phạm Nhật Vượng thứ hai.

Chọn ngành vi mạch bán dẫn, ô tô điện, logistics có lo thất nghiệp?- Ảnh 6.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên